Rách hậu môn trực tràng rất dễ bị nhiễm trùng

Bệnh nhân Nguyễn Văn T (Long Biên - Hà Nội) nhập viện Bệnh viện đa khoa Đức Giang trong tình trạng có vết thương chảy nhiều máu từ hậu môn ra. Bệnh nhân T cho biết mình có tiền sử táo bón lâu ngày, thường tự dùng vòi sen xịt và dùng tay tự tháo thụt phân ra ngoài. Bệnh nhân ít ăn rau chất có xơ nên hay bị táo bón.

Qua thăm dò vết thương, bác sĩ thấy nhiều vết rách phức tạp ở trực tràng. Bệnh nhân kể vết thương do trượt ngã cắm vòi sen vào vùng mông, ngón tay cắm vào trực tràng gây chảy nhiều máu tươi.

Từ trường hợp bệnh nhân tự dùng vòi hoa sen xịt rửa do bị táo bón dẫn đến rách hậu môn, bác sĩ cảnh báo! - Ảnh 1.

Bệnh nhân Nguyễn Văn T (Long Biên - Hà Nội) nhập viện Bệnh viện đa khoa Đức Giang trong tình trạng có vết thương chảy nhiều máu từ hậu môn ra.

Sau khi cầm máu và làm các xét nghiệm cần thiết. Bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ cấp cứu. Tại đây, kíp phẫu thuật do bác sĩ Phan Văn Thành, khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) đã tiến hành phẫu thuật nội soi làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân để chất thải không qua hậu môn trực tràng như cũ, sau đó khâu vết thương lại cho bệnh nhân. Sau mổ, tình trạng bệnh nhân ổn đang nằm viện để tiếp tục điều trị.

Bác sĩ Phan Văn Thành cho biết: "Thương tổn hậu môn trực tràng có hình thái lâm sàng rất đa dạng, do nhiều nguyên nhân khác nhau như tai nạn giao thông, vết thương do bị vật nhọn đâm trực tiếp vào vùng tầng sinh môn, những tai nạn lao động như đá gỗ đè… Ở trường hợp bệnh nhân rất may là đi cấp cứu kịp thời, nên việc cấp cứu diễn ra rất suôn sẻ, hiện tại bệnh nhân khỏe và chuẩn bị ra viện".

Vùng hậu môn, trực tràng là nơi chứa nhiều vi khuẩn kỵ khí, cấu tạo giải phẫu nhiều mô lỏng lẻo nên các vết thương ở vùng này rất dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là viêm tấy lan toả, khó xử lý. Hơn nữa, vết thương hậu môn trực tràng hay gặp trong bệnh cảnh đa chấn thương nên thái độ xử trí ban đầu rất quan trọng. Thông thường, những trường hợp táo bón gây rách hậu môn chảy máu là ở mức độ nặng, một khi có biểu hiện rách và chảy máu vùng hậu môn người bệnh cần đến viện ngay. Nếu không, bệnh nhân có thể bị nguy hiểm đến tính mạng hoặc phải chịu những di chứng nặng nề làm ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.

Từ trường hợp bệnh nhân tự dùng vòi hoa sen xịt rửa do bị táo bón dẫn đến rách hậu môn, bác sĩ cảnh báo! - Ảnh 3.

Tác hại của táo bón

Mặc dù táo bón không phải là một bệnh lý gây tử vong nhưng nhiều phiền phức, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Táo bón nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến táo bón mãn tính hay đọng lại thành những cục phân lớn, có thể gây ra tắc ruột, nhất là đối với người lớn tuổi hay trẻ em.

Táo bón có thể gây ra các biến chứng khá trầm trọng như trĩ, hậu môn, sa trực tràng do phải rặn mạnh mỗi khi đi đại tiện. Khi bị các hiện tượng trên, đi ngoài bị đau nên bệnh nhân ngại đi, do đó, lại càng táo bón hơn, tạo thành một cái vòng luẩn quẩn.

Khi cố rặn cũng làm tăng áp lực máu (biểu hiện mặt đỏ), nên rất nguy hiểm cho người cao huyết áp, người bị bệnh tim mạch (dễ bị đột quỵ khi đi tiểu). Táo bón lâu ngày có thể gây nên ung thư trực tràng

Từ trường hợp bệnh nhân tự dùng vòi hoa sen xịt rửa do bị táo bón dẫn đến rách hậu môn, bác sĩ cảnh báo! - Ảnh 5.

Mặc dù táo bón không phải là một bệnh lý gây tử vong nhưng nhiều phiền phức, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Theo BS Phan Văn Thành, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ chữa trị của bác sĩ thì người bị bệnh cũng bắt buộc cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý cũng như khoa học như phải ăn khá nhiều thực phẩm giàu chất xơ,  rau củ xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, uống nhiều nước. Hạn chế một số thực phẩm có tính cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp, không uống nhiều rượu bia, cà phê, chè đặc hoặc sử dụng những chất kích thích…

Song song, người bị bệnh cũng nên thường xuyên vận động cơ thể bằng cách tập luyện thể dục, thể thao đều đặn để giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng thể trạng và ngăn chặn trường hợp táo bón.