Chuyện “vợ ăn bám” hay phụ thuộc kinh tế chồng đã không còn xa lạ trong các tâm sự của chị em phụ nữ trên các diễn đàn mạng. Nhưng để vùng lên thoát ra hoặc có biện pháp giải quyết thấu đáo thì hầu như các chị em chưa tìm ra phương án.
Bạn sẽ làm thế nào nếu có 1 ông chồng thường xuyên khinh thường vợ bỉm sữa nhưng trước mặt người ngoài lại thể hiện mình là người tâm lý, thương vợ?
Từ những vấn đề rất nhỏ nhặt trong hôn nhân, Ngọc Mai (25 tuổi, kết hôn được 2 năm) hiểu ra nhẫn nhịn không phải cách tốt.
Mai cho biết, trước đây cô đi làm thu nhập cao hơn chồng nên lương tháng có bao nhiêu anh ta nộp hết cho vợ. Vì sợ chồng mặc cảm hoặc suy nghĩ về chuyện chênh lệch nên Mai chủ động báo cáo kinh tế với anh, tháng này tiêu bao nhiêu, để ra được bao nhiêu. Thậm chí cần mua món đồ nào từ 1 triệu trở lên cô cũng hỏi ý kiến chồng để anh ấy thấy mình được tôn trọng.
"Nhưng từ năm ngoái, mình đi làm lại sau thời gian nghỉ sinh công ty có nhiều biến đổi, thu nhập của mình giảm đi nhiều. Chồng thấy mình vừa con nhỏ vừa áp lực công việc nên động viên đằng nào cũng thế ở nhà thêm 1 thời gian rồi chuyển chỗ làm khác. Thương con lại tin chồng nên mình nghe anh ấy sắp xếp, xin nghỉ việc luôn công ty cũ. Mọi thứ bắt đầu xáo trộn từ đây”, Mai kể.
Do vị thế thay đổi nên chồng cô đề nghị cầm kinh tế với lý do “Em bận con cái anh đi lại mua bán cho tiện”.
Bình thường vợ chồng Mai được 2 bên nội ngoại gửi rau, gà nhà nuôi nên cũng đỡ phần nào chi phí cho thực phẩm. Song tuần này tủ lạnh không còn đồ ăn nữa, Mai lại quên chưa rút tiền, ra chợ không dùng tiền mặt cũng bất tiện, cô hỏi chồng đưa tiền.
“Anh có chút khó chịu vì nghĩ mình bày trò quên để lấy thêm tiền. Con nó khóc quá nên chồng đưa mình 100 nghìn. Vừa ra đến cửa có 2 người bạn của chồng mình đến chơi. Họ nói nghe tin con bé nhà mình ốm nên qua thăm. Mình theo phép lịch sự cảm ơn họ rồi mời vào nhà chơi. Không đắn đo suy nghĩ chồng rút ví luôn 2 triệu đưa mình dặn: ‘Em bố trí gì ngon ngon cho bọn anh uống rượu’. Mình muốn cười lắm nhưng nghĩ lại giữ ý cho chồng. Ai ngờ vừa xuống đến nhà xe đã thấy anh ấy nhắn tin quán triệt chỉ tiêu 200 nghìn thôi. Nghĩ mà chán”, Mai tâm sự.
Đây không phải lần đầu tiên Mai thấy chồng “sống ảo” như vậy. Anh ta chỉ nghĩ đến thể diện, sĩ diện của bản thân còn cảm xúc của vợ thế nào anh ta mặc kệ. Thế nên lần này cô quyết cho chồng 1 bài học để anh ta biết cô không cam chịu mãi.
Mai đã dùng biện pháp mạnh: “Lúc mình đi chợ về thì chồng đang ngồi uống trà với bạn nên cũng không hỏi han như mọi khi. Đến đúng 12h mình dọn cơm lên. Nhìn 1 bàn toàn đồ ăn mà 2 người bạn chồng xuýt xoa ‘Vợ anh đảm thế’, ‘Có hơn 1 tiếng mà chị nấu được bao nhiêu món chả bù vợ em’… Khỏi phải nói chồng mình cười méo cả miệng. Không méo sao được khi mình dùng 2 triệu để mua toàn bộ đồ ăn hôm nay, toàn là hải sản. Do giữ thể diện với khách nên suốt bữa cơm chồng mình phải ăn trong đau đớn”.
Đến lúc khách về Mai mới bị chồng hỏi tội, cô cũng chẳng ngần ngại mà đáp: “Con người em sống thật, không văn vở như anh. Vì em nghe lời anh, anh bảo em nghỉ việc ở nhà chăm con em nghỉ. Anh bảo em để cả thế giới anh lo em cũng tin anh. Nay anh bảo cầm 2 triệu đi chợ thì em phải nghe lời chứ. Mà thôi anh đừng tiếc, coi như đây là bữa cơm cuối của vợ chồng mình anh ạ. Em về ngoại cho anh bớt gánh nặng, còn việc ly hôn em cũng chưa muốn nhắc đến sớm, anh từ từ suy nghĩ nhé”.
Nói xong Mai dứt khoát bế con đi vì xe cô cũng gọi rồi. Nếu sống cả đời với 1 người đàn ông thế này thì thà không có còn hơn.