Cha mẹ thường mong đợi khi con mình ở giai đoạn sơ sinh, chập chững biết đi đều đạt được các mốc phát triển quan trọng như mỉm cười, lẫy, ngồi dậy, bước những bước đầu tiên, đếm đến mười, buộc dây giày...
Việc so sánh sự tăng trưởng và phát triển của con mình so với những đứa trẻ khác không được khuyến khích bởi thời điểm trẻ đạt được phần lớn các cột mốc trên sẽ trải dài trên một quãng rộng. Ví dụ, hầu hết trẻ em bắt đầu biết đi vững trong khoảng thời gian từ 11 đến 15 tháng. Nếu bạn có một nhóm trẻ 12 tháng tuổi, bạn sẽ nhận thấy, một số trẻ đã đi tốt, nhiều trẻ khác vẫn phải bám vào mọi thứ trong lúc bước đi quanh nhà. Nhưng tất cả đều có thể được đánh giá là phát triển bình thường.
Và thậm chí vượt ra ngoài ngưỡng phát triển bình thường đó, luôn có những trường hợp phát triển sớm và muộn. Nếu con bạn không đạt được các mốc phát triển đúng thời điểm, thì tốt nhất bạn nên nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để xem liệu có xảy ra vấn đề gì với sự phát triển của trẻ hay không?
1. Mỉm cười
Mỉm cười là một cột mốc phát triển mà hầu hết trẻ sơ sinh đạt được khi 6, 7 hoặc 8 tuần tuổi.
Thực tế, có 2 loại nụ cười ở trẻ sơ sinh:
- Nụ cười tự phát hoặc gần như phản xạ có thể xuất hiện sớm trong thời kỳ sơ sinh.
- Nụ cười xã giao xuất hiện để phản ứng lại điều gì đó, như khi bạn hát hoặc nói chuyện với bé.
Nụ cười xã giao là một cột mốc phát triển mà hầu hết trẻ sơ sinh đạt được khi 1-2 tháng tuổi. Không có nụ cười xã giao trước 6 tháng tuổi thường được coi là dấu hiệu sớm của chứng tự kỷ.
Nụ cười tự nhiên có thể xuất hiện sớm nhất vào những ngày đầu tiên trong đời bé và cứ thế duy trì cho đến khi bé được 10 tuần tuổi.
2. Cười thành tiếng
Cười thành tiếng là một cột mốc phát triển mà nhiều em bé đạt được khi 14-18 tuần tuổi.
3. Lẫy
Lẫy là một cột mốc phát triển mà hầu hết trẻ sơ sinh đạt được tầm 6 tháng tuổi. Đây thường là một trong những cột mốc vận động lớn đầu tiên mà cha mẹ mong đợi.
Theo những khuyến nghị được đưa ra vào năm 1996 tại Mỹ, không nên để trẻ nằm sấp nhiều do lo ngại nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Kết quả một số trẻ biết lẫy muộn hơn một chút so với trước đây. Nó cũng có thể gây ra một số chậm trễ trong việc chọn các cột mốc phát triển khác ở trẻ, bao gồm biết ngồi và biết bò.
Rất may là trước khi trẻ chập chững biết đi, những sự chậm trễ này dường như biến mất dù bé ngủ kiểu nào đi nữa. Vì vậy nên mô tả những em bé như vậy có "độ trễ" trong sự phát triển, chứ không phải là chậm trễ thực sự sẽ thích hợp hơn. Nếu bạn muốn tránh độ trễ này, bạn có thể thử cho con nằm úp bụng một số lần trong ngày.
Phần lớn trẻ sơ sinh biết lẫy khi 2-6 tháng tuổi, đầu tiên là từ nằm ngửa đến nằm sấp, sau đó từ nằm sấp chuyển sang ngửa.
4. Ngồi dậy
Ngồi là một cột mốc phát triển mà hầu hết trẻ sơ sinh đạt được khi 5,5-7 tháng tuổi. Đây cũng là một trong những cột mốc quan trọng của sự vận động mà cha mẹ mong đợi.
Giống với lẫy, thời điểm biết ngồi có thể chậm lại một chút nếu con bạn không dành nhiều thời gian nằm sấp. Tuy nhiên, hầu hết trẻ sơ sinh ngồi dậy mà không có sự hỗ trợ khi chúng ở trong khoảng từ 5,5-7 tháng tuổi.
5. Đứng lên được nhờ trợ giúp
Đứng lên được nhờ trợ giúp là một cột mốc phát triển mà hầu hết trẻ sơ sinh đạt được khi 6,5-9 tháng tuổi. Hãy nhớ rằng ngay cả khi trẻ sơ sinh có thể đứng được với sự hỗ trợ, chúng thường không thể tự mình đứng lên cho đến khi 8-10 tháng tuổi.
6. Bước đi đầu tiên
Bước những bước đầu tiên là một cột mốc phát triển mà hầu hết trẻ sơ sinh đạt được từ 11 đến 15 tháng tuổi.
Điều gì khiến trẻ có bước nhảy vọt từ việc phải bám vào mọi thứ để đi lại xung quanh đến tự mình bước đi? Đó là sự can đảm, khả năng thăng bằng, hay chỉ là tình cờ? Dù lý do là gì đi nữa, hầu hết các bé bắt đầu tự đi lại tốt trong khoảng từ 11 đến 15 tháng tuổi.
7. Vẫy tay tạm biệt
Vẫy tay tạm biệt là một cột mốc phát triển mà hầu hết các bé có thể đạt được khi 7-14 tháng tuổi. Mặc dù vẫy tay chào và tạm biệt có vẻ chỉ là một điều thú vị để dạy bé, đây thực sự là một cột mốc phát triển quan trọng. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nếu con bạn không có bất kỳ cử chỉ nào khi bé được 12 tháng tuổi, đó có thể là dấu hiệu sớm của chứng tự kỷ hoặc một rối loạn phát triển khác. Những cử chỉ này bao gồm vẫy tay, chỉ tay và với tay lấy đồ vật.
8. Nắm tay kiểu gọng kìm
Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ nắm chặt lại (kiểu gọng kìm) là một cột mốc phát triển mà hầu hết các bé đạt được tầm 7-11 tháng tuổi. Bạn có thể nhận ra cách nắm tay này khi bé cầm thìa.
Trước khi biết nắm tay kiểu gọng kìm vào khoảng 7 đến 11 tháng tuổi, trẻ sơ sinh thường nhặt đồ vật lên bằng kiểu nắm tay chưa thật vững.
9. Chơi đóng vai
Chơi đóng vai hoặc bắt chước các hoạt động, là một cột mốc phát triển quan trọng mà hầu hết trẻ sơ sinh đạt được tầm 10-18 tháng tuổi. Chơi đóng vai thường liên quan đến những việc như bé coi chuột máy tính là điện thoại hay bắt chước một hoạt động mà trẻ mới biết đi thấy cha mẹ làm đi làm lại nhiều lần.
Trẻ mới biết đi cũng sẽ bắt đầu bắt chước thực hiện nhiều hơn các công việc gia đình hàng ngày của cha mẹ, chẳng hạn như phủi bụi và quét dọn, vào khoảng 18 tháng tuổi.
Chơi đóng vai sẽ trở nên phức tạp hơn khi con bạn lớn lên; ví dụ, con đóng vai bác sĩ, lính cứu hỏa hoặc tài xế.
10. Nói những từ đầu tiên
Bạn có thể nghe những từ đầu tiên của trẻ, thường là mama hoặc dada, khi bé khoảng 1 tuổi.
Ngay trước khi thốt lên những từ đầu tiên, trẻ nên nói được những âm tiết đơn và thường xuyên lặp lại những tiếng bập bẹ. Hầu hết các chuyên gia nhìn nhận việc trẻ không bập bẹ trước 12 tháng tuổi là dấu hiệu sớm của chứng tự kỷ hoặc một rối loạn phát triển khác.
Phần lớn trẻ sơ sinh đều bập bẹ tốt trước sinh nhật đầu đời. Trên thực tế, bạn có thể nghe những từ đầu tiên của bé, thường là mama hoặc dada, khi bé được 6 đến 9 tháng tuổi. Mặc dù vậy, con bạn sẽ không sử dụng những từ đó cụ thể hơn hoặc chính xác cho đến khi bé được 7 đến 13 tháng.