Trải qua tuổi thơ đầy khó khăn, vất vả
Trương Lệ Hoa xuất thân từ một gia đình binh gia, nhưng do biến cố nên gia đình sạt nghiệp, suy sút bần hàn ở Giang Nam. Để kiếm kế sinh nhai, cha và anh trai bà làm nghề đan chiếu để kiếm sống.
Tuy là con nhà nông, phải phụ cha mẹ làm những công việc đồng áng nặng nhọc nhưng Lệ Hoa khi ở độ tuổi đôi mươi lại mang nét đẹp khác lạ: "Da trắng như tuyết, mắt tròn đen láy, thân hình toát lên vẻ thanh tú", những vẻ đẹp theo bà từ lúc mới sinh nên tên Lệ Hoa cũng do cha mẹ đặt từ các đặc điểm trên. Trương Lệ Hoa có mái tóc dài bảy thước, bóng đến soi gương được, lông mày sắc nét như tranh vẽ. Ngoài ra, bà còn có trí nhớ hơn người và vô cùng nhanh nhạy, tinh ranh trong cuộc sống hàng ngày.
Cuộc đời rẽ sang trang mới khi tiến cung
Năm 568, Lệ Hoa năm 10 tuổi được trúng tuyển nhập cung, được nạp vào làm thiếp thất của Thái tử bấy giờ là Trần Thúc Bảo. Thái tử khi đó trông thấy Lệ Hoa, lập tức cảm mến và say mê sắc đẹp động lòng người của bà. Năm Thái Kiến thứ 5 (575), Trương Lệ Hoa sinh hạ người con trai thứ tư cho Thái tử, đặt tên là Trần Thâm. Không lâu sau, Lệ Hoa lại sinh hạ người con thứ 8 là Trần Trang. Vừa được sủng ái lại có điểm tựa là 2 đứa con, vị trí trong cung của Trương Lệ Hoa ngày càng được củng cố hơn nữa
Từng bước độc sủng hậu cung
Năm Thái Kiến thứ 14 (582), vua Trần Tuyên Đế qua đời, thái tử Trần Thúc Bảo lên ngôi, lấy hiệu là Trần Hậu Chủ.
Ngay khi nắm quyền lực lớn nhất trong tay, Hậu Chủ đã cho rước Trương Lệ Hoa về cung, phong làm Quý phi và suốt ngày đắm đuối bên bà, bỏ mặc Hoàng hậu Thẩm Vụ Hoa và những lời can ngăn của quần thần. Ông coi Lệ Hoa như bảo bối quý báu nhất, đến nỗi khi lâm triều, bá quan khởi tấu quốc sự, ông đều cho Trương Lệ Hoa ngồi trên đầu gối, cùng quyết định đại sự thiên hạ.
Lúc bấy giờ, khi vừa lên ngôi thì em trai ông Là vương gia Trần Thúc Lăng tạo phản, Hậu Chủ phải đích thân đánh dẹp và bị thương. Hoàng hậu cùng các tần phi khác không ai dám đến gần chăm sóc, duy chỉ có Quý phi Trương Lệ Hoa thường xuyên ra vào, gần như là ở tại đó cùng Hậu Chủ. Mẹ của Hậu Chủ là Thái hậu Liễu Kính Ngôn cũng hết mực sủng ái và thiên vị Trương Lệ Hoa. Thẩm hoàng hậu không được lòng của cả Hậu Chủ và Thái hậu, do vậy ở trong cung bà chẳng khác gì có tiếng mà chẳng có miếng. Dần dần, mọi quyền lực trong hậu cung đều rơi vào tay của Trương Quý phi.
Thao túng triều đình, làm mờ mắt nhà vua
Trương Lệ Hoa vào cung nhiều năm, có biệt tài ăn nói, lại cộng thêm nhan sắc tuyệt trần nên chiếm trọn được sự tin yêu và sủng ái của Hậu Chủ. Từ khi Lệ Hoa có quyền lấn át cả Hoàng hậu Thẩm thị, các cung nhân trong cung không ai không kính trọng và xu nịnh bà, thường tìm cách đút lót để mong được chiếu cố. Lệ Hoa còn biết các thuật cầu đảo, mê tín, thường mời các Nữ sĩ vào cung lập đàn tế tự, mê hoặc Hậu Chủ tin vào những điều kỳ bí. Do đó, Hậu Chủ càng tin tưởng Lệ Hoa không ngừng, thường cho Lệ Hoa can dự triều chính.
Càng về sau, Hậu Chủ càng bỏ bê triều chính, các quan tấu sớ đều phải qua hoạn quan Thái Lâm Nhân và Lý Thiện Độ,mà cả hai vị quan này đều chịu sự chi phối của Trương Lệ Hoa. Hậu Chủ ngày càng lún sâu vào hưởng lạc, quyết định có việc gì thì Trương Lệ Hoa có thể tự quyết định, sau đó hãy bẩm báo cho mình cũng được. Do đó, trong ngoài đều do lệ Hoa quyết định, bà ta tùy tiện phong tước, nhận hối lộ, kéo bè kết phái,... làm cho quốc sự Nam triều nhanh chóng hỗn loạn và suy yếu.
Cái chết khi đang trên đỉnh cao của quyền lực
Năm 588, Trần Hậu Chủ quyết định phế ngôi Thái tử Trần Dận mà lập Thủy An Vương (con của Trương Quý phi) lên thay thế. Sang năm 589, nhà Tùy dẫn quân tấn công Nam triều, bao vây toàn bộ kinh đô. Đến bước đường cùng, Trần Hậu Chủ phải dẫn Trương Lệ Hoa nhảy xuống một cái giếng ở Ngự Uyển để trốn quân Tùy và bị tóm gọn.
Tấn Vương Dương Quảng cũng suýt bị hớp hồn, toan đưa bà về làm thê thiếp thì được cận thần can ngăn, nói rằng không thể yếu lòng mà để lại mầm hoạ. Sau đó bà bị áp giải đến suối Thanh Khê để hành quyết, năm đó Trương Lệ Hoa mới chỉ 37 tuổi.
Tuy gây ra nhiều tội ác nhưng Trương Lệ Hoa vẫn là một người phụ nữ có tự trọng. Trước khi bị hành quyết, bà để lại di ngôn xin được di táng tại Tần Hoài vì tự nhận thân phận thấp hèn, không xứng được an táng cùng vua Trần Hậu Chủ. Di hài của bà sau đó được mai táng ở một cái giếng trời trên nguồn thượng sông Tần Hoài, được người đời sau này tôn thờ làm Nguyệt Quế Hoa Thần.