23 tuổi, trong khi nhiều bạn cùng trang lứa đã lập gia đình, yên bề gia thất; có bạn đi làm tại các công ty lớn hay một số bạn khác miệt mài hoàn thành chương trình học, đi thực tập thì Minh Vỹ (Quảng Ninh) lại có hướng đi khác cho riêng mình.
Minh Vỹ từng là sinh viên trường Đại học xây dựng Hà Nội. Chỉ còn hơn 1 năm nữa tốt nghiệp Đại học, có tấm bằng cử nhân danh giá nhưng em vẫn quyết định nghỉ ngang giữa chừng, bắt đầu hành trình mới với nhiều hoài bão.
Em quyết định bảo lưu kết quả Đại học của 4 năm học trong chương trình tổng thể 5 năm để sang Trung Quốc bắt đầu hành trình học Đại học. Để đưa ra quyết định khó khăn này, em đã tốn nhiều thời gian suy nghĩ, gặp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình, cũng như bạn bè.
VẤP PHẢI SỰ PHẢN ĐỐI TỪ GIA ĐÌNH VÀ NỖI KHỦNG HOẢNG THI TRƯỢT HSK...
Từ thời còn là học sinh THPT, Minh Vỹ đã thích nghe nhạc và xem những bộ phim Trung Quốc. Em bị thu hút bởi giai điệu, ca từ mỹ miều trong lời bài hát. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ dừng lại ở sở thích cá nhân, nhu cầu giải trí chứ em không hề có ý định sẽ đi du học. Em nghĩ mình là người khô khan, hướng nội, không phù hợp với ngành Ngôn ngữ - một ngành học bay bổng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chỉ. Mãi đến sau này, em mới nhận ra đó là một suy nghĩ sai của năm 18 tuổi vì chưa khám phá hết khả năng bản thân. Để đến khi lựa chọn lại, em phải "tăng tốc" trên cuộc đua kịch tính để không bị bỏ lại phía sau.
Trong quá trình học tập tại Đại học Xây dựng, Minh Vỹ có cơ hội tham gia các hoạt động quốc tế. Em được giao lưu với nhiều sinh viên đến từ Đài Loan, Phúc Kiến (Trung Quốc),… Bằng vốn ngôn ngữ Trung ít ỏi từ thời cấp 3, Minh Vỹ chủ động trò chuyện và hạnh phúc vô cùng khi các bạn nắm được thông tin em truyền đạt. Sau "sự kiện trọng đại" ấy, nữ sinh quyết định đi học một khóa phát âm cơ bản rồi tự học ở nhà.
Cùng thời điểm đó, Minh Vỹ nhận ra bản thân không còn phù hợp với ngành học Xây dựng. Những hôm thức xuyên đêm làm đồ án, những số liệu khô khan khiến em cảm thấy không còn thích thú. Vì thế, em quyết định dừng lại.
Minh Vỹ bùi ngùi chia sẻ: "Thật ra, từ năm hai Đại học, em đã có ý định bảo lưu kết quả học tập. Nhưng em suy nghĩ đó chỉ là sự chán chường nhất thời nên vẫn tiếp tục học thêm một năm nữa. Nhưng càng về sau, chương trình học càng không đem lại cho em cảm giác hứng khởi. Và em thấy mình không hẳn là con người khô khan, kém giao tiếp. Càng về sau, em càng thích đi nhiều nơi, giao lưu với nhiều người. Em nghĩ theo ngành Ngôn ngữ học sẽ phù hợp và phát triển được tối đa năng lực bản thân".
Khi Minh Vỹ chia sẻ về việc ra nước ngoài học tập, bố mẹ em rất sốc. Bố mẹ buồn phiền và tiếc nuối bởi em sắp tốt nghiệp Đại học mà lại bỏ ngang giữa chừng. Minh Vỹ đã trình bày lý do quyết định du học và kế hoạch tương lai để bố mẹ yên tâm phần nào. Một câu nói của bố khiến em nhớ mãi và cũng là động lực giúp em phấn đấu nhiều hơn: "Con lớn rồi, muốn làm gì cũng được nhưng phải chịu trách nhiệm trước lựa chọn của bản thân".
"Còn bạn bè, ai cũng khuyên em nên học nốt một năm cuối Đại học Xây dựng. Nỗi áp lực lớn nhất tại thời điểm đó là nhiều người suy nghĩ tiêu cực về em. Họ cho rằng em là "cả thèm chóng chán", không kiên định, lập trường không vững vàng. Nghe những lời vậy khiến em bị mất ngủ triền miên, lo lắng cho tương lai của mình", nữ sinh Quảng Ninh cho biết.
Sau khi đã có định hướng rõ ràng, Minh Vỹ đăng ký một khóa học phát âm cơ bản. Thời gian còn lại, em tự ôn luyện tại nhà và hỏi thêm kiến thức từ các anh chị giỏi tiếng Trung. Lần đầu tiên thi HSK 5 (Chứng chỉ tiếng Trung), Minh Vỹ đạt kết quả đều rất tốt. Phần Nghe và Nói đều đạt điểm tuyệt đối - 100 điểm. Tuy nhiên, khi thi HSK cao cấp, em đã trượt phần thi Nói.
Minh Vỹ tâm sự: "Thi trượt phần Nói là một thất bại lớn trong quá trình học tập khiến em xuống tinh thần. Nhưng em không để bản thân buồn lâu. Em cố gắng tìm vấn đề đang mắc phải và điều chỉnh để tiến bộ hơn. Sau này, trước khi làm việc gì, em đều tự đặt ra những câu hỏi: "Mình cần gì? Mình có thể làm gì? Mình phù hợp điều gì?". Và em nghiệm ra một điều rằng: Con người muốn đạt thành công phải tìm được môi trường phù hợp để phát triển".
HÀNH TRÌNH "APPLY" HỌC BỔNG CAM GO
Quyết tâm đi du học, Minh Vỹ muốn được sống cuộc đời của chính mình, làm những điều mình yêu thích. Nữ sinh từng thức trắng nhiều đêm, phân vân giữa hai ngã rẽ. Nếu em tiếp tục học nốt một năm cuối cũng không nhận được kết quả tốt vì bản thân em không còn yêu thích ngành nghề này. Điều này khiến em khó có công việc ưng ý khi ra trường. Còn nếu em đi du học, đồng nghĩa với việc em phải học Đại học từ đầu, đối mặt với vô vàn thử thách. Và cuối cùng, Minh Vỹ đã quyết định nghe trái tim mách bảo.
Ngay khi bảo lưu kết quả học tập tại Đại học Xây dựng Hà Nội, em tham gia khóa tự "apply" học bổng Trung Quốc và may mắn nhận được sự tư vấn nhiệt tình từ các anh chị đi trước. Minh Vỹ đặt ra mục tiêu phải giành học bổng Chính phủ vì em sẽ nhận trợ cấp cao nhất, không lo vấn đề tài chính. Ngôi trường đầu tiên mà Minh Vỹ hướng đến là trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Bắc Ngoại). Đây cũng là nơi đào tạo ra nhiều MC, nhà chính trị, nhà ngoại giao nổi tiếng tại Trung Quốc. Ngoài ra, em còn nộp hồ sơ vào các trường khác như: Đại học Nam Kinh, Đại học Nam Khai, Đại học Vũ Hán.
Niềm hạnh phúc vỡ òa khi Minh Vỹ nhận được gói học bổng toàn phần 100% tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh cùng số tiền trợ cấp 2500 NDT/tháng (khoảng 10 triệu đồng/tháng). Em quyết định theo chuyên ngành Phiên dịch với ước mơ sau 4 năm sẽ trở thành một phiên dịch viên tài giỏi.
Chia sẻ về ngôi trường sắp theo học, nữ sinh Quảng Ninh cho biết: "Trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh có bề dày lịch sử. Trường có 121 chuyên ngành nhưng có đến 100 chuyên ngành về hệ ngôn ngữ; các chuyên ngành còn lại là: Kinh tế, Ngoại giao, Phiên dịch,… Trường được mệnh danh là "cái nôi của nhà ngoại giao Trung Quốc" và được đánh giá có nhiều nét đặc sắc, không pha trộn với bất kỳ ngôi trường nào. Khi bước vào trường, mọi người sẽ nhận thấy sự giao thoa quốc tế mãnh liệt".
Quá trình "apply" học bổng của Minh Vỹ vô cùng cam go. Em phải chuẩn bị nhiều giấy tờ như: Chứng chỉ HSK mức độ 5 trở lên, thư giới thiệu, giấy chứng nhận không phạm tội, bản kế hoạch học tập, hộ chiếu, bảng điểm cấp THPT, hoạt động ngoại khóa, bài viết luận. Về chứng chỉ ngoại ngữ, em đã đạt HSKK cao cấp nên đỡ áp lực tâm lý.
Bí quyết học tiếng Trung của Minh Vỹ:
Em học theo kiểu vừa học vừa mò. Chẳng hạn như em thích bài hát, chương trình nào đấy, em sẽ tự tra từ điển. Cách này mất công vì mất thời gian tra từ. Còn nếu học theo giáo trình thì có sẵn phiên âm, dịch nghĩa.
- Kỹ năng Nghe: Nghe nhiều nhạc Trung, chương trình thực tế Trung Quốc, đọc vietsub để hình thành phản xạ ngôn từ. Bên cạnh đó, việc tra từ điển sẽ giúp tích lũy kha khá từ mới.
- Kỹ năng Đọc: Lập mạng xã hội weibo và tra lời nhiều bài hát để quen mặt chữ. Minh Vỹ còn đi dịch phim để cải thiện khả năng đọc – hiểu.
- Kỹ năng Viết: Nhận thấy bản thân yếu ngữ pháp vì không đi học tại trung tâm nên Minh Vỹ cố gắng tập luyện bằng cách viết thật nhiều bài luận. Sau đó, em gửi cho người quen giỏi tiếng Trung để họ sửa ngữ pháp.
- Kỹ năng Nói: Đây là kỹ năng kém nhất của Minh Vỹ vì em chưa luyện tập nhiều. Em khắc phục bằng cách tải tài liệu luyện thi về làm. Em cũng mua nhiều cuốn truyện ngụ ngôn, sách thành ngữ để đọc. Trước hôm đi thi chứng chỉ HSK, Minh Vỹ dành thời gian nghiên cứu kỹ các chủ đề, tập viết bài luận để hình thành tư duy, phản xạ.
Minh Vỹ còn tích cực tham gia nhiều hoạt động từ khi còn là học sinh THPT. Em từng đạt danh hiệu Học sinh giỏi môn Vật lý cấp tỉnh trong 2 năm liên tiếp. Khi lên Đại học, em đạt giải Ba cuộc thi Nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, em còn tham gia các lớp học nâng cao về phát triển bền vững của đại sứ quán Đan Mạch, những buổi giao lưu với trường Đại học Quốc gia Đài Loan, khóa học Công dân toàn cầu, khóa đào tạo kỹ năng phát triển quốc tế.
Bên cạnh chứng chỉ ngoại ngữ, hoạt động ngoại khóa, bản kế hoạch học tập được Ban tuyển sinh đánh giá cao. Đây là một phần quan trọng trong hồ sơ mà Minh Vỹ khuyên du học sinh phải cẩn trọng. Trong bản kế hoạch, nữ sinh đã đưa ra mục tiêu chi tiết trong quá trình 4 năm Đại học.
"Chứng chỉ ngoại ngữ là tấm vé quyết định Ban tuyển sinh có đọc tiếp hồ sơ hay không. Còn bản kế hoạch học tập sẽ là điều ấn tượng để cân nhắc trao tặng gói học bổng. Vì vậy, các bạn hãy cố gắng trình bày ấn tượng để thầy cô thấy bạn là người có chí tiến thủ, tích cực học tập, phù hợp với chuyên ngành "apply", Minh Vỹ chia sẻ.
Sau khi học xong, Minh Vỹ dự định học tiếp Thạc sĩ rồi ở lại Trung Quốc làm phiên dịch viên vài năm để lấy kinh nghiệm trước khi về Việt Nam. "Xuất phát điểm muộn nên em phải cố gắng hơn các bạn nhiều. Trong 4 năm sắp tới, em sẽ nỗ lực tích lũy kiến thức, củng cố tiếng Anh, nâng cao trình độ tiếng Trung", nữ sinh cho biết.
Ảnh: NVCC