Ngày 11/3, theo tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa thống nhất cho thí điểm khôi phục lại việc dạy nữ công gia chánh trong trường THPT để làm cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh.

Ông Phan Ngọc Thọ đã thống nhất cho Trường THPT Hai Bà Trưng thí điểm khôi phục việc dạy môn nữ công gia chánh trong nhà trường từ năm học 2021-2022, đồng thời giao trách nhiệm cho ngành giáo dục sưu tầm có chọn lọc các tài liệu dạy nữ công gia chánh trước đây để phối hợp với các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực tiến hành biên tập, bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với phương châm vừa học vừa chơi vừa trải nghiệm.

Trường học ở Huế thí điểm việc dạy nữ công gia chánh: Người vô cùng ủng hộ, người băn khoăn, thầy hiệu trưởng nói gì? - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Khoa Diệu Huyền,Trưởng Ban liên lạc cựu nữ sinh Đồng Khánh, nguyên Phó Hiệu Trưởng trường THPT Hai Bà Trưng cho biết: 

"Ngày nay, qua nhiều cải cách giáo dục, các thay đổi về dạy nghề trong trường phổ thông và ảnh hưởng của xu thế mới nên việc dạy và học môn nữ công gia chánh trong các trường phổ thông không còn như trước, dẫn đến hậu quả là một lượng lớn nữ sinh khi bước vào tuổi trưởng thành, ra khỏi mái trường phổ thông lại hạn chế về kiến thức, kỹ năng về nữ công gia chánh, thiếu am hiểu về văn hóa ẩm thực, ảnh hưởng không nhỏ trong cuộc sống và đặc biệt khi là người phụ nữ của gia đình. Do vậy phục hồi việc dạy học môn nữ công gia chánh hết sức cần thiết và cấp bách".

Trường học ở Huế thí điểm việc dạy nữ công gia chánh: Người vô cùng ủng hộ, người băn khoăn, thầy hiệu trưởng nói gì? - Ảnh 2.

Ẩm thực Huế chứa đựng sự tinh túy, cầu kỳ, thanh tao đầy sức lôi cuốn. (Ảnh minh họa)

Thông tin này ngay lập tức tạo nên những tranh luận trái chiều trên các diễn đàn mạng xã hội.

Dạy "nữ công gia chánh", vậy đối tượng học là nữ hay cho cả hai giới?

Không dừng lại ở câu chuyện riêng về một môn học được khôi phục, thông tin này mở ra một chủ đề muôn thuở của chị em: Việc nấu ăn liệu có phải chỉ dành cho phụ nữ? Chủ đề ngày càng "nóng" hơn khi cư dân mạng đưa lên "bàn tròn" tranh luận trên facebook, các diễn đàn với những ý kiến khác nhau.

Đa số cư dân mạng bày tỏ sự ủng hộ sự cần thiết của môn học. Phần đông cho rằng, ý tưởng này rất hay, bởi việc biết nấu ăn là một kỹ năng cần thiết cho cả nam và nữ khi sống tự lập. Đồng thời sau này có gia đình, nếu bạn thành đạt trong xã hội mà không hài hòa giữa gia đình và công việc thì cũng không tìm được hạnh phúc. Vì thế dù trong thời nào đi nữa thì nữ công gia chánh vẫn rất cần thiết: 

"Không thể cả đời ba mẹ nấu cho ăn hay ăn cơm tiệm được, cái này thuộc kĩ năng sinh hoạt của cá nhân. Mình biết bên cạnh nhiều bạn nữ rất khéo tay và yêu thích việc nấu nướng, bếp núc thì cũng có các bạn nữ không có năng khiếu và đam mê. Lớp học này để các bạn có thêm kiến thức về nấu ăn hỗ trợ cho cuộc sống của chính các bạn chứ không ai khác".

"Ngày xưa lớp 6 có môn Công nghệ, hầu như bài nào có món ăn thì thầy mình sẽ cho các tổ chuẩn bị món ăn hết, nam nữ đều như nhau. Tới giờ đó hầu như đứa nào cũng háo hức, nhất là mấy anh trai tranh nhau đi rửa rau và chuẩn bị nguyên vật liệu. Vậy nên nấu ăn là môn bắt buộc cho hành trang vào đời chứ không phải là chỉ học cho qua môn hay không. Mình cũng mong tất cả các trường bây giờ đều có môn học này".

Tuy nhiên bên cạnh đó, không ít ý kiến bày tỏ rằng bản thân tên môn học đã thể hiện sự bất bình đẳng giới tính. Từ muôn đời nay, hai từ "nội trợ" tự động được gắn vào phái yếu và được khen ngợi một cách hoa mỹ là "đảm đang". Nhưng trong thời hiện đại, việc bếp núc quả thực đã không còn là "đặc quyền" của phái đẹp. 

Các gia đình ngày nay đề cao sự bình đẳng, vợ/chồng cùng đi làm kiếm tiền, cùng chăm con, cùng san sẻ việc nhà cửa... Vậy nên, cụm từ "nữ công gia chánh" theo quan niệm của nhiều bạn trẻ đã không còn phù hợp để đặt tên cho một khóa học.

Người vô cùng ủng hộ, người băn khoăn trước thông tin trường học ở Huế thí điểm khôi phục lại việc dạy nữ công gia chánh: Thầy hiệu trưởng nói gì? - Ảnh 2.

Người vô cùng ủng hộ, người băn khoăn trước thông tin trường học ở Huế thí điểm khôi phục lại việc dạy nữ công gia chánh: Thầy hiệu trưởng nói gì? - Ảnh 3.

Nhiều cư dân mạng cho rằng, tên môn học gây hiểu lầm.

Theo luồng ý kiến này, nấu ăn là kỹ năng ai cũng cần để tự lo cho bản thân. Giữ gìn văn hoá thì ai cũng cần góp tay vào giữ: "Tên khóa học "nữ công gia chánh" cùng ý kiến "hậu quả là một lượng lớn nữ sinh khi ra trường hạn chế về kiến thức, kỹ năng về nữ công gia chánh" làm cho nội dung của môn học bị hiểu lầm và gây tranh cãi. Thiết nghĩ nên đổi thành "lớp học kỹ năng sống" và có giáo trình phù hợp để cả nam và nữ đều được học. Vì việc nấu ăn, thêu thùa không chỉ con gái mà con trai cũng có thể làm".

Một số học sinh đang học tại trường Hai Bà Trưng chia sẻ, dù năm sau mới triển khai nhưng theo thông tin ban đầu được phổ biến, môn học này sẽ áp dụng cho cả nam và nữ. 

Những bạn này cho biết khi nhận được thông tin vào sáng thứ 2 (8/3/2021) có hơi bất ngờ nhưng sau đó tất cả học sinh đều rất háo hức vì đây là môn học không chỉ trang bị thêm kỹ năng cấp thiết mà còn có thể tạo ra khoảng thời gian thoải mái, hào hứng sau những tiết học căng thẳng.

Thầy hiệu trưởng nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, thầy Ngô Đức Thức – Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng cho biết, thí điểm khôi phục lại việc dạy nữ công gia chánh trong trường chỉ mới là chủ trương, còn triển khai đề án thì nhà trường đang thực hiện. Theo thầy Thức, trước mắt có thể thành lập một câu lạc bộ.

"Hiện tại nhà trường đang lên kế hoạch và chưa hoàn thiện nên chưa có thông tin cụ thể. Trường sẽ công bố đề án đó sau khi được phê duyệt", thầy Thức cho biết.

Trường học ở Huế thí điểm việc dạy nữ công gia chánh: Người vô cùng ủng hộ, người băn khoăn, thầy hiệu trưởng nói gì? - Ảnh 5.

Trên thực tế, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, mục tiêu của khóa học là để sau khi rời trường phổ thông, các em học sinh phải biết chế biến một số món ăn cơ bản của Huế, đảm nhận được bữa ăn của gia đình, đồng thời có kỹ năng sống, hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế. 

Việc dạy nữ công gia chánh tại trường học phải gắn với tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở, làng nghề ẩm thực truyền thống Huế; gắn dạy lý thuyết với hướng dẫn thực hành và thuyết trình để tạo sức hấp dẫn, trong đó mời các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng là cựu học sinh, giáo viên Đồng Khánh – Hai Bà Trưng về hỗ trợ trong việc hướng dẫn thực hành, thuyết trình. 

Thông báo này không nhấn mạnh đây là môn học chỉ dành riêng cho nữ sinh.