Trường hợp nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 được đánh giá rất hiếm gặp

Theo BS Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang, ngày 7/5 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận một trường hợp tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Người tử vong là nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu.

Vụ nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vắc-xin Covid-19: Chuyên gia nhận định thế nào? - Ảnh 1.

Thông tin một nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 khiến người dân vô cùng lo lắng.

Trước khi tiêm vắc-xin tại điểm tiêm ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu sáng 6/5, nữ nhân viên y tế này đã được khám sàng lọc và giải thích về các phản ứng sau tiêm. Sau khi tiêm, Bệnh nhân có phản ứng sốc và đã được Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu xử lý theo đúng phác đồ. Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu đã kết nối hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang và Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp thời được tư vấn xử lý.

Ngay sau đó bệnh nhân được chuyển về tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cử các chuyên gia hồi sức tích cực đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang để hỗ trợ cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong ngày 7/5/2021.

Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn với non steroid (NSAIDs). Đây là trường hợp được giới chuyên gia đánh giá rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Vụ nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vắc-xin Covid-19: Chuyên gia nhận định thế nào? - Ảnh 2.

Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn với non steroid (NSAIDs).

Bất cứ một loại vắc-xin, thuốc kháng sinh, thậm chí là thức ăn, đồ uống đều tiềm ẩn phản ứng bất lợi

TS.BS Phạm Quang Thái (Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cho biết, bất cứ vắc-xin nào, không nói riêng vắc-xin phòng Covid-19 đều có những tỉ lệ phản ứng bất lợi. Điều này cũng đúng cho các loại thuốc, dược phẩm và thậm chí là thực phẩm. Tuy nhiên, những phản ứng bất lợi này ở tỉ lệ rất thấp và nếu được theo dõi, xử lý kịp thời là sẽ ổn. Không nên vì quá lo ngại mà bỏ qua một vũ khí lợi hại bảo vệ chúng ta trước bệnh Covid-19.

Vụ nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vắc-xin Covid-19: Chuyên gia nhận định thế nào? - Ảnh 3.

BS Trương Hữu Khanh (trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) khẳng định, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vẫn luôn là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách ngay lúc này vì lợi ích của chính người dân cũng như lợi ích to lớn của quốc gia. Đây là quyền lợi của người dân, là yếu tố quyết định phát triển kinh tế, phòng bệnh lâu dài. Đây cũng không phải là nhiệm vụ của riêng nước ta mà là mục tiêu chung của toàn thế giới. Hệ thống tiêm chủng phòng bệnh Covid-19 ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng cho biết, vắc-xin phòng Covid-19 có hiệu quả hơn 50% được thông qua quy trình khẩn cấp để sử dụng cho chống dịch. Điều này đồng nghĩa với việc gần 50% còn lại vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng sẽ hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng cũng như hạn chế khả năng phải nằm viện nếu chẳng may bị nhiễm.

Nói về vụ nhân viên y tế tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm phòng vắc-xin Covid-19, BS Khanh nhấn mạnh, không chỉ riêng vắc-xin phòng Covid-19 mà bất cứ một loại vắc-xin, thuốc kháng sinh, thậm chí là thức ăn, đồ uống đều tiềm ẩn nguy cơ sốc phản vệ dẫn đến tử vong đáng tiếc. Điều này tùy thuộc vào cơ địa từng người. Và ngay cả khi tiến hành thăm khám sàng lọc trước khi tiêm vẫn có những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra. "Tuy nhiên cần nhấn mạnh rủi ro này vô cùng hiếm, chỉ 1/1.000.000 người có thể gặp phải nguy cơ này", chuyên gia nhấn mạnh.

Vụ nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vắc-xin Covid-19: Chuyên gia nhận định thế nào? - Ảnh 5.

Thay vì lo lắng, sợ hãi, từ chối việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, người dân nên bình tĩnh khai báo thành thật, đầy đủ tiền sử bệnh lý, cơ địa có bị dị ứng hay không...

Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh, những phản ứng bất lợi này ở tỉ lệ rất thấp và nếu được theo dõi, xử lý kịp thời là sẽ ổn. Không nên vì quá lo ngại mà bỏ qua một vũ khí lợi hại bảo vệ chúng ta trước bệnh Covid-19.

Trường hợp nhân viên y tế tử vong sau tiêm vắc-xin Covid-19 là một sự cố đau buồn, ngoài ý muốn của tất cả mọi người. Thông qua đây, chúng ta phải có sự rút kinh nghiệm để không có những sự cố đáng tiếc như vậy. Cụ thể là phải tăng độ sẵn sàng trong công tác phòng chống phản vệ tại tất cả các cơ sở tiêm chủng. Thậm chí nếu cần phải chuẩn bị sẵn Adrenalin để khi sự cố xảy ra chỉ việc tiêm ngay thay vì mất công chuẩn bị thuốc chống sốc. Công tác tập huấn và giám sát kiểm tra cũng cần tăng cường để đảm bảo việc nhân viên y tế sẵn sàng trong mọi tình huống.

Theo BS Khanh, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia hàng đầu trong đảm bảo quy trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của Covid-19 đạt mức 50-70% và hiệu quả này vẫn giữ ở mức như vậy chứ không giảm ngay trong vòng 3 tháng sau tiêm liều 1.

Ở mũi tiêm thứ 2, với nhiều khoảng cách tiêm khác nhau được ghi nhận đã cho thấy thời điểm tiêm tối ưu nhất ở khoảng cách 3 tháng sau mũi thứ nhất, và ở khoảng cách tiêm này, hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%.

Bởi vậy, BS Khanh khuyên, lúc này người dân nên bình tĩnh khai báo thành thật, đầy đủ tiền sử bệnh lý, cơ địa có bị dị ứng hay không... để đội ngũ y tế kiểm tra, sàng lọc và quyết định tiêm hay không tiêm. Người dân khi đi tiêm phòng Covid-19 nên đến những cơ sở y tế lớn, được chính quyền cho phép, không tự ý tiêm tại nhà, tiêm tại trạm xá... để tránh tối đa những rủi ro đáng tiếc. 

Vụ nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vắc-xin Covid-19: Chuyên gia nhận định thế nào? - Ảnh 6.