Những ký ức và những bài học ngày bé gắn liền với hình ảnh dịu dàng, nhẹ nhàng của bà đã góp phần không ít trong việc định hình tính cách cũng như con người của chúng ta ngày hôm nay. Những lời khuyên nhủ của bà chẳng mạnh bạo và mang nặng tính răn đe nhưng vẫn khiến chúng ta thấm được và khắc ghi bằng sự sâu sắc và êm ái.

Vừa mới đây, trên trang cá nhân của mình, nhà báo Hoàng Minh Trí (Cu Trí), người được đông đảo bạn trẻ biết tới thông qua các bài viết sâu sắc trên mạng xã hội đã có dịp chia sẻ một câu chuyện ngày còn bé của bản thân, gắn liền với hình ảnh của người bà thân thương. Câu chuyện tuy nhẹ nhàng, chân mộc nhưng sâu sắc và đầy giá trị răn dạy, giúp tác giả làm hành trang cho những năm tháng trưởng thành g như nhắn nhủ chúng ta cách ngắm nhìn sự việc quanh mình. 

Từ bài học bọn nhà quê ngày bé bà dạy, nhà báo Cu Trí nói về  chuyện một hiện tượng đáng xấu hổ của người Việt - Ảnh 1.

Nhà báo Hoàng Minh Trí (Cu Trí). (Ảnh: FBNV)

"Chuyện không khoa học.

Mình gần như không bao giờ đọc các bài viết ỡm ờ, kẻ cả dè bỉu người Việt xấu xí. Chắc chắn năng lượng rất xấu bởi trong đó nhiều lời lẽ cay nghiệt, miệt thị và mình sợ điều đó.

Khoảng năm 1985, lần đầu tiên được mẹ đưa về quê ngoại Hải Dương trên chiếc xe Volga Liên Xô cũ kỹ đi mượn. Chiếc xe ô tô hiện thực hóa cái tuổi thơ nghèo khó, sung sướng đến đờ đẫn, thằng bé ngắm nghía cảnh vật, rồi lại nhắm mắt hưởng từng cơn gió đồng hun hút lùa qua cửa kính lên mặt.

Bà ngoại làm cơm cho cả nhà ăn, mình nhất định không ăn mà loay hoay đứng ngoài đường làng trông chừng chiếc xe, có 1 đám trẻ nông thôn hiếu kỳ đang nghịch ngợm nó. Thằng bé gào thét đòi đến bất lực, chạy vào nhà hét ầm lên với bà ngoại:

- Bà ơi, bọn nhà quê nó trèo lên xe nhà mình vặn vặn tay lái!

Bà bảo: "Sao cháu lại nói thế, bà cũng là người nhà quê đây này, để cho các bạn cùng chơi". Bài học đầu tiên của cuộc đời về thế nào là "bọn nhà quê", trong đó có cả bà, có mẹ và nhiều người họ hàng khác nữa mà hàng tháng vẫn lếch thếch chân đất đạp xe 70km mang con gà, quả trứng lên thành phố cho gia đình mình thời đói khổ bao cấp.

Từ bài học bọn nhà quê ngày bé bà dạy, nhà báo Cu Trí nói về  chuyện một hiện tượng đáng xấu hổ của người Việt - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Họ hàng ở quê đông, thi thoảng có các cháu đến tuổi thi đại học đều lên nhà mình ở nhờ những ngày thi. Mình nhận thấy rõ được nét mặt bởi tự ti, bởi sợ làm phiền, bởi tiếp cận những thứ gọi là văn minh trong ngôi nhà thành phố lẩn khuất trong ánh mắt "người nhà quê". Sao thấy các cháu mình thiệt thòi quá.

Có lần thấy toilet hằn vết dép bẩn giẫm lên bệ, mình chỉ nhắc đùa: "Đứa nào đi cả dép lên bệ xí là cẩn thận trơn ngã vỡ mặt, đi thi giám thị không nhận ra, không cho vào phòng đấy nhá!". Đứa cháu nó sợ nhịn đi toilet liền mấy ngày, mình bị mẹ mắng một trận tơi tả.

"Văn minh" nhân loại nó ập vào xứ sở này có vẻ gấp gáp như nhồi vịt. Tất thảy hoang mang đón nhận và học hỏi từ abc văn minh. Từ cách biết xếp hàng, đi cầu thang máy, dừng đèn đỏ, không ngồi xổm nơi công cộng, xỉa răng không nhai nhai mẩu thịt sót rồi nhổ xuống đất, cho đến cao sang uống rượu vang hút cigar…

Nếu bạn đi tới sân bay quốc tế Nội Bài một chiều muộn nào đó và thấy các cô các bà cư dân quanh đó tay lăm lăm bát bột bên các cháu thiếu nhi không mặc quần, tuột thang máy lên lên xuống xuống và há mồm nuốt miếng bột, hãy vui vẻ nhắc nhở các bà không nên như vậy, cầu thang máy nguy hiểm cho trẻ em hơn là cười khẩy hay về kẻ cả lên báo viết về "một hiện tượng đáng xấu hổ" người Việt".

Từ bài học bọn nhà quê ngày bé bà dạy, nhà báo Cu Trí nói về  chuyện một hiện tượng đáng xấu hổ của người Việt - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Ngay sau khi được đăng tải, câu chuyện của anh Cu Trí đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng. Không ít ý kiến bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của tác giả cũng đã được để lại ở bên dưới phần bình luận:

"Anh Trí viết bài này em ưng quá thể. Sâu sắc, nhân văn nhưng vẫn là sự nhẹ nhàng, chẳng đao to búa lớn răn dạy".

"Đúng như anh Trí nói, vấn đề nào cũng có hai mặt của nó, quan trọng là bản thân mình chọn nhìn nó dưới góc độ nào thôi. Và rồi từ góc nhìn đó, người ta chọn thái độ để ứng xử".

"Ở đâu cũng có người này, người kia; chẳng thể dùng một hai cá nhân để đánh giá hết cả xã hội được. Mình xấu thì cứ chỉ chăm chăm thấy hoài cái xấu thôi".

Trong cuộc sống, bất cứ vấn đề nào cũng có hai mặt. Nếu cứ mãi chăm chăm săm soi cái xấu, mặt tiêu cực thì chắc hẳn những thứ chúng ta nhìn thấy ở xung quanh đều nhuốm một màu đen xấu xí. Và ngược lại nếu nhìn mọi việc ở một góc độ tích cực, dẫu trong bi kịch, chúng ta vẫn có thể tìm thấy sự lạc quan và hy vọng.