Hơn 30.000 phụ huynh Hà Nội, trong đó có tôi, phải chấp nhận sự thật con mình rớt lớp 10 công lập năm nay và tìm cách để cùng con đi qua cảm xúc tồi tệ này.
Trước ngày công bố điểm thi, đồng nghiệp vu vơ hỏi tôi "Nhà chị có thêm phương án nào ngoài trường công lập không?". Lúc đó, tôi chỉ cười cho qua chuyện vì khái niệm thi trượt không nằm trong suy nghĩ. Con tôi không kém, vợ chồng tôi cũng chưa từng ngó lơ chuyện học hành của con. Cả nhà tham khảo khắp nơi, bàn lên tính xuống các phương án để nộp nguyện vọng vào trường cấp 3 vừa sức với con.
Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính. Điểm chuẩn năm nay của ngôi trường con muốn vào tăng cao hơn 0,5 điểm so với năm trước. Hôm biết điểm chuẩn các trường, vợ chồng tôi chỉ thì thầm trao đổi, không dám nói nhiều vì lo con tủi thân, rồi lại nghĩ ngợi không hay.
Chồng tôi an ủi con: “Không sao, con đã cố hết sức rồi, giờ để bố mẹ lo”, “Thế nào cũng có đường cho mình, cánh cổng này đóng lại sẽ có cánh cổng khác mở ra”, "Mình chỉ thiếu một chút may mắn thôi" ... Chàng trai nhỏ gật đầu, cười méo xệch rồi lủi thủi đi vào phòng. Dù không nói ra nhưng tôi biết con đang rất buồn. Phần sợ bạn bè chê cười, phần nghĩ đến những ngày sắp tới bố mẹ sẽ vất vả thêm.
Đêm đó, cả hai vợ chồng tôi không dám ngủ, sợ con làm gì dại dột. Trong đầu tôi lúc đó là hàng vạn suy nghĩ chồng chéo, rằng mình sẽ làm gì để giúp con đối diện với sự thật, hay phải trả lời ra sao nếu bạn bè, đồng nghiệp hỏi kết quả thi của con... Nhưng ngay sau đó, tình yêu của một người mẹ giúp tôi chiến thắng nỗi lo về sĩ diện.
Tôi biết, phụ huynh sốc một thì con sốc gấp mười lần. Nỗi buồn của tôi chẳng thể so bì với sự thất vọng của con vào thời khắc này.
Quả thật tôi cũng từng băn khoăn “trượt lớp 10, con tôi biết làm gì?”. Suốt 9 năm học qua, con vùi đầu vào chuyện học hành. Hết học chính khóa lại bận rộn với lịch học thêm, tự học ở nhà. Kết quả học của con luôn ở mức khá, giỏi. Thế nên, hai từ "thi trượt" khiến cả nhà bàng hoàng. Chính hai vợ chồng tôi cũng không nghĩ đến "phương án dự phòng" cho trường hợp con trượt.
Điều kiện nhà tôi không quá dư giả, vợ chồng tôi đều là dân văn phòng, lương “ba cọc ba đồng”. Con thấu hiểu và luôn khẳng định chắc nịch: " Bố mẹ đừng lo, con chắc chắn sẽ vào được trường công lập ". Quyết tâm thi đỗ của con thể hiện qua những chồng đề luyện thi dày cộm, những lần học đến nửa đêm, phải lau mặt bằng nước lạnh để chống lại cơn buồn ngủ... Nhưng có lẽ, ở cuộc đua này, con tôi thiếu chút may mắn.
Ở thời của tôi, trượt lớp 10 là chuyện hiếm. Còn bây giờ, con và hơn 30.000 học sinh Hà Nội không thể vào được lớp 10 công lập. Cuộc đua này khốc liệt hơn những gì đứa trẻ 15 tuổi có thể tưởng tượng.
Có thể thấy, những năm qua hệ thống trường công ở Hà Nội không "tải" được số học sinh thi vào lớp 10. Năm nay, toàn thành phố có hơn 129.000 học sinh tốt nghiệp bậc THCS. Trong đó, khoảng 102.000 em sẽ vào lớp 10, nhưng chỉ 72.000 chỉ tiêu trúng vào các trường THPT công lập. So với năm học trước, số học sinh được tuyển vào lớp 10 trường công lập tăng 1.000 học sinh. Bởi thế, cuộc đua này càng trở nên căng thẳng và áp lực hơn.
Ở góc nhìn của một phụ huynh có con thi trượt, tôi thắc mắc, thực trạng thiếu trường công kéo dài nhiều năm nay mà vẫn không được giải quyết, tại sao không xây thêm lớp trong khi khuôn viên các trường THPT công lập đều khá rộng rãi?
Giờ đây con đã trượt lớp 10 công lập, vợ chồng tôi lại băn khoăn, vào trường tư thục thì tài chính là gánh nặng, nhưng nếu học ở trường tốp cuối liệu có ảnh hưởng đến tương lai của con hay không?
Đến bao giờ thì áp lực thi cử mới đỡ căng để mùa thi bớt nhọc nhằn? Tôi thấy lòng mình nghẹn đắng khi chứng kiến những đứa trẻ vừa mới "chân ướt chân ráo" vào đời đã vấp phải cũ ngã quá đau đớn.
Bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.