Ứớc mong chính đáng của mọi ông bố bà mẹ khi có con trong độ tuổi đến trường đó là con sẽ đạt kết quả học tập cao. Thế nhưng, việc tạo ra niềm hứng thú, say mê học tập và giúp con có nền tảng kiến thức vững chắc trước khi bước vào con đường học hành cũng là điều quan trọng không kém.
Tuy nhiên, một số cha mẹ tỏ ra e ngại và không muốn cho con đi học mẫu giáo với lí do lo sợ những ngày tháng thơ ấu của con sẽ bị ảnh hưởng bởi việc học tập quá sớm.
Tiến sĩ Kathleen McCartney - hiệu trưởng trường Harvard Graduate School of Education (Cambridge, Massachusetts, Mỹ) cho biết: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy trẻ em được nhiều hơn là mất khi đi học mẫu giáo. Ở trường mầm non, các bé được tiếp cận với chữ cái, con số, và hình khối. Quan trọng hơn là các bé còn được học cách giao tiếp, kết bạn và thiết lập mối quan hệ với những đứa trẻ khác. Trẻ học cách chia sẻ cũng như đóng góp cho xã hội”. Và kết quả tất yếu là trẻ tự tin hơn, có cơ hội phát triển các kỹ năng ngôn ngữ sớm, các kĩ năng xã hội cần thiết, hình thành thói quen, sở thích đọc sách và thường có chỉ số IQ cao hơn.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy trẻ em được nhiều hơn là mất khi đi học mẫu giáo (Ảnh minh họa).
Những gì cha mẹ cần tạo dựng cho con đó chính là một nền tảng tri thức cơ bản như 1 chiếc xương sống chứ không chỉ thông thường là dạy trẻ làm toán và học ngoại ngữ. Ngoài ra, việc dạy cho trẻ các kĩ năng cần thiết để kích thích óc sáng tạo, niềm đam mê và kĩ năng giải quyết vấn đề cũng là việc cha mẹ cần làm.
Cha mẹ hãy cùng tham khảo 6 bài học nền tảng cơ bản trước tuổi đến trường dành cho bé sau đây để hiểu rõ hơn những tác động tích cực của chúng đối với sự phát triển toàn diện và vững chắc của trẻ trước khi bước vào lớp 1:
Bài học thứ nhất: So sánh, suy đoán và sắp xếp logic
Kĩ năng trong những bài học kiểu này bao gồm việc so sánh, sắp xếp và đo đạc các vật thể sử dụng các thuộc tính như kích thước, trọng lượng và khối lượng. Bé sẽ thực hiện so sánh, đối chiếu bằng cách chọn ra các món đồ có thuộc tính giống hoặc tương tự nhau, sau đó sắp xếp theo thứ tự và đưa chúng vào cùng 1 nhóm. Những bài học về kĩ năng này sẽ giúp trẻ có suy luận logic khi tiếp cận các vật thể khác nhau, tạo nền tảng cho việc học tính toán sau này.
Bài học thứ 2: Ý thức về con số toán học
Tập đếm là một trong những điều đầu tiên trẻ học khi bắt đầu tập nói. Cha mẹ lưu ý những bài học kĩ năng này tập trung vào việc giúp con hình thành ý thức về số đếm và các khái niệm toán học khác. Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ áp dụng kỹ năng này bất cứ khi nào nếu mẹ cảm thấy trẻ có hứng thú. Ví dụ: Khi bé leo cầu thang thì đề nghị bé đếm số bậc, dạy bé đếm tất cả những món đồ chơi của mình, dạy bé đếm xe, đếm người, đếm cây…
Bài học số 3: Nhận diện không gian
Trong thế giới của chúng ta, mọi thứ tồn tại trong không gian, việc học kĩ năng khám phá không gian thường thu hút trẻ tham gia. Việc học kĩ năng này cần ứng dụng trong các hoạt động hàng ngày. Ví dụ: Rẽ trái hay rẽ phải để về nhà? Làm thế nào để dạy trẻ định hướng và hiểu các di chuyển trên bản đồ? Những bài học về nhận diện không gian sẽ giúp tăng cường kỹ năng xử lý hình ảnh của bé và dạy cho bé ý tưởng về các cách nhìn nhận khác nhau - cùng một đối tượng nhưng có thể trông khác nhau từ các góc nhìn khác nhau.
Bài học số 4: Kĩ năng cấu âm, tạo từ
Bài học về cấu âm, tạo từ bao trùm kiến thức về ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp. Đây là cơ sở của toàn bộ hệ thống giáo dục sau này của trẻ và là một kỹ năng sống có giá trị cốt lõi. Kĩ năng cấu âm, tạo từ, đặt câu sẽ giúp các bé học cách tư duy và diễn đạt rõ ràng, chính xác những gì bé muốn nói, đạt hiệu quả giao tiếp tối đa.
Bài học số 5: Nhận diện hình dạng
Giống như việc học từ và số thì nhận diện hình dạng là một trong những bài học đầu tiên trẻ cần học. Ví dụ: quả trứng là hình bầu dục, quả bóng là hình tròn, ngôi nhà đồ chơi có hình chữ nhật… Bài học về các hình dạng cơ bản sẽ chuẩn bị cho trẻ khái niệm về hình học khi bé học lên các lớp cao hơn, bắt đầu tìm hiểu về hình học 2D, 3D và hình đối xứng. Nó cũng bổ sung cho bé các kỹ năng nhận dạng vật thể, đối tượng trực quan trong không gian 3D hoặc qua hình ảnh phản chiếu.
Bài học số 6: Các kĩ năng sống, kĩ năng xã hội khác
Bé sẽ phát huy được tối đa kiến thức của tất cả các bài học ở trên khi đi kèm với các kĩ năng mềm khác như kĩ năng tư duy phê bình (khả năng kiểm tra thông tin và giải quyết vấn đề), kĩ năng tập trung chú ý, tự kiểm soát và phát triển các kỹ năng cá nhân khác.
Tác động của những bài học trên
Những bài học trên sẽ giúp rèn luyện và "nhào nặn" lên những đứa trẻ tự tin và tò mò, có kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Khi trẻ đã được học theo kiểu trải nghiệm, trẻ em sẽ hình thành tinh thần phân tích sắc bén giúp chúng hiểu các khái niệm và vấn đề một cách linh hoạt bằng nhận thức của chính mình. Nói cách khác, chúng sẽ trở thành những người biết cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Cuối cùng, các bài học trên cũng giúp xây dựng nền tảng vững chắc về khả năng trí tuệ, tình cảm và kĩ năng xã hội của trẻ trước khi bước vào lớp 1. Nhờ đó, việc học tập suốt đời trở nên dễ dàng hơn, tư duy học tập linh hoạt hơn.
Nguồn: Parent