Sự thực đằng sau cô chủ tí hon sạp dưa kia là 1 bà mẹ đang tổ chức trò chơi bán hàng từ những quả dưa vườn nhà cho con mình. Bố mẹ đi qua sẽ đưa cho bạn nhỏ 1 đồng xu và mua 1 quả dưa, cứ như thế mà vui hết nấc... Dù ngoài kia mùa dịch có đang ra sao thì trong nhà cũng an yên vô cùng.
Hình ảnh này là bé Cây (2 tuổi), con của mẹ Hoàng Tú Anh hiện đang sinh sống tại Úc. Ở nhà chống dịch Covid-19, không chỉ bày trò chơi, bà mẹ này đã làm những món đồ chơi cực kỳ xinh xắn đáng yêu để bé Cây (2 tuổi) và bé Lá (7 tháng) vừa học vừa chơi rất hiệu quả.
Hiện Tú Anh đang sở hữu 1 căn nhà vườn trên nền diện tích 2.000m2 và một doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm từ thiên nhiên. Dịch Covid-19, cả gia đình ở nhà nên mẹ dành nhiều thời gian hơn cho 2 bạn nhỏ qua những trò chơi, món đồ chơi tự chế để bé không buồn chán, cả nhà vui cùng nhau.
Không phải vì các bé còn nhỏ mà mẹ có thể kệ bé chơi đâu nhé. Bà mẹ này không muốn con tập trung nhiều vào tivi hay máy tính xem hoạt hình nên đã tạo ra những trò vui từ những món đồ do mẹ tự chế ra. Đây cũng là cơ hội để các bé được tư duy phát triển trí tuệ qua các trò chơi. Mẹ Tú Anh cũng lưu tâm việc dạy bé tự lập, tuổi nhỏ làm việc nhỏ như trò chơi bán hàng để con biết yêu thích lao động và quý trọng đồng tiền.
Vì khoảng cách tuổi 2 bé gần nhau, 1 bé sắp bước vào thời kì khủng hoảng tuổi lên 3, một bé thời kì ăn dặm và tập bò tập đi nên mẹ chăm em khá vất vả. Tuy nhiên, mẹ đã nghĩ ra những trò chơi vô cùng thú vị, từ những món đồ chơi 0 đồng do cả mẹ và con cùng tạo ra.
Thường ở nhà thì bé tập yoga cùng mẹ, vẽ tranh, làm vườn là các hoạt động thường ngày. Và thời gian rảnh thì mẹ và con sẽ sáng tạo đồ chơi để phát triển trí tưởng tượng cho bé.
Tú Anh chia sẻ: "Cả việc học hỏi từ trên mạng cũng có mà tự chế tạo cũng có. Thực ra đồ chơi có sẵn của bé không thiếu, nhưng mình thích tạo các mô hình đồ chơi tái chế để bé hiểu cái này công dụng này nhưng cũng có thể làm công dụng kia. Ví dụ hướng dẫn bé làm bình tưới cây từ chai nước đã sử dụng, hay làm lọ cắm hoa từ chai thuỷ tinh đã qua sử dụng".
Bà mẹ này cho biết con cái nhà mình không được chiều chuộng. Bố mẹ không bao giờ đánh bé nhưng những lúc bé hư, không nghe lời thì áp dụng hình phạt time out, mặc dù không thường xuyên. Nghĩa là khi bé hư thì cảnh báo bé sẽ vào phòng ở 1 mình trong 5 phút để suy ngẫm. Nếu bé không nghe lời thì sẽ để bé vào phòng trong 5 phút. Mặc dù hình phạt này không nên lạm dụng. Mà giải thích cho bé hiểu tại sao con không nên làm như thế này. Tại sao làm thế này không tốt.
Vì quan niệm trẻ tự khám phá, học hỏi, gần gũi với thiên nhiên là môi trường tốt cho trẻ phát triển nên gia đình tạo môi trường gần với thiên nhiên nhất có thể cho bé. Vì thường mẹ làm với bé xem như chơi cùng nên bé rất thích. Chủ yếu lấy thùng carton chế đồ chơi, có khi là nắp chai lọ...
Tú Anh cho biết, trẻ con ở tuổi này rất hiếu động, thích tìm tòi khám phá nên mẹ tạo điều kiện cho các con được chơi thỏa thích. Tú Anh thường cho bé tham gia cùng các hoạt động thường ngày. Ví dụ bé bảo mẹ ơi con muốn ăn trứng, bé sẽ đi lấy trứng trong tủ, lấy ghế đẩy lại gần kệ bếp, đập trứng ra khuấy và đưa cho mẹ chiên trên chảo. Như vậy bé sẽ thấy được quá trình từ quả trứng đến lúc chế biến, bé thích thú hơn chuyện ăn uống.
Hay việc bé uống sinh tố, bé sẽ tự làm theo hướng dẫn của mẹ. Bé tự bóc vỏ chuối, cắt chuối, táo, đổ sữa vào bình xay. Mẹ giúp bé xay, bé đổ ra ly và uống. Uống xong thì mẹ hướng dẫn bé đưa ly đặt vào máy rửa bát. Hiện bé đã có thể sắp ly bát vào máy, để viên xà bông vào máy, đóng máy và bật chế độ rửa, mặc dù bé Cây mới chỉ 2 tuổi. Khi xong thì mẹ sẽ cất bát, còn bé cất đũa muỗng thìa.
Đây là cách để con hào hứng với việc nhà, mẹ thì lúc đầu vất vả vì phải chỉ bảo, nhưng sau này chắc chắn sẽ nhàn nhã hơn rất nhiều vì đã có nhân lực hỗ trợ mẹ việc nhà đắc lực đây rồi.