Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy: Trong quý I/2024, nước ta đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người bị ngộ độc và 3 người tử vong.
Đáng chú ý, thời gian qua tỉnh Khánh Hòa liên tiếp ghi nhận các vụ ngộ độc tập thể mà nạn nhân chủ yếu là trẻ nhỏ.
Đầu tháng 4, hàng chục ca bệnh là học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP.Nha Trang), vào viện với các triệu chứng nghi ngộ độc như đau bụng, nôn ói sau khi ăn cơm gà bán xung quanh trường.
Giữa tháng 3 vừa rồi, có hơn 360 người đã bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tại quán Cơm gà Trâm Anh (đường Bà Triệu, TP.Nha Trang).
Có thể thấy, ngộ độc thực phẩm đang là vấn đề nóng trong xã hội. Nó xuất phát từ chính nhu cầu thiết yếu hàng ngày của chúng ta đó là "ăn uống".
Ngộ độc thực phẩm phổ biến và nguy hiểm hơn bạn tưởng rất nhiều. Nguyên nhân chính của việc ngộ độc thực phẩm là do ăn, uống thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn. Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây đau bụng, tiêu chảy mà còn có thể làm rối loạn điện giải, ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn, não. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng, nhiễm độc máu, và dẫn đến tử vong.
Hiện đang trong thời điểm vào mùa nắng nóng, thực phẩm rất dễ lên men, ôi thiu hoặc nhiễm khuẩn. Cộng thêm quá trình chế biến, bảo quản không đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên theo ghi nhận, bên cạnh những hàng quán, cửa hàng ăn uống sạch sẽ thì vẫn còn rất nhiều hàng quán vỉa hè vẫn chưa đảm bảo an toàn vệ sinh. Người dân rất dễ để bắt gặp hình ảnh những quán ăn bày tràn lan thực phẩm ngoài vỉa hè, khu vực nấu ăn - rửa bát cáu bẩn "đáng sợ".
Trong một quán cơm bụi thuộc quận Hoàng Mai, đồ ăn được bày ra đa dạng và bắt mắt. Nhưng nhìn vào khu vực nấu nướng, rửa bát nhiều người mới phát hoảng vì mọi dụng cụ đều đen sì, cáu bẩn... Dường như khâu kiểm tra an toàn thực phẩm như bị bỏ quên. Nắng nóng nhiều người ngại nấu nên hay mua các loại thức ăn sẵn. Tuy nhiên nếu các quán ăn như thế này sẽ không đảm bảo khâu vệ sinh, bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ dễ gây ra ngộ độc và tiêu chảy.
Trong một quán bán bánh mì, nước giải khát ven đường tại Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội): Cả khu vực chế biến đồ ăn lẫn khu rửa bát, rửa thực phẩm đều ngổn ngang, không đảm bảo vệ sinh. Thật khó tưởng tượng thức ăn, đồ uống từ đây sẽ thế nào.
Thời gian gần đây, thịt gà là "thủ phạm" của các cuộc ngộ độc tập thể. Nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm ở gia cầm là vi khuẩn Campylobacter và Salmonella - thường được tìm thấy trong ruột và lông của những loài gia cầm này. Tuy vậy, rất hiếm có cơ sở giết mổ gia cầm đảm bảo vệ sinh. Tại chợ Chính Kinh (Thanh Xuân, Hà Nội), khu vực nuôi nhốt gà, chim bồ câu bốc mùi hôi thối.
Vì sao nắng nóng lại tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ngộ độc thực phẩm?
Các chuyên gia y tế cho rằng, nhiệt độ nắng nóng từ 37-40 độ C kèm với độ ẩm cao tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại sinh sôi. Cộng với việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến... sẽ làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: Những loại thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ gây bệnh cao đó là thịt, cá, trứng, sữa, thực phẩm không được làm sạch do quá trình sản xuất, đồ ăn bị ô nhiễm trong quá trình vận chuyển, những món canh, súp phải chế biến qua nhiều khâu...
Ngoài ra, những thực phẩm như hải sản giàu đạm, protein… cũng rất dễ bị ôi thiu trong mùa hè.
Nguy cơ ngộ độc sẽ tăng cao hơn ở các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như trường học, đám tiệc... do số lượng thức ăn lớn, phải phục vụ nhiều người trong một lúc.
Bác sĩ Trung Nguyên chia sẻ, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng, đồ ăn chỉ nên để ở ngoài khoảng 2-3 tiếng. Nếu để lâu hơn thì thực phẩm có thể bị ôi thiu, gây ngộ độc.
Ngoài ra, cần đảm bảo ăn chín, uống sôi. Không bảo quản chung thịt sống, thịt chín cùng một chỗ để tránh nhiễm khuẩn chéo. Nếu phát hiện bất kỳ thực phẩm nào bị ô nhiễm thì chúng ta nên loại bỏ ngay, tuyệt đối không được sử dụng để phòng tránh ngộ độc thực phẩm nói chung
Nếu không may bị ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng, nên xử trí thế nào?
Ths.BS Hồ Ngọc Lợi (giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM) cho biết: Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm bao gồm đau bụng dữ dội, nôn, tiêu chảy, đau đầu do số độc tố có trong thực phẩm gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh, mệt mỏi và chán ăn.
Khi phát hiện nạn nhân ngộ độc thực phẩm, cần tiến hành sơ cứu để giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo hãy dùng ngón trỏ đã được rửa sạch để ép vào góc lưỡi người bệnh; hoặc pha nước muối để kích thích nôn càng nhiều càng tốt. Đồng thời, cho người bệnh uống nhiều nước để bù cho cơ thể. Sau đó, cần gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.
Ths.BS Hồ Ngọc Lợi cũng cho biết, những ngày nắng nóng nên tăng cường tiêu thụ các loại rau củ quả, thức uống giải nhiệt, món mặn dễ tiêu hóa vào chế độ ăn. Ví dụ như: dưa hấu, dâu tây, bưởi, quýt, lê, bông cải xanh, cải bó xôi, rau diếp, cà rốt, bí ngòi, khổ qua... Nên tránh ăn các món quà vặt, hàng rong không đảm bảo vệ sinh. Thực phẩm còn dư nên đun sôi lại và để trong tủ lạnh không quá 1-2 ngày.