Tối 20/7, Giáo sư Thomas Bardin, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y khoa Pháp - chuyên gia đầu ngành của thế giới về bệnh gút đã trao giấy chứng nhận điều trị khỏi bệnh gút cho ông Hà Đăng Phương (48 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM). Ông Phương được chứng nhận đã chữa khỏi bệnh gút theo tiêu chuẩn của liên đoàn chống các bệnh thấp khớp của châu Âu (EULAR).

Đây là sự kiện diễn ra trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 17 năm thành lập Viện Gút và tổng kết 7 năm hợp tác y khoa Pháp - Việt giữa Trường Đại học Paris Cité của Pháp cùng Viện Gút và trường Đại học Y Dược TPHCM trong nghiên cứu, điều trị bệnh gút.

Trường hợp đầu tiên trên thế giới được chứng nhận khỏi bệnh gút là người Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Hà Đăng Phương được trao giấy chứng nhận đã chữa khỏi bệnh gút

Giáo sư Thomas Bardin cho biết, lâu nay gút được xem là bệnh không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, sự hợp tác nghiên cứu y khoa Pháp – Việt trên cơ sở kết hợp giữa Đông y và Tây y xây dựng chiến lược điều trị toàn diện cho bệnh nhân đã mang lại kết quả khả quan. Ông Đăng Phương trở thành người đầu tiên trên thế giới được chứng nhận khỏi bệnh gút sau khi đã điều trị hết tinh thể urat.

Theo bệnh án, năm 2018 ông Phương đến Viện Gút điều trị trong tình trạng cơ thể nổi nhiều cục tophi ở chân gây biến dạng khớp. Bệnh nhân thường xuyên phải đối mặt với tình trạng đau khớp dữ dội, khó khăn trong vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống. Tại Viện Gút, ông Phương đã được áp dụng mô hình điều trị bệnh gút và sử dụng thuốc hạ uric và thảo dược của Việt Nam.

Sau 6 năm điều trị, các cục tophi trên cơ thể người bệnh đã tan hết. Tiếp nhận giấy chứng nhận điều trị khỏi bệnh gút, ông Phương cho biết: “Khi mắc bệnh, thường xuyên chịu đựng những cơn đau, tôi nghĩ mọi thứ đã kết thúc với bản thân mình. Sau nhiều năm kiên trì điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ tôi đã may mắn thoát khỏi bệnh gút, trở về với cuộc sống bình thường”.

Trường hợp đầu tiên trên thế giới được chứng nhận khỏi bệnh gút là người Việt Nam - Ảnh 3.

Hợp tác Pháp - Việt trong nghiên cứu các giải pháp điều trị bệnh gút đang đóng góp rất lớn cho y học toàn cầu

Giáo sư Thomas Bardin cho biết, những trường hợp được điều trị khỏi bệnh gút không cần phải kiêng cữ trong ăn uống. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan với sức khỏe của mình mà cần theo dõi định kỳ nồng độ axit uric máu và sử dụng thuốc hạ axit uric để ngăn chặn nguy cơ bệnh quay trở lại.

Ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch Viện Gút cho biết, hợp tác Việt Pháp đang xây dựng mô hình chuẩn cho việc điều trị bệnh gút giúp bệnh nhân được khám, điều trị, quản lý điều trị, đánh giá điều trị, phối hợp điều trị… với các dữ liệu, quy trình cụ thể từ đó tối ưu hóa việc điều trị cho người bệnh. Các bên tham gia hợp tác đang đặt mối quan tâm đến việc giải quyết vấn đề ở người bệnh và xây dựng mức chi phí hợp lý nhất để hướng đến giải pháp y khoa cho người nghèo.

"Ở châu Âu hoặc Mỹ, từ khi thuốc hạ axit uric phổ biến, bệnh nhân gút không còn nhiều và nặng như các nước đang phát triển. Việc nghiên cứu tại Việt Nam đặc biệt là các ca bệnh nặng cho thấy, gút là bệnh rất đáng quan tâm từ đó thay đổi cách nhìn của các bác sĩ châu Âu. Từ thực tế nghiên cứu tại Việt Nam, chúng tôi đã đưa ra các khuyến nghị điều trị sớm bệnh gút đối với y tế Pháp để tránh biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh" - Giáo sư Thomas Bardin.