Đó là một buổi sáng đầu hè, từ 5h sáng, hai bạn nhỏ nhà tôi đã thức dậy, nhanh nhẹn mặc quần áo, đeo ba lô để cùng bố mẹ đi dã ngoại, không quên mang theo chiếc vé mời xinh đẹp được thiết kế trang trọng mà vẫn đáng yêu vô cùng. Cả nhà háo hức lên đường, mong chờ hành trình khám phá Sự chuyển hóa kì diệu ở Vườn Quốc gia Cúc Phương phía trước.
Hành trình khám phá Sự chuyển hóa kì diệu của các bạn nhỏ trường New Horizons Montessori và gia đình ở Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Đi dã ngoại vốn là một hoạt động chẳng mấy lạ lẫm với các bạn nhỏ ở trường mẫu giáo, nhưng có lẽ chuyến dã ngoại này cùng các bạn nhỏ trường New Horizons Montessori là một trong những chuyến đi đặc biệt nhất của gia đình tôi. Dù là "khách mời" nhưng cả nhà đã được tham gia vào chuyến đi như những thành viên thực thụ của trường. Đó là chiếc vé mời được gửi tới một cách đầy trân trọng, là việc mua bảo hiểm du lịch, là những dặn dò chi tiết những món đồ cần chuẩn bị, là những chiếc túi vải tặng cho mỗi bạn để đựng "thành quả" của chuyến đi và đặc biệt là lời nhắn nhủ "Đây là một chuyến đi để bố mẹ và gia đình cùng học, cùng lớn lên với con" trong một lớp học thiên nhiên tràn đầy cảm hứng…
Những điều đó khiến tôi nghĩ đến câu nói được coi là "kim chỉ nam giáo dục" của trường, đó là "Chúng ta chỉ thay đổi hành vi của mình khi cảm thấy được tôn trọng. Trẻ nhỏ lại càng đặc biệt phụ thuộc vào cảm giác rằng người khác có tôn trọng chúng hay không".
Là một chuyến dã ngoại, nhưng thực ra Sự chuyển hóa kì diệu được các thầy cô của trường thiết kế như một bài học lớn cho các bạn nhỏ và cho cả bố mẹ, đó là lý do vì sao bố mẹ và người thân của trẻ như ông bà được "yêu cầu" là đi cùng trẻ trong chuyến đi đặc biệt này.
Trong lúc các bạn nhỏ được tận mắt ngắm nhìn những đàn bướm xinh đẹp bay lượn dọc các lối đi trong Vườn Quốc gia Cúc Phương, được tìm hiểu sâu hơn về quá trình sinh trưởng của loài bướm, từ một bạn ấu trùng bé xíu và non nớt, vươn lên sinh tồn trong môi trường thiên nhiên để biến thành một chú bướm xinh đẹp; thì ông bà, bố mẹ của các bạn nhỏ sẽ học được một bài học vô cùng đơn giản nhưng lại cực kì khó thực hiện, đó là "trở thành một người bạn thực sự của con".
Mặc dù tất cả chúng ta đều yêu thương và tôn trọng con mình nhưng đôi khi trong quá trình nói chuyện, làm việc cùng con, bố mẹ sẽ vô tình áp đặt, thiếu kiên nhẫn và luôn coi mình là "bề trên" của con.
Cô Crystal Crow tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều ông bà, bố mẹ "làm thay, làm hộ, làm giúp" con cái mình mọi việc, ngay cả những việc vô cùng đơn giản mà mọi đứa trẻ đều có thể tự làm như đi xuống bậc thang, rửa tay, đi giày dép, xúc ăn, chào hỏi người khác chỉ vì thiếu kiên nhẫn đợi trẻ tự làm. Theo cô đó chính là những hành động thể hiện sự thiếu tôn trọng của cha mẹ đối với những năng lực tuyệt vời mà trẻ có, đồng thời nó cũng tước đi của trẻ cơ hội hoàn thiện kĩ năng và phát triển cảm xúc, biến trẻ trở thành những em bé chỉ biết "ngồi im một chỗ" mà mất đi niềm vui thích khám phá và khát khao tìm tòi, cảm nhận cuộc sống xung quanh mình.
Chuyến dã ngoại Vườn Quốc gia Cúc Phương chính là một giờ học đặc biệt, để các thầy cô của trường có thể quan sát tương tác, cảm nhận sợi dây kết nối của các con với bố mẹ để từ đó hiểu hơn về cá tính, "lịch sử" của từng bạn nhỏ cũng như có được những chia sẻ phù hợp, thiết thực nhất dành cho cha mẹ trong hành trình đồng hành cùng con. Bởi vì theo nhà trường: "Trường mẫu giáo không thể thay bố mẹ nuôi dưỡng trẻ nhỏ thành những đứa trẻ thành công và hạnh phúc! Điều mà thầy cô giáo có thể làm đó là trở thành một người bạn tin cậy và hiểu biết của cha mẹ, giúp họ yên tâm và tự tin với công việc làm cha mẹ của mình để từ đó tận hưởng những niềm vui trong hành trình cùng con lớn lên".
Đôi mắt của trẻ nhỏ luôn tiết lộ chân thực nhất cảm xúc và tinh thần của chúng. Ánh sáng của niềm vui, của sự tập trung, đam mê và mãn nguyện sẽ luôn lấp lánh trong đôi mắt trẻ thơ nếu chúng được sống trong một môi trường giáo dục hài hòa, bình yên và tôn trọng sự phát triển cá nhân. Những ánh sáng lấp lánh ấy cũng là điều tôi cảm nhận rất rõ trong chuyến dã ngoại lần này.
Dưới những tán lá phủ mát con đường xuyên rừng lốm đốm nắng, lũ trẻ háo hức cùng nhau trekking, đi thăm cây cổ thụ và ríu rít với những phát hiện bên đường. Một chú bướm bị rách cánh được đưa vào nơi an toàn, một bạn giun đất trên đường, những chú sâu róm xù xì thả mình lơ lửng từ những cành cây, chú bọ rùa cánh đỏ bé xíu và cả dế mèn, châu chấu… tất cả đều trở thành những người bạn mới đầy thú vị để các con làm quen, tìm hiểu và bảo vệ.
Là giáo viên Montessori của trường, cô Crystal chia sẻ rằng cuộc hành trình làm giáo viên qua nhiều nước đã mang đến cho cô những trải nghiệm vô cùng quý giá. Bởi vì mỗi trẻ nhỏ theo đuổi đam mê của mình với tốc độ riêng, mỗi trẻ sẽ có tiềm năng và thế mạnh riêng nên nếu chúng được được tập trung, được tôn trọng và không bị so sánh với các trẻ khác, thì ánh mắt trẻ sẽ luôn rạng ngời.
Trẻ em ở đâu cũng như vậy, chúng rất cần được bố mẹ dành thời gian để chăm sóc và bao bọc để lớn lên. Bố mẹ nếu có thể hãy nhớ bao bọc con bằng yêu thương, tự do và sự tôn trọng, chứ đừng bao bọc theo kiểu thay con làm mọi thứ - đặc biệt là những việc mà trẻ có thể tự mình làm được.
Nhìn những bàn tay bé xíu nắm chặt lấy tay bố mẹ khi đi khám phá rừng, tận hưởng những nụ cười, những giọt mồ hôi mà các bố các mẹ chia sẻ với con trong suốt chuyến đi, tôi càng thấm thía điều mà cô Crystal nói, cuối cùng thì "bố mẹ mới là người thầy mãi mãi của tụi nhỏ", vì thế, những chuyến dã ngoại cả gia đình như chuyến đi Vườn Quốc gia Cúc Phương vào dịp cuối tuần sẽ là món quà ý nghĩa hơn bất cứ bài học nào cho tất cả, nhà trường, gia đình và các bạn nhỏ.