Một trường cấp II ở miền đông Trung Quốc vừa đưa ra chương trình giảm cân đặc biệt cho học sinh sau nhiều tháng ở nhà né dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sáng kiến này có thể gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
Theo bài viết của China News Service (CNS) vào thứ 5 tuần trước, trường Song ngữ Thự Quang ở tỉnh Giang Tô đang hướng tới việc cải thiện cân nặng và thể lực của học sinh bằng cách cho các em chạy... 100 phút/ngày.
Chủ trương này được đưa ra sau khi ban giám hiệu nhận thấy nhiều trẻ đã phát phì sau nhiều tháng cách ly xã hội.
Phó hiệu trưởng họ Châu nói với CNS rằng: "Học sinh được ăn uống thoải mái và nghỉ ngơi nhiều ngày liền, vì thế mà nhiều em trong số đó trở nên thừa cân và yếu ớt".
Trong khi hầu hết học sinh của trường Song ngữ Thự Quang tỏ ra sợ hãi, một em nhỏ họ Cơ lại tỏ ra thích thú với sáng kiến này.
"Thầy cô cho cả lớp chạy cùng nhau, có nhiều bạn khá bụ bẫm nên em không cảm thấy mình kém cỏi", Cơ nói với The Cover.
Bác sĩ họ My, chuyên gia về bệnh tim mạch tại Trung tâm Sức khỏe Trẻ em Bắc Kinh lại có ý kiến khác:
"Trong trường hợp không tập thể dục, tăng cân trong thời gian cách ly kéo dài là điều hoàn toàn tự nhiên. Quản lý cân nặng của trẻ em là điều cần thiết vì tỷ lệ béo phì của trẻ em Trung Quốc đã tăng đáng kể trong những năm gần đây".
Khảo sát vào năm 2019 cho thấy: Từ 7 tuổi trở lên, cứ 5 trẻ thì 1 trẻ bị thừa cân, thậm chí béo phì, tăng 15% so với năm 1985.
Báo cáo của UNICEF vào năm 2018 cũng dự đoán rằng, hơn 28% trẻ em ở Trung Quốc (49 triệu đứa trẻ) có thể rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì vào năm 2030.
Dẫu vậy, chạy 100 phút/ngày chưa chắc đã là phương pháp phù hợp với mọi học sinh.
"Trẻ thừa cân phải tập luyện quá đà sẽ bị tổn thương khớp", bác sĩ My cho biết.
"Hơn nữa, béo phì có xu hướng đi kèm với các tình trạng như huyết áp cao hoặc tiểu đường. Do đó tập luyện cường độ cao dễ khiến trẻ thừa cân hạ đường huyết, thậm chí là ngừng tim".
Theo chuyên gia dinh dưỡng này, việc trẻ nhẹ hay nặng cân không đủ để nói lên tình trạng thể lực. Cơ thể trẻ liên tục phát triển, rất có thể số cân dư thừa đến từ hệ cơ hoặc xương đang tăng trưởng.
Ngoài ra, quá chú trọng vào việc "sao cho gầy" gián tiếp làm tăng sự kỳ thị xã hội đối với người thừa cân.
"Người ta thường gắn mác khá tiêu cực cho việc béo, như lười biếng hoặc không được thông minh và điều đó khiến trẻ tổn thương về mặt cảm xúc", cô Ngư Văn Lạc, chuyên viên y tế ở Hạ Môn nói với S.T.
"Nếu nhà trường áp học sinh vào một khuôn mẫu thẩm mỹ nhất định, nó sẽ khiến trẻ stress vì ngoại hình, ảnh hưởng xấu đến lòng tự tôn của các em".
"Mong muốn của trường Song ngữ Thự Quang khá tích cực nếu chỉ tập trung vào mục tiêu cải thiện sức khỏe của học sinh. Tuy nhiên, gắn mác trẻ em dựa vào trọng lượng cơ thể chính là phân biệt đối xử".
Theo SixthTone