Năm 2021, Josie Rock, một y tá ở Gainesville (Georgia, Mỹ), phát hiện ra cậu con trai 4 tháng tuổi của mình bị ung thư mắt sau khi chụp ảnh bằng iPhone.

Cô Rock đang chụp ảnh con trai Asher của mình thì đèn flash trên điện thoại vô tình nhấp nháy.

Từ bức ảnh chụp bằng điện thoại iPhone, người mẹ phát hiện con trai bị ung thư- Ảnh 1.

Mắt phải của Asher trông khác lạ trên bức ảnh chụp bằng iPhone, sau đó cậu bé được chẩn đoán mắc bệnh ung thư mắt (Ảnh: Josie Rock/Indepentdent)

Giải thích với The Indpendent, cô cho biết: "Tôi đang chụp ảnh Asher một cách bình thường bằng iPhone của mình thì ánh sáng trong phòng đột nhiên thay đổi. Điều này khiến đèn flash trên điện thoại của tôi tắt và mắt Asher mở to vì giật mình. Khi định xóa bức ảnh bị phơi sáng quá mức, tôi nhận thấy một bên mắt của con có hiện tượng 'mắt đỏ' điển hình, trong khi đồng tử ở mắt phải của bé sáng lên màu trắng".

Với kinh nghiệm là một y tá, Josie Rock đã không xóa bức ảnh ngay. Thay vào đó cô đã xem xét kĩ lưỡng xem liệu đó có phải là dấu hiệu của một loại ung thư thường gặp ở trẻ em hay không. Cô nghi ngờ sự đổi màu hoặc ánh sáng bất thường ở mắt con trai trong bức ảnh là dấu hiệu của một khối u ác tính trên võng mạc (u nguyên bào võng mạc).

Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, Asher được chẩn đoán mắc bệnh u nguyên bào võng mạc loại D - loại khối u nghiêm trọng thứ hai trong đó "võng mạc có thể bị bong ra khỏi phía sau mắt", theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ. Asher được điều trị bằng hóa trị liệu tĩnh mạch và laser tại chỗ. Sau một thời gian điều trị, bệnh của Asher đã được kiểm soát.

Sau khi con trai được chẩn đoán bệnh, Josie Rock đã chia sẻ câu chuyện của gia đình mình cho một số cơ quan truyền thông với hi vọng có thể giúp được những trường hợp khác nếu không may có vấn đề về sức khỏe.

Đã có một số trường hợp như Josie Rock - phát hiện con bị ung thư mắt qua một bức ảnh chụp. Năm 2015, một bà mẹ ở Anh là Selam Shiferaw cũng phát hiện con bị bệnh qua sự bất thường của bức ảnh với ánh mắt khác thường. Selam Shiferaw thích chụp ảnh con mình. Một lần cô để ý thấy trong ảnh chụp, mắt bé Isaac xuất hiện một đốm sáng bất thường. Sau khi tra cứu Google, cô đã sợ hãi khi biết có trường hợp tương tự như Isaac và được xác định ung thư.

Từ bức ảnh chụp bằng điện thoại iPhone, người mẹ phát hiện con trai bị ung thư- Ảnh 2.

Bức ảnh chụp giúp phát hiện bệnh ung thư mắt của Isaac. Ảnh: Deborah Cicurel.

Selam lập tức đưa con đến bệnh viện và đáng buồn là các bác sĩ nhận định đằng sau mắt bé có một khối u lớn phát triển ngay từ khi mới sinh ra. Bệnh đã tiến triển đến mức chỉ suýt nữa Isaac sẽ phải phẫu thuật bỏ một bên mắt.

Năm 2017, tờ news.com.au đưa tin, một phụ nữ tên Ayehata Rao sống tại Darwin, Australia, đã cứu sống con trai mình nhờ một bức ảnh chụp. Khi xem một bức ảnh của con được chụp bằng camera có đèn flash, Ayehata phát hiện mắt phải của bé có một đốm sáng lạ. Đốm sáng này không hề xuất hiện khi nhìn trực tiếp vào bé Aayaan mà chỉ thể hiện trong ảnh chụp. Đặc biệt, đốm sáng ngày càng lớn hơn theo thời gian. Sau đó, chị đã đưa con đi khám thì kết quả bé bị u nguyên bào võng mạc, một dạng ung thư mắt ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Từ bức ảnh chụp bằng điện thoại iPhone, người mẹ phát hiện con trai bị ung thư- Ảnh 3.

Bức ảnh của bé Aayaan được chụp bằng camera có đèn flash thì phát hiện mắt phải bé có một đốm sáng lạ.

Năm 2022, người cha Tom Pughe-Morgan, đến từ Brighton (Anh), phát hiện thấy một ánh sáng trắng bất thường trong mắt của Elijah, cậu con trai tám tháng tuổi của mình. Đó hóa ra là một dấu hiệu thường gặp của bệnh ung thư mắt, thường chỉ nhìn thấy được dưới một số ánh sáng nhất định.

Từ bức ảnh chụp bằng điện thoại iPhone, người mẹ phát hiện con trai bị ung thư- Ảnh 4.

Ánh sáng trắng bất thường trong mắt của Elijah.

Dấu hiệu u nguyên bào võng mạc

U nguyên bào võng mạc chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, trong đó 95% trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh được ghi nhận từ 1/15.000 đến 1/18.000 trẻ mới sinh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời khối u sẽ phát triển rất nhanh, không chỉ làm bệnh nhân mất thị lực mà còn có thể di căn đến nhiều nơi trong cơ thể như hệ thần kinh trung ương, tủy xương, xương, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh có thể biểu hiện ở một mắt (60%) hoặc hai mắt (40%), di truyền hoặc không di truyền, có tính chất gia đình hoặc cá thể đơn lẻ. Nguyên nhân gây bệnh là do đột biến gen.

Dấu hiệu lâm sàng điển hình và hay gặp nhất dẫn đến việc cha mẹ đưa trẻ đi khám là "ánh đồng tử trắng" hay còn gọi là "mắt mèo", tức là đốm trắng ở giữa đồng tử (lòng đen của mắt). Ban đầu ánh đồng tử trắng không thường xuyên mà có thể chỉ được nhận thấy từ một vài góc độ hay dưới một số điều kiện ánh sáng, ví dụ như khi chụp ảnh có đèn flash.

Điều trị u nguyên bào võng mạc phụ thuộc vào kích thước, vị trí khối u và số mắt bị bệnh. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có chỉ định điều trị hóa chất hoặc xạ trị kèm theo. Khi khối u trong mắt đã to cần phẫu thuật bỏ nhãn cầu để giữ tính mạng cho trẻ, sau đó đặt mắt giả.