Trường hợp nào, đối tượng nào được sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ? - Ảnh 1.

Pháo nổ, pháo hoa, pháo hoa nổ giống và khác nhau như thế nào?

Bộ Công an cho biết, theo Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định: pháo bao gồm pháo nổ, pháo hoa.

Theo đó, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi cho tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.

Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m.

Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m.

Các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa nổ

Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ quy định tại Điều 11, sử dụng pháo hoa quy định tại Điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Cảnh báo nguy hiểm từ việc tự sản xuất, chế tạo, sử dụng trái phép pháo nổ dịp Tết

Bộ Công an cho biết, càng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự.

Chỉ tính riêng từ ngày 15/12/2022, sau 06 tuần thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các địa phương đã bắt giữ 588 vụ, 766 đối tượng, thu 16.570 kg pháo; trong đó có 17 vụ, 29 đối tượng chế tạo, sản xuất pháo trái phép thu 252,7 kg pháo.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng gần Tết, nhiều thanh thiếu niên vẫn mua nguyên liệu thuốc nổ trên mạng xã hội rồi học cách tự chế pháo để sử dụng trái phép, gây ra hậu quả khôn lường.

Để đảm bảo an ninh, trật tự, bình yên khi Tết đến, xuân về, Bộ Công an thông tin và khuyến cáo đến người dân cần nâng cao nhận thức, đảm bảo an toàn trong quản lý và sử dụng pháo theo đúng quy định của pháp luật.

Để đón một năm mới an toàn, bình yên, người dân cần chú ý: Nâng cao nhận thức, đồng thời quản lý giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng pháo.

Không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định).

Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng, cần chú ý khi sử dụng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự; sử dụng trong các trường hợp được phép, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng và chỉ mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm quy định về phòng, chống pháo nổ người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định.