Tôi vẫn thường cho mình là một bà mẹ tinh tế, biết lắng nghe và đồng hành cùng con. Vì sao tôi lại nghĩ như vậy? Đó là bởi tôi thường xuyên dành thời gian trò chuyện với con gái, hỏi con về những điều xảy ra trong cuộc sống, có chuyện gì khiến con vui, chuyện gì khiến con cảm thấy khó khăn và đưa ra lời khuyên.

Tuy nhiên, dần dần tôi thấy sự thay đổi ở con gái. Nếu trước đây, con khá thoải mái chia sẻ với mẹ các câu chuyện ở trường lớp, những tâm sự về bạn bè,... thì càng ngày con càng không muốn tâm sự với mẹ nữa.

Ban đầu, tôi thấy khá buồn nhưng sau đó tôi liền nghĩ rằng: Con đã đến tuổi dậy thì, không còn thích chia sẻ nhiều với mẹ nữa cũng là điều bình thường. Nghĩ đến đó, tôi càng thấy mình là một bà mẹ tâm lý. Chẳng những không hề trách móc mà còn nhận ra sự thay đổi tâm lý của con.

Xem phim Sex Education, tôi tỉnh ngộ!

Tuy nhiên, đến khi xem bộ phim Sex Education, tôi mới thấy bản thân bị hố! Đó là khi bà Jean Milburn, một nhà trị liệu đưa ra lời khuyên cho con trai. Bà nói: "Đó là sự cân bằng hoàn hảo, khi con lắng nghe người khác mà không đưa mình vào cuộc sống của họ".

Trước khi xem phim Sex Education, tôi cứ ngỡ mình là bà mẹ tinh tế, xem đến tình tiết này mới thấy: Mình kém duyên, áp đặt vô cùng! - Ảnh 2.

Lời khuyên của Jean dành cho con trai khiến tôi tỉnh ngộ

Đây thực sự là một câu nói hay về điểm cân bằng hoàn hảo của việc lắng nghe. Chúng ta có xu hướng tập trung vào bản thân mình. Khi lắng nghe người khác chia sẻ, chúng ta thường đưa bản thân vào tình huống và vấn đề của người khác để đưa ra lời khuyên mà quên mất việc tập trung vào chủ nhân câu chuyện.

Tôi chợt nhận ra rằng, dù tôi nghĩ mình đang lắng nghe con, nhưng thực chất, tôi chỉ đang áp đặt. Mỗi khi con tâm sự điều gì, tôi luôn cố gắng ngay lập tức đưa ra lời khuyên, hoặc tệ hơn, tôi dùng kinh nghiệm của mình để "giảng giải": "Mẹ nghĩ con nên làm thế này", "Nếu mẹ là con, mẹ sẽ không như thế", "Tại sao con không làm như mẹ bảo?", "Nếu con làm như mẹ bảo thì khéo mọi việc đã xong rồi",...

Tôi đã không hiểu rằng đôi khi, con chỉ cần được nói ra cảm xúc. Con cần một người mẹ biết lắng nghe mà không phán xét, không đưa ra giải pháp hay áp đặt suy nghĩ của mình.

Chẳng phải vì con đến tuổi dậy thì nên không muốn chia sẻ với mẹ, mà bản chất là con không muốn nói chuyện với mẹ nữa vì toàn bị áp đặt. Tôi chợt nhận ra mình đúng là kiểu người "luôn luôn lắng nghe, nhưng không hề thấu hiểu"!

Sau tập phim Sex Education, tôi học được rằng:

- Hãy để con nói hết mà không ngắt lời: Đôi khi, con chỉ cần ai đó lắng nghe để trút bỏ những nỗi lòng. Không cần lời khuyên, không cần phán xét.

- Tôn trọng quan điểm và quyết định của con: Tôi cần hiểu rằng con là một cá nhân độc lập, có quyền được tự do lựa chọn và sai lầm để học hỏi.

- Kiểm soát bản năng "sửa chữa" của mình: Là cha mẹ, tôi luôn muốn bảo vệ con khỏi tổn thương. Nhưng giờ tôi hiểu rằng, việc can thiệp quá mức đôi khi lại làm tổn thương con hơn.

Tôi cũng đã thay đổi cách giao tiếp của mình với con. Tôi học cách hỏi: "Mẹ có thể giúp con bằng cách nào?", "Con có muốn nghe lời khuyên của mẹ không, hay con chỉ muốn mẹ lắng nghe?". Và tôi tập kiềm chế sự thôi thúc phải ngay lập tức đưa ra giải pháp.

Thay đổi không đến ngay lập tức, nhưng tôi đã thấy sự khác biệt. Khi tôi hỏi con có chuyện gì muốn tâm sự với mẹ không, con không còn lập tức nói luôn "Chẳng có gì mẹ ạ". Có lúc con ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi mới kể, có lúc con lại nói "Có chuyện này nhưng con sẽ kể mẹ sau ạ". Điều đó chứng tỏ, con đang dần dần tin tưởng mẹ. 

Làm cha mẹ là một hành trình học hỏi không ngừng. Và bài học lớn nhất tôi học được chính là làm sao để yêu con theo cách con cần, chứ không phải theo cách tôi nghĩ là tốt. Mong rằng không có thêm bậc cha mẹ nào mắc phải sai lầm như tôi.