Trường đào tạo "chui", sinh viên gánh hậu quả

Thông tin một loạt lãnh đạo chủ chốt của trường ĐH tư thục Đông Đô (viết tắt là ĐH Đông Đô) bị khởi tố khiến sinh viên, phụ huynh có con theo học tại trường này không khỏi lo mất ăn mất ngủ. Chuyện đào tạo "chui" văn bằng 2 (VB2) Tiếng Anh bị phanh phui đồng nghĩa với việc văn bằng mà trường đã cấp sẽ vô giá trị, những sinh viên đang quá trình chờ tốt nghiệp cũng bị dừng.

Không chỉ hàng loạt sinh viên lớp VB2 Tiếng Anh, việc đào tạo trái phép VB2 cũng được tổ chức ở nhiều ngành đào tạo khác của trường. Vừa qua, hàng loạt học viên lớp LKT 522-03 văn bằng 2 (VB2-PV) chính quy và lớp LKT 522-04 trung cấp, cao đẳng liên thông lên Đại học của Khoa Luật Kinh tế trường ĐH Đông Đô tổ chức tại Trung tâm GDTX Hải Phòng đứng ngồi không yên trước thông tin ĐH Đông Đô không đủ điều kiện tổ chức đào tạo VB2.

Cũng theo phản ánh của một số học viên, họ đăng ký theo học tại lớp Luật Kinh tế hệ VB2 từ T5/2017 theo thông tin tuyển sinh tại Trung tâm GDTX Hải Phòng. Đầu tháng 7 vừa qua, lớp VB2 này thi tốt nghiệp, nhưng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp không biết khi nào được nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học và bằng đại học bởi các khóa VB2 này chưa được phép và nơi này chỉ là địa điểm thuê mướn.

Còn theo phản ánh của một số sinh viên theo học tại cơ sở 60B Nguyễn Huy Tưởng - Thanh Xuân, Hà Nội: Dự kiến tháng 7 vừa qua sẽ được nhận bằng tốt nghiệp, tuy nhiên đến nay việc cấp bằng tốt nghiệp vẫn còn "mù tịt" vì lãnh đạo trường đang vướng lao lý, không ai thực hiện ký văn bản, giấy tờ và đóng dấu. Ngay cả giấy tốt nghiệp tạm thời cũng chưa có. Còn tân sinh viên, các sinh năm thứ 2, thứ 3 tại trường cũng lo lắng trước tương lai trường có tiếp tục hoạt động không.

Trường Đại học Đông Đô đào tạo chui, quyền lợi của sinh viên sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Cơ sở đào tạo của trường ĐH Đông Đô tại đường Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội. Ảnh: Q.Anh

Ai chịu trách nhiệm?

Trước hàng loạt sai phạm trong tuyển sinh, đào tạo tại trường ĐH Đông Đô, Bộ GD&ĐT cho biết, theo quy định việc đào tạo VB2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD&ĐT, ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất 2 khóa sinh viên chính quy của ngành tốt nghiệp. Bộ chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo VB2 của trường ĐH Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo VB2.

Về việc cung cấp phôi bằng cho trường ĐH Đông Đô, Bộ GD&ĐT cho biết, các trường ĐH tự quản lý và tổ chức in phôi bằng ĐH của mình. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục ĐH do có khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng nên đề nghị được Văn phòng Bộ cung cấp phôi bằng. Như vậy, Văn phòng Bộ là đơn vị cung cấp phôi bằng như các cơ sở in phôi bằng khác.

Như vậy, theo Bộ GD&ĐT việc trường ĐH Đông Đô tuyển sinh VB2 là trái quy định, tuy nhiên nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, trách nhiệm của Bộ ở đâu khi mà trong suốt hai năm qua trường này chiêu sinh rầm rộ, tổ chức thi tuyển, đào tạo ở một số cơ sở, kết nối với các địa phương để đào tạo, song đến nay mới bị phát hiện? Cho đến nay, vẫn chưa có phương án giải quyết, cũng như hướng giải pháp đối với các sinh viên đã và đang học tại trường.

Nhận định về vụ việc, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, trong vụ án xảy ra tại trường ĐH Đông Đô, các thông tin công khai cho thấy trường này đã tổ chức đào tạo VB2 tiếng Anh từ nhiều năm nay, là công khai, có chương trình tuyển sinh, thi tuyển, tổ chức học, thi và cấp bằng... Bởi vậy, Bộ GD&ĐT không thể nói rằng không biết về việc đào tạo này, cũng không thể nói rằng phôi bằng mà Bộ cấp cho trường này để in bằng cho các sinh viên tốt nghiệp VB2 tiếng Anh là "vô tình".

Về quyền lợi của các sinh viên của trường ĐH Đông Đô, theo Luật sư Cường, đối với các sinh viên đã đăng ký tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của nhà trường, đã tham gia học tập, tham gia thi, hoàn thành các khóa học, chương trình học thì phải cấp bằng cho họ, đây là quyền lợi chính đáng của người học theo quy định của Luật giáo dục, đồng thời cũng là trách nhiệm của trường đại học Đông Đô và Bộ GD&ĐT đối với sinh viên.

"Sai phạm của cá nhân, sai phạm của tổ chức trong lĩnh vực giáo dục không thể đổ trách nhiệm lên đầu người học. Cơ quan điều tra cần làm rõ bản chất của sự việc và sớm có kết luận để Bộ GD&ĐT, trường ĐH Đông Đô thực hiện trách nhiệm của mình đối với các học viên đã theo học ở trường này là cấp bằng, trao bằng cho các học viên đã đỗ tốt nghiệp. Với các trường hợp học viên được cấp bằng sai quy định, cấp bằng mà không tham gia học tập, đào tạo thì cũng cần cân nhắc, xem xét trách nhiệm của người học và trách nhiệm cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý" - Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ thêm.

Ngày 2/8, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Dương Văn Hòa (36 tuổi, Hiệu trưởng ĐH Đông Đô) và Trần Ngọc Quang (57 tuổi, Phó trưởng Phòng đào tạo và quản lý sinh viên, ĐH Đông Đô) về tội "Giả mạo trong công tác". Hai cán bộ khác của ĐH Đông Đô cũng bị khởi tố với tội tương tự nhưng được tại ngoại. Ngày 20/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can Trần Khắc Hùng (47 tuổi, quê Nghệ An), Chủ tịch HĐQT, ĐH Đông Đô về tội "Giả mạo trong công tác".