Ngoại tình dù ở đâu, thời điểm nào, cũng là hành vi vi phạm đạo đức đáng bị chỉ trích. Tuy nhiên, có coi ngoại tình là tội hình sự hay không lại là vấn đề gây nhiều tranh cãi từ lâu nay trên thế giới với hai luồng quan điểm. Một bên cương quyết coi ngoại tình là hành vi trái pháp luật, thậm chí là tội danh bị truy cứu hình sự. Tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã hình sự hóa tội ngoại tình như Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Pakistan, Philippines, Somalia, 21 bang ở Mỹ... các mức phạt có thể khác nhau từ phạt tiền 10 USD (bang Maryland, Mỹ) đến tù chung thân (bang Michigan, Mỹ), thậm chí tử hình (trong một số trường hợp đặc biệt, ở Ả Rập Saudi)...

Nhưng bên cạnh đó cũng có quan niệm hôn nhân xuất phát từ tình yêu và sự tự nguyện, quyền lực nhà nước không nên can thiệp vào đời sống riêng tư và hình sự hóa mối quan hệ dân sự này. Cho đến nay, các nước châu Âu và nhiều khu vực ở Mỹ Latin không xem ngoại tình là tội. Hàn Quốc từ tháng 2/2015 cũng đã hủy bỏ đạo luật áp dụng hình phạt tù cho tội ngoại tình - kéo dài 2 năm, áp dụng từ năm 1953, và đã khiến 35.000 người ngồi tù. 

ngoại tình
(Ảnh: Internet)

Tại Việt Nam, Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 thật ra không phải mới mẻ vì chỉ quy định một cách chi tiết và rõ ràng hơn về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” đã được nêu trong Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009. Tuy vậy, vấn đề này cũng gây xôn xao dư luận và giới chuyên gia, chủ yếu theo hướng lo ngại việc áp dụng luật vào thực tế có thể gặp khó khăn, do những vướng mắc như:

- Chưa có quy định cụ thể thế nào là hành vi chung sống như vợ chồng, thế nào là hậu quả nghiêm trọng…

- Lo ngại điều luật này có thể tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng trả đũa nhau, khi mà hiện nay có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ mỗi khi cơm không lành canh không ngọt đều muốn làm cho “bung bét”, đưa nhau lên mạng “đấu tố”;

- Hoặc ngược lại là trường hợp nhiều người khi vợ/chồng mình ngoại tình vẫn chỉ đổ lỗi cho người thứ 3, lo lắng cho tương lai của con khi bố/mẹ chúng đưa nhau vào vòng lao lý hơn là lo cho quyền lợi cho mình;

- Cũng có quan điểm cho rằng trong một số trường hợp, ngoại tình thật ra là hành động tự giải thoát khỏi mối quan hệ bức bách, không hạnh phúc nhưng lại bị ràng buộc, cản trở từ người vợ/chồng, con cái hoặc người khác trong gia đình… 

Pháp luật không, hoặc chưa thể đi đến mọi ngóc ngách tình cảm nên sự trừng phạt của pháp luật sẽ không thể loại bỏ hiện tượng ngoại tình trong xã hội. Mặc dầu vậy, các chuyên gia vẫn hy vọng quy định ngày càng chặt chẽ và sự rõ ràng về hình thức xử phạt, răn đe sẽ giúp người dân có ý thức hơn trong những việc mình làm.

Không còn bao nhiêu ngày nữa là đến ngày 1/7/2016 - thời điểm ngoại tình chính thức trở thành tội hình sự tại Việt Nam, theo Điều 182 Bộ luật hình sự 2015, và ai cũng cần nắm rõ:

ngoại tình
(Ảnh: Internet)

Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

- Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

- Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Tổng hợp