Trường mầm non 'kêu cứu' - Ảnh 1.

Các trường mẫu giáo Hồng Kông, Trung Quốc dạy ngoại ngữ. Ảnh: ITN

Giáo viên trở thành người bán hàng thay vì chăm sóc trẻ em.

Giáo viên cũng phải bán hàng

Sau hơn 10 năm làm việc tại một trường mẫu giáo tư thục, Lin Xiao, 32 tuổi, sống tại Quảng Châu (Trung Quốc) ngập đầu trong những công việc khiến cô không thể đi dạy. Thay vì chăm sóc trẻ nhỏ, Lin được giao những nhiệm vụ không liên quan đến sư phạm như chụp ảnh cho các hoạt động của trường, công việc giấy tờ và phát tờ rơi tuyển sinh tại các khu dân cư.

Chỉ riêng năm 2023, khoảng 15 nghìn trường mẫu giáo Trung Quốc đã đóng cửa. Tác động nghiêm trọng nhất là ở các tỉnh phía Đông Bắc như Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang và có nguy cơ mở rộng sang các khu vực khác. Các chuyên gia giáo dục dự đoán, sự suy giảm nhân khẩu học có thể sớm ảnh hưởng đến các trường tiểu học và THCS

Với số lượng tuyển sinh giảm 60% so với năm trước, trường mẫu giáo mà Lin làm việc có nguy cơ đóng cửa giống với một số trường lân cận. Sếp của Lin đã nói rõ, mỗi học sinh đăng ký mới có thể trả 2 tháng lương cho giáo viên. Do đó, công việc của cô không phải là trông trẻ mà là tìm cách giữ cho trường duy trì hoạt động.

Áp lực của Lin càng gia tăng khi trường mẫu giáo của cô thông báo sẽ thưởng 500 nhân dân tệ cho giáo viên có thể thu hút một học sinh mới đăng ký. Ban giám hiệu cũng yêu cầu giáo viên liên tục theo sát phụ huynh có nhiều hơn một con. Nữ giáo viên thừa nhận: “Tôi cảm thấy mình giống nhân viên bán hàng hơn là giáo viên”.

Tại thành phố Tây An, ông Lei, giám đốc một trường mẫu giáo tư thục, thừa nhận tuyển sinh là ưu tiên hàng đầu. Để đạt hiệu quả cao hơn, một số trường đã thành lập đội ngũ tuyển sinh chuyên dụng. Số khác quảng cáo các khoá học miễn phí, dịch vụ dạy kèm tận nhà...

Các giáo viên nhận định trường mẫu giáo tư thục đặc biệt dễ bị tổn thương do kỳ vọng ngày càng cao của phụ huynh về chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất. Với việc các trường mẫu giáo công lập chất lượng cao ngày càng phổ biến và dễ tiếp cận, phụ huynh thường bỏ qua lựa chọn trường tư.

Trên khắp Trung Quốc, các trường mẫu giáo, nhất là trường tư thục, đang vật lộn với tình trạng thiếu học sinh mới. Khó khăn ngày càng chồng chất khi Chính phủ tăng cường mở rộng và cải thiện các trường mẫu giáo công lập. Điều này làm tăng cạnh tranh giữa trường công và trường tư, khiến trường tư khó thu hút và giữ chân học sinh.

Dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy trong 2 năm qua, khoảng 20,4 nghìn trường mẫu giáo trên toàn quốc đã đóng cửa. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn tài chính rồi mới đến số lượng học sinh giảm dần.

Nguyên nhân sâu xa

Thách thức trên bắt nguồn từ sự thay đổi chính sách quan trọng vào năm 2018, trước khi suy thoái nhân khẩu học trở nên rõ ràng và khi chính phủ khởi xướng sáng kiến “5080”.

Theo đó, quy định đến năm 2020, 80% trẻ em trong độ tuổi mầm non từ 3 - 6 tuổi sẽ được đăng ký vào các trường mẫu giáo công lập hoặc trường mẫu giáo giá cả phải chăng. Trong đó, ít nhất 50% trẻ sẽ theo học tại các cơ sở công lập.

Đến năm 2021, bối cảnh giáo dục Trung Quốc đã thay đổi với số lượng trường mầm non công lập tăng 150% so với một thập kỷ trước. Sau nỗ lực “5080”, hơn một nửa số học sinh mẫu giáo hiện theo học tại các cơ sở công lập.

Ông Wang Haiying - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Mầm non tại Đại học Sư phạm Nam Kinh, cho rằng việc mở rộng các trường mẫu giáo công lập trên khắp Trung Quốc nhằm thay đổi bối cảnh giáo dục là các trường lớn với lớp đông học sinh, ít giáo viên. Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện thay đổi mà không đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu nhân khẩu học trong khu vực.

Qian You - giáo viên mẫu giáo công lập tại Ninh Ba, đã chứng kiến nhiều trường mẫu giáo tư thục trong khu vực đóng cửa hoặc hoạt động không hết công suất. Trong khi trường công do nhà nước quản lý hoạt động tương đối đầy đủ, các lớp hầu hết đủ học sinh.

Tuy nhiên, ngay cả ở những cơ sở công lập, áp lực thu hút học sinh vẫn tồn tại. Gần đây, hiệu trưởng trường của Qian đã cử nhân viên đến các khu dân cư để quảng cáo về ngôi trường. Hiện nay, không có ngưỡng tuổi tối thiểu để vào mẫu giáo nên phụ huynh có thể gửi con đi học bất cứ lúc nào tại các trường mẫu giáo trong phạm vi huyện, thành phố.

Việc mở rộng địa bàn tuyển sinh là điểm mới trong chính sách về giáo dục mầm non tại Trung Quốc trong những năm gần đây. Trước đó, trẻ em chỉ có thể đăng ký vào các trường mầu giáo gần nơi sinh sống nhằm hạn chế tuyển sinh ồ ạt vào các cơ sở được săn đón.

Trường mầm non 'kêu cứu' - Ảnh 2.

Các trường mẫu giáo công lập tại Trung Quốc được đầu tư về cơ sở vật chất. Ảnh: Reuters

Biện pháp trước mắt

Để giải quyết khủng hoảng thiếu học sinh mới, các trường mẫu giáo Trung Quốc đang triển khai mô hình lớp mẫu giáo cho trẻ em dưới 3 tuổi. Theo Hiệp hội Giáo dục phi chính phủ nước này, năm 2023, 57% trường mẫu giáo được khảo sát đã triển khai dịch vụ trên, trong đó chiếm đến 85% là các trường tư thục.

Chương trình nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập và tăng cường tuyển sinh, đồng thời, góp phần giải quyết tình trạng thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiều giáo viên nhận thấy tiềm năng thành công, đặc biệt khi nhu cầu ngày càng tăng của phụ huynh, những người chịu áp lực công việc cao, muốn tìm kiếm sự chăm sóc toàn diện hơn cho con cái.

Bất chấp triển vọng trên, khảo sát của Hiệp hội Giáo dục phi chính phủ Trung Quốc cho thấy 58% trường mẫu giáo mở thêm lớp mẫu giáo đang hoạt động thua lỗ, chỉ 15% đạt được lợi nhuận. Nguyên nhân do học phí cao và chi phí tiếp thị phát sinh.

Xu hướng quản lý nhóm giáo dục mầm non tư nhân, phân tích chương trình học dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có những yêu cầu riêng về đội ngũ giáo viên. Do đó, các trường phải thuê thêm giáo viên hoặc đào tạo cho đội ngũ nhân viên hiện tại, làm tăng các chi phí. Bên cạnh đó, không phải phụ huynh nào cũng ủng hộ cho con đi học sớm. Nhiều người không muốn xa con quá sớm và cân nhắc nhiều yếu tố như an toàn, tiện lợi...

Bà Wang Haiying - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Mầm non tại Đại học Sư phạm Nam Kinh, cho rằng việc mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em vào các trường mẫu giáo là lựa chọn khả thi nhưng không thể đóng vai trò chính trong hệ thống chăm sóc trẻ em. Chưa kể, dịch vụ này vẫn phụ thuộc vào tỷ lệ sinh trong khi tỷ lệ này có xu hướng giảm.

Trước tình trạng trên, ông Lei, giám đốc trường mẫu giáo tư nhân, dự đoán: “Trong tương lai, sẽ chỉ có 2 loại hình trường mẫu giáo là công lập và tư thục cao cấp”.

Tăng cường biện pháp

Trường mầm non 'kêu cứu' - Ảnh 3.

Giáo dục mẫu giáo tại Nhật Bản là miễn phí. Ảnh: ITN

Tương tự, tại Hàn Quốc, Viện Chăm sóc và Giáo dục trẻ em cảnh báo khoảng 1/3 trung tâm giữ trẻ và trường mẫu giáo ở nước này sẽ đóng cửa vào năm 2028. Báo cáo lo ngại việc đóng cửa trường học, nhất là ở những khu vực không có nhiều học sinh, dẫn đến thiếu cơ sở hạ tầng chăm sóc trẻ em và làm trầm trọng thêm tình trạng dân số ở những khu vực này.

Do đó, Chính phủ cần hỗ trợ duy trì cơ sở hạ tầng ở mức tối thiểu cho việc chăm sóc trẻ em, nhất là ở những khu vực phải đối mặt với dòng dân di cư như nông thôn. Ngành Giáo dục có thể cung cấp hỗ trợ tài chính cho các cơ sở có nguy cơ đóng cửa và đảm bảo hoạt động bền vững cho những cơ sở thiết yếu ở các khu vực dễ bị tổn thương.

Còn tại Nhật Bản, quốc gia từ lâu phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, từ năm 2019, chính phủ đã miễn phí giáo dục mầm non. Khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, gánh nặng tài chính của việc giáo dục và nuôi dạy trẻ đè nặng lên người trẻ, trở thành nút thắt trong việc sinh con và nuôi con. Do đó, chính phủ quyết định miễn học phí cho giáo dục mầm non.

Thủ tướng Shinzo Abe từng hy vọng việc cung cấp hỗ trợ tài chính sẽ khiến các gia đình giảm gánh nặng từ việc nuôi dạy con cái và sinh thêm con. Từ đó, tỷ lệ sinh của đất nước sẽ được cải thiện.

Theo luật, trẻ em từ 3 - 5 tuổi được miễn học phí. Các cơ sở chăm sóc ban ngày sẽ miễn phí cho các hộ gia đình thu nhập thấp có con từ 2 tuổi trở xuống. Trong trường hợp phụ huynh gửi con đến trường tư sẽ được trợ cấp, không bao gồm các bữa ăn.

Riêng thành phố Akashi đã mở rộng các hỗ trợ theo quy định của chính phủ. Trẻ em ở thành phố Akashi được chăm sóc y tế miễn phí cho đến năm 18 tuổi và ăn trưa miễn phí ở trường đến 15 tuổi. Các gia đình có 2 con trở lên được đi học mẫu giáo miễn phí. Trẻ dưới một tuổi không phân biệt thu nhập gia đình đều được nhận tã miễn phí.

Ở Hồng Kông, Trung Quốc, tỷ lệ sinh giảm còn kèm theo tình trạng di cư và già hoá dân số khiến các trường mẫu giáo lâm vào cảnh ngộ khó khăn. Chính quyền Hồng Kông thông báo sẽ trợ cấp hơn 38 nghìn HKD/năm cho những trẻ mẫu giáo đi học nửa ngày và gần 50 nghìn HKD cho trẻ học cả nhgày. Các trường chăm sóc trẻ nhỏ sẽ được trợ cấp 61 nghìn HKD cho mỗi học sinh một năm.

Ngoài ra, các trường cũng cải thiện và nâng cao cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy để thu hút phụ huynh. Một số trường dạy ngoại ngữ như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Nhật hoặc tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để trẻ em có trải nghiệm học tập đa dạng hơn.

Hành động của thành phố Akashi (Nhật Bản) đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Dân số Akashi đã tăng liên tục trong 10 năm lên hơn 300 nghìn người. Năm 2021, số con trung bình của một phụ nữ Akashi trong độ tuổi sinh nở là 1,65, so với 1,3 trên toàn quốc.