Trẻ mắc sởi nặng vì gia đình cương quyết không đi tiêm vắc xin
Thời gian gần đây, số bệnh nhi mắc sởi tới điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang có xu hướng tăng. Theo thống kê của khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, hầu hết các trường hợp trẻ được chẩn đoán mắc sởi điều trị tại khoa đều chưa tiêm phòng.
Điều đáng nói là trong số này, có cả những trường hợp mắc bệnh do cha mẹ nhất định không cho con tiêm vắc xin.
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương mới tiếp nhận trường hợp bệnh nhi N.P.A (17 tháng tuổi, tại Hà Nam) bệnh nhi bị sốt cao và nổi ban đỏ li ti dưới da. Sau 3 ngày, chăm sóc tại nhà các triệu chứng sốt không đỡ nên gia đình đã cho đi khám.
Trẻ không tiêm vắc xin khi tiếp xúc với nguồn bệnh sởi 100% sẽ mắc bệnh, ảnh minh họa.
Tại bệnh viện Nhi, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sởi, qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi chưa được tiêm bất cứ mũi sởi nào. Tìm hiểu nguyên nhân không tiêm sởi cho trẻ bố mẹ bé có chia sẻ, do đọc thông tin về phản ứng vắc xin trên mạng xã hội nên đã không dám cho con đi tiêm.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp bố mẹ sợ phản ứng vắc xin và không tiêm cho con, tới khi con mắc bệnh gặp biến chứng thì an hận cũng đã muộn.
Như trường hợp của bệnh nhi (20 tháng tuổi) vào viện trong tình trạng sốt cao khó thở, nghe phổi có nhiều âm ran phế quản, bạch cầu tăng, phim chụp X-quang có hình ảnh nốt mờ rải rác hai phổi.
Bệnh nhi được chẩn đoán viêm phổi-suy hô hấp một trong những biến chứng nguy hiểm, nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ nhỏ mắc sởi. May mắn, sau gần 3 tuần được các bác sĩ tích cực điều trị, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch. Điều đáng nói là dù đã gần 2 tuổi, nhưng bé chưa được gia đình cho tiêm phòng.
Bệnh lây lan rất nhanh
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện…
Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư và dễ bùng phát thành dịch.
TS.BS Lâm lưu ý, để nhận ra trẻ mắc bệnh sởi sớm cần chú ý tới 4 các triệu chứng như sau:
+ Sốt cao > 39°C.
+ Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng…
+ Viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt.
+ Ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân thì hết sốt và ban bắt đầu bay.
Trẻ mắc sởi có thể chăm sóc tại nhà, phải đảm bảo được: Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành; Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt trên 38.5°C theo chỉ định của bác sĩ; Vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh để lạnh. Thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ; Nhỏ mắt bằng nước muối 0,9%...
Thức ăn, nên chế biến thức ăn mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa.
Hiện nay, phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm đủ liều vắc-xin phòng sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng.
Bác sĩ Lâm khuyến cáo: "Thời gian gần đây, tiếp tục xuất hiện lại các thông tin sai lệch về vắc xin trên mạng xã hội khiến cho bố mẹ không có chon đi tiêm phòng. Hậu quả là trẻ không có kháng thể bảo vệ sẽ mắc bệnh".
Bệnh sởi thường hay xảy ra theo chu kỳ từ 2-5 năm. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 4 tuổi dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây nên tử vong.