Tính đến ngày 22/3, Bộ Y tế đã công bố 94 ca dương tính với Covid-19 được phát hiện ở Việt Nam.
Trên bình diện thế giới, có hơn 306.000 ca nhiễm bệnh và hơn 13.000 người tử vong.
Trước tình hình căng thẳng này, nhiều người dân có tâm lý lo lắng và ráo riết tìm kiếm những loại thuốc được cho là có thể trị khỏi bệnh.
Săn lùng Hydroxychloroquine vì lời đồn chữa khỏi Covid-19
Gần đây nhất, trước nhiều đồn thổi về Hydroxychloroquine - được đồn thổi là "thần dược" có thể chế ngự Covid-19. Người dân đã đổ xô đến các hiệu thuốc, nơi cung cấp dược phẩm để săn lùng Hydroxychloroquine khiến nhiều nơi xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc này.
Trước tình hình trên, một số chuyên gia đầu ngành trong điều trị bệnh truyền nhiễm đã lên tiếng.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - nơi trị khỏi cho 2 công dân Trung Quốc nhiễm bệnh cho biết, vào những năm 1930, người Đức đã tổng hợp một chất gốc quinie gọi là Chloroquine.
Khởi đầu thuốc được dùng điều trị bệnh sốt rét, tuy nhiên trong quá trình sử dụng người ta dần phát hiện ra những tính chất mới của nó. Do vậy đã có những chỉ định điều trị mới ra đời.
Hydroxychloroquine là một hợp chất có tác dụng giống Chloroquine nhưng ít độc tính hơn, nhiều chỉ định điều trị sốt rét, viêm khớp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm cơ bì, Sarcoidosis, một số bệnh da do ánh sáng…vv.
Tuy nhiên ở mỗi loại bệnh thì cần dùng ở một liều lượng, cách dùng và thời gian dùng khác nhau.
Covid-19 bùng phát và lan nhanh trở thành đại dịch toàn cầu trong một thời gian ngắn thúc đẩy các quốc gia, các nhà nghiên cứu phải gấp rút tìm ra vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu cho loại virus quái ác này.
Một loạt các loại thuốc như Remdesivir (thuốc điều trị Ebola, SARS), Lopinavir/Ritonavir và Darunavir (thuốc điều trị HIV), Favipiravir (thuốc điều trị cúm)… và cả Chloroquine/ Hydroxychloroquine được các nhà nghiên cứu chọn lựa để thử nghiệm điều trị SARS-Cov 2.
Theo bác sĩ Hùng, một số kết luận ban đầu đã được đưa ra về Hydroxychloroquine bao gồm:
Hydroxychloroquine có tác dụng ức chế sự phát triển của virus (trong ống nghiệm) gấp 3 lần so với chloroquin (ở liều thử nghiệm).
Hydroxychloroquine có tác dụng kháng viêm khá tốt và làm giảm phóng thích các hoạt chất trung gian (cytokins). Do vậy rất có thể có tác dụng tốt cho việc ngăn chặn tiến trình tổn thương phổi dẫn tới suy hô hấp (hay các cơ quan nội tạng) và ngăn chặn diễn tiến tới sốc ở những bệnh nhân nặng.
Tuy nhiên, chưa có kiểm chứng cụ thể về liều điều trị thích hợp trên người.
6 lý do không nên tích trữ Hydroxychloroquine
Chưa vội phân tích lợi hại của việc sử dụng, bác sĩ Hùng đặt ra các câu hỏi để xem xét việc có nên mua thuốc tích trữ hay không.
Thứ nhất: Các bạn mua thuốc rồi có biết uống thuốc theo liều lượng nào để chữa bệnh Covid này không? Có biết những người nào tuyệt đối không được dùng thuốc không? Có biết tác dụng phụ nào đáng ngại nhất và cách theo dõi nó không?
Thứ hai: Có cần phối hợp thuốc này với những loại thuốc nào để có hiệu quả không? Nếu cần, thuốc đó là gì, liều lượng thuốc khi phối hợp như thế nào?
Thứ ba: Uống thuốc rồi thì theo dõi bằng cách nào để đánh giá là đã hết virus?
Thứ tư: Thuốc này Việt Nam có thể sản xuất hàng loạt, có sợ bị hết hàng không?
Thứ năm: Khi bạn đã được xác định là dương tính với virus, bạn sẽ vào bệnh viện điều trị hay tự điều trị tại nhà mà cần lưu trữ thuốc?
Thứ sáu: Trong quá khứ đã có rất nhiều người đổ xô đi tìm mua thuốc để trị tại nhà. Nhưng rồi phải vào viện điều trị. Bệnh viện thì không thiếu thuốc trị, và sau đó đem vứt hết.
Cuối cùng, bác sĩ Hùng nhắn nhủ khi chắc chắn về tác dụng của thuốc đặc hiệu, nhân viên y tế sẽ là người đầu tiên dùng nó để điều trị cho cho bệnh nhân. Không nên tự ý sử dụng có thể gây ra tiền mất tật mang.
Hydroxychloroquine thường được sử dụng điều trị bệnh sốt rét và một số bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, phát ban đa dạng do ánh sáng...
Bên cạnh việc điều trị thuốc có thể gây lắng đọng ở giác mạc, rối loạn điều tiết, nhìn đôi, bệnh lý võng mạc không hồi phục.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị nôn, tiêu chảy; mất ngủ, trầm cảm, kích thích, thậm chí tan máu, hạ bạch cầu...
Việc sử dụng thuốc này phải tuân theo chỉ định chặt chẽ của bác sĩ điều trị.