Thông tin trên được GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Đào tạo quốc tế diễn ra chiều 26/10.

Ông Chương cho biết, với định hướng phát triển thành Đại học Kinh tế Quốc dân, thời gian tới nhà trường sẽ thành lập 4 cơ sở trực thuộc gồm: trường Kinh tế, trường Kinh doanh, trường Công nghệ và trường Quốc tế trên nền tảng của các Khoa, Viện hiện nay.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mở thêm 4 trường trực thuộc - Ảnh 1.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ chiều 26/10.

Riêng với việc thành lập thêm trường Quốc tế, ông nhấn mạnh: "Đây là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường trong thời gian tới. Sinh viên sẽ được học, trải nhiệm môi trường quốc tế ngay tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân".

Đồng thời, việc nâng cấp Viện Đào tạo quốc tế trở thành trường Quốc tế cũng sẽ tạo động lực để viện tiếp tục đẩy mạnh chất lượng đào tạo, tiếp thu công nghệ giáo dục, tiến đến thu hút giảng viên, nhà khoa học và sinh viên quốc tế đến trường. Ông hy vọng qua đó sẽ góp phần giúp nhà trường sớm trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu xuất sức tại Việt Nam và ở châu Á.

Ủng hộ định hướng phát triển này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, hai cơ sở giáo dục đại học hàng đầu cả nước về ngành Kinh tế phải kể đến trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Kinh tế TP.HCM.

Vừa qua, trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã được Thủ tướng đồng ý cho chuyển đổi lên thành Đại học.

"Tôi tin, thời gian tới, trường Đại học Kinh tế Quốc sẽ sớm hoàn thành mục tiêu nâng cấp lên thành Đại học, xứng tầm với tên tuổi, chất lượng đào tạo của nhà trường", ông Phúc nhấn mạnh.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mở thêm 4 trường trực thuộc - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.

Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng Phúc thay mặt Bộ GD&ĐT trao bằng khen của Bộ trưởng GD&ĐT cho tập thể, cá nhân Viện Đào tạo Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Bộ GD&ĐT ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển của hoạt động hợp tác đào tạo quốc tế của Viện và trường Kinh tế Quốc dân. Ông cho rằng, điều quan trọng của việc triển khai các chương trình liên kết đào tạo quốc tế không chỉ nằm ở việc đào tạo ra đội ngũ các nhà quản trị doanh nghiệp, quản lý kinh tế trình độ quốc tế, mà còn hỗ trợ phát triển đội ngũ của chính tổ chức đào tạo và thúc đẩy chuyển giao công nghệ đào tạo tiên tiến từ các nước phát triển.

"Các chương trình liên kết đào tạo do Viện Đào tạo quốc tế triển khai đã và đang đạt được những kết quả tích cực, là động lực hướng tới các chuẩn mực quốc tế", Thứ trưởng lưu ý thêm.

Năm 1992, trường Đại học Kinh tế Quốc đân thành lập Văn phòng Quản lý dự án đào tạo từ xa trực thuộc Khoa Sau đại học. Trong giai đoạn từ 1992 - 2000, Văn phòng đã triển khai nhiều chương trình đào tạo liên kết nước ngoài như: Cao học Việt Bỉ liên kết với Đại học Tổng hợp Tự do Bruxelles (Vương quốc Bỉ), chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) hợp tác với Đại học Tổng hợp Bang Washington (Mỹ)...

Trải qua quá trình dài làm việc, xây dựng đội ngũ và khẳng định chất lượng, năm 2003, trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành lập Khoa Quản lý Đào tạo Quốc tế với nhiệm vụ quản lý, xây dựng và trực tiếp triển khai các chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Đến năm 2025, Khoa được nâng cấp thành Viện Đào tạo Quốc tế.

Từ khi ra đời đến nay, Viện Đào tạo quốc tế liên tục mở rộng hợp tác các trường đại học xếp thứ hạng cao trên thế giới, từ Vương quốc Anh, đến New Zealand, Đức, Mỹ, Canada, mở rộng đào tạo từ bậc đại học đến tiến sĩ.

Đến nay, Viện đã đào tạo hơn 1.900 sinh viên tại Việt Nam, hơn 400 sinh viên chuyển tiếp và tốt nghiệp các trường đại học đối tác. Bên cạnh đó, hơn 1.500 học viên đã tốt nghiệp các chương trình ở bậc sau đại học.