Truyền 70 lọ huyết thanh cấp cứu liên tiếp 3 bệnh nhân bị rắn cắn - Ảnh 1.

Vùng hoại tử ở bàn chân bệnh nhân do rắn hổ mang cắn.

Vào thời điểm mùa mưa, số bệnh nhân bị rắn cắn lại gia tăng do giai đoạn sinh nở, phát triển trong năm, đặc biệt các loài rắn độc.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân V.M.T. (55 tuổi, trú tại Đông Thành, Thanh Ba, Phú Thọ) nhập viện ngày 29/6, trong tình trạng sưng nề, đau nhức, bầm tím trên mu bàn tay trái. Trước đó, bệnh nhân bị rắn cắn tại nhà riêng.

Cùng với hình ảnh gia đình cung cấp, các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán xác định rắn hổ mang cắn giờ thứ 3. Sau khi giải thích tình trạng với gia đình, bệnh nhân được chỉ định dùng huyết thanh kháng nọc độc rắn hổ. 30 lọ huyết thanh đã được sử dụng trong ngày đầu tiên.

Sang ngày thứ hai, các triệu chứng đã giảm nhiều, đỡ đau nhức sưng nề tại vết cắn và vùng bàn tay. Đến ngày thứ 5, tình trạng ổn định hơn, không có hoại tử. Bệnh nhân dự kiến được ra viện sau 2 ngày tới.

Truyền 70 lọ huyết thanh cấp cứu liên tiếp 3 bệnh nhân bị rắn cắn - Ảnh 2.

Hình ảnh rắn hổ mang được gia đình cung cấp.

Cũng bị rắn hổ mang cắn nhưng trường hợp bệnh nhân M. (trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ) lại diễn biến nặng hơn.

Theo lời người nhà kể, sau khi thức dậy vào khoảng 4h50 sáng ngày 2/7, bệnh nhân bước chân xuống di chuyển trong phòng ngủ thì bị rắn ẩn nấp trong gầm tủ cắn.

Bệnh nhân được người nhà đưa đến trung tâm y tế gần nhất, tuy nhiên không có thuốc đặc trị nên đã được chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sưng nề, đau nhức lan rộng từ bàn chân lan lên cẳng chân, hoại tử mu bàn chân phải. Bệnh nhân được truyền 30 lọ huyết thanh kháng nọc rắn trong ngày đầu tiên.

Sau dùng huyết thanh, bệnh nhân đã giảm các triệu chứng đau buốt, sưng nề. Bệnh nhân được dùng thuốc theo phác đồ và hội chẩn chuyên khoa chấn thương.

Một trường hợp khác thì bị rắn lục cắn vào rạng sáng ngày 2/7. Bệnh nhân N.B.N. (35 tuổi, trú tại Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng sưng nề đau nhức tại vết cắn vùng gót chân, test đông máu tại giường 20 phút: máu không đông. Đông máu cơ bản: fibrinogen giảm thấp.

Bệnh nhân được chẩn đoán xác đinh rắn lục cắn và được truyền ngay 10 lọ huyết thanh kháng rắn lục. Ngày thứ hai, các triệu chứng đã giảm nhiều, đỡ sưng nề, đau nhức. Kết quả xét nghiệm không có rối loạn đông máu, không có giảm tiểu cầu.

Theo các bác sĩ, tại Việt Nam, phổ biến loại rắn độc đặc trưng gồm rắn hổ mang, rắn cạp nong, cạp nia, rắn lục… Mỗi loài rắn khác nhau có đặc trưng về độc tính của nọc khác nhau. Khi bị cắn, người bệnh sẽ có biểu hiện khác nhau phụ thuộc vào loài rắn, vị trí vết cắn, rắn no hay đói…

Điều trị rắn cắn hữu hiệu nhất là huyết thanh kháng nọc rắn. Thời điểm sử dụng tốt nhất là 6h đầu. Tuy nhiên trong 24h đầu vẫn có hiệu quả.

Vì vậy, sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng bị hoại tử tay chân, rối loạn đông máu, nhiễm trùng máu, thậm chí bị tử vong.

Theo TS.BS. Hà Thị Bích Vân, Trưởng Khoa Cấp cứu, từ cuối năm 2021, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã triển khai điều trị rắn độc cắn bằng huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang và rắn lục. Đến nay, gần 100 trường hợp bị rắn cắn trên địa bàn đã được điều trị kịp thời mà không cần phải chuyển lên tuyến trên".

Bác sĩ cũng khuyến cáo: Người dân khi bị rắn cắn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, xử trí kịp thời.