Reuters đưa tin, mới đây, một nông dân chăn gia súc ở phía bắc Nội Mông được phát hiện mắc bệnh dịch hạch. 4 người tiếp xúc với bệnh nhân đang trong giai đoạn cách ly và theo dõi thêm.
Ca bệnh dịch hạch thứ 4 được Cơ quan y tế Trung Quốc xác nhận vào ngày 28/11. May mắn thay, bệnh nhân đã ổn định sau khi điều trị tại địa phương. Người này trước đó có làm việc tại khu vực đã phát hiện dịch hạch.
Trước đó, Trung Quốc ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh dịch hạch. Cụ thể, 3 ca bệnh dịch hạch trước đó đều có nguyên nhân từ việc ăn thịt động vật hoang dã. Trong đó, hai bệnh nhân được chẩn đoán mắc dịch hạch thể phổi, người còn lại bị dịch hạch thể hạch.
Trước tình trạng bệnh dịch hạch xuất hiện liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều người lo ngại bệnh dịch hạch có nguy cơ bùng phát thành dịch ở Trung Quốc. Chưa hết, Việt Nam là nước láng giềng gần kề có nhiều hoạt động giao lưu qua lại, khó tránh nguy cơ bị dịch bệnh lây lan.
Vậy, bệnh dịch hạch đáng sợ thế nào?
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng), dịch hạch là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm thuộc nhóm A do trực khuẩn Yersinia pestis gây nên. Bệnh tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỉ lệ tử vong cao. Bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da với động vật mang nguồn bệnh hoặc thông qua nước bọt của người bệnh khi ho.
Tại Việt Nam, bệnh dịch hạch lan truyền từ loài gặm nhấm mà chủ yếu là từ chuột sang người, do bọ chét chuột đốt lây bệnh.
Trong tự nhiên, bệnh dịch hạch lan truyền như sau: bọ chét hút máu con chuột A, vi khuẩn dịch hạch nhân lên trong dạ dày của bọ chét làm tắc nghẽn tiêu hoá chuột A. Con bọ chét bị tắc nghẽn tiêu hóa, chuyển sang đốt con chuột B thì vi khuẩn sẽ theo vết đốt vào cơ thể chuột B và lan truyền bệnh.
Bệnh dịch hạch lây lan trực tiếp từ người bệnh sang người lành do hít phải vi khuẩn dịch hạch tồn tại trong không khí do tiếp xúc với bệnh nhân mắc dịch hạch thể phổi. Vi khuẩn dịch hạch xâm nhập trực tiếp qua da lành hoặc da bị trầy xước, tiếp xúc tay trực tiếp vào động vật bị bệnh, động vật nuôi trong nhà như mèo cắn hoặc cào.
Theo ông Phu, bệnh dịch hạch có khởi phát bệnh đột ngột. Dấu hiệu của bệnh dịch hạch bao gồm ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và đau đầu. Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch. Hạch có thể to bằng ngón tay cái hoặc bằng quả trứng gà, lúc đầu đau và cứng chắc. Sau đó, hạch mềm hoá mủ. Từ thể hạch có thể tiến triển thành thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi hoặc viêm màng não thứ phát.
Nếu không được điều trị sớm và tích cực, thể hạch rất dễ tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp với biểu hiện: sốt cao 40 - 41 độ C, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, bệnh nhân bị vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, thường tử vong trong vòng 3 - 5 ngày.
Trong các thể dịch hạch, dịch hạch thể phổi được đánh giá cực nguy hiểm vì có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và bùng phát thành dịch lớn. Bệnh nhân có triệu chứng ở phổi cho đến ngày cuối cùng của bệnh, đờm loãng, có bọt dính máu, thường xuất hiện tràn dịch màng phổi, có biến chứng phù phổi cấp, tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh dịch hạch: Làm thế nào để phòng chống hiệu quả?
Để chủ động phòng chống bệnh dịch hạch, giới chuyên gia khuyên:
- Mỗi người cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo thực phẩm ăn uống được che, đậy an toàn… Không để cho chuột, bọ chét tiếp xúc. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp diệt chuột, bọ chét hiệu quả.
- Nếu thấy nhiều chuột chết có dấu hiệu khả nghi dịch hạch đừng ngần ngại báo cáo với cơ quan y tế nơi gần nhất.
- Nếu có biểu hiện mắc bệnh dịch hạch như sốt, nổi hạch… hoặc phát hiện người nhà, hàng xóm có biểu hiện cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
- Về phía cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, kiểm tra tại khu vực cửa khẩu, giám sát chặt chẽ với người, kiểm tra phương tiện vận chuyển, hàng hóa, động vật nhập khẩu vào nước…