3 ngày sau khi mất tích, cậu bé Ke Liangwei (13 tuổi) được tìm thấy ở một nơi vắng vẻ. Thi thể cậu lạnh ngắt. Cậu bị chết đuối.

Thế rồi cách đây 1 tuần, câu chuyện đen tối phía sau cái chết của Ke đã lộ ra, phơi bày một cách trần trụi nạn bắt nạt học đường tại Trung Quốc. Một video lan tỏa dữ dội trên mạng xã hội, với nội dung Ke bị một người bạn học tát liên tiếp vào mặt, đánh ngã trên nền nhà vệ sinh, trong khi xung quanh là nhiều học sinh khác đứng nhìn và cổ vũ.

Chỉ đến khi con trai mất tích, gia đình Ke mới biết con trai họ đã bị bắt nạt rất nhiều tại một trường trung học ở thành phố Mậu Danh (Quảng Đông, Trung Quốc). Trước ngày mất tích, Ke cũng bị tấn công.

Cảnh sát và Sở giáo dục sau đó đã xác nhận câu chuyện của Ke là có thật, nhưng không cho rằng cái chết của cậu có liên quan đến chuyện bắt nạt. Dẫu vậy khi số phận của Ke kết thúc trong bi thảm, một làn sóng phẫn nộ đã lan tràn khắp dư luận Trung Quốc. Nạn bắt nạt học đường là có thật ở đất nước này, và đa số các nạn nhân đều chọn cách im lặng.

Đoạn clip cậu bé 13 tuổi bị bạn học bắt nạt

Vấn nạn trần trụi

Một nghiên cứu từ ĐH Sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán (CCNU) đã chỉ ra rằng 1/3 trên tổng số 10.000 học sinh trên 6 tỉnh khác nhau đã từng bị bắt nạt. Trong nhóm này, tới 45% đã chọn "giữ im lặng". Chỉ 25% cho biết họ sẽ báo cho giáo viên hoặc bố mẹ.

"Tỉ lệ như vậy là thấp hơn các nghiên cứu trước kia, nhưng vẫn cao hơn so với những gì chúng tôi kỳ vọng," - Fu Weidong, phó giáo sư của CCNU, cũng là chủ nhiệm nghiên cứu cho biết.

Bản khảo sát của CCNU cũng đưa Trung Quốc vào cùng nhóm các nước có nạn bắt nạt học đường phổ biến trên thế giới. Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (Unicef) cho biết trên toàn cầu, cứ 3 học sinh trong độ tuổi 13 - 15 lại có 1 từng bị bắt nạt.

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, pháp luật của Trung Quốc không có quy định rõ ràng liên quan đến bắt nạt, nhưng nhà chức trách có thể buộc tội tùy trường hợp nếu có xảy ra thương vong. Tuy nhiên, do bắt nạt thường xảy ra trong học đường, các đương sự sẽ thường dưới 14 tuổi - độ tuổi tối thiểu để chịu trách nhiệm hình sự. Với các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trẻ em từ 12 tuổi trở lên mới bị truy tố.

Xét trên góc độ pháp luật, "bắt nạt" liên quan đến bạo hành thể xác, xúc phạm bằng lời nói, và bắt nạt trực tuyến. Ngoài ra còn có cả bắt nạt xã hội - như việc cố ý cô lập trong một tập thể.

Giáo sư Wang Zhenhui từ ĐH Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc (Bắc Kinh) nhận định, có rất ít các biện pháp cụ thể để cải thiện vấn đề này và giúp đỡ các nạn nhân. Cùng với một số yếu tố khác, bắt nạt trở thành một vấn đề trường kỳ trong các trường học tại Trung Quốc.

"Nếu những kẻ bắt nạt không được giáo dục kịp thời và hiệu quả, hành vi của họ sẽ khó mà thay đổi. Suy nghĩ về việc bắt nạt kẻ yếu sẽ được củng cố, và khả năng người này chuyển biến thực hiện các tội ác nghiêm trọng hơn sẽ tăng lên."

Trong quá khứ, xã hội Trung Quốc xem việc bắt nạt là "trò nghịch ngợm" của con trai, không khác là bao so với văn hóa Mỹ. Nhưng gần đây, văn hóa này đang dần thay đổi khi công chúng nhận thức rõ hơn về tác hại của bắt nạt học đường.

Tháng 6/2021, Trung Quốc áp dụng luật Bảo vệ trẻ Vị thành niên tại toàn bộ các trường học, để xây dựng hệ thống ngăn chặn bắt nạt học đường. Bộ Giáo dục cũng đã đưa ra các quy định đặc biệt để bảo vệ học sinh, có hiệu lực từ tháng 9 năm nay.

Nhưng việc thiếu đi lực lượng hành pháp tại các trường học đã khiến nhiều kẻ bắt nạt được bình an vô sự, trong khi các nạn nhân bối rối không biết phải xử lý như thế nào.

"Dù luật pháp nhấn mạnh vào việc bảo vệ quyền lợi của nạn nhân, không có bất kỳ kế hoạch chi tiết nào để giúp đỡ các em về thể chất lẫn tâm lý."

Loay hoay chống đỡ

Nữ sinh 17 tuổi tại một trường trung học ở Thượng Hải cho biết, cô bé chưa từng nhận được sự giáo dục nào chuyện bắt nạt từ giáo viên cả. Ngay cả khi chứng kiến nhiều sự vụ, cô cũng không báo lại cho giáo viên hoặc nhân viên trong trường.

"Em nghĩ điều quan trọng là nạn nhân phải chống trả. Họ có thể tự nhờ bạn học giúp đỡ," - cô cho biết.

Từ cái chết của nam sinh 13 tuổi, vấn nạn bắt nạt học đường của nền giáo dục Trung Quốc bị phơi bày một cách trần trụi - Ảnh 5.

Ở Bắc Kinh, một nam sinh đồng tính 16 tuổi tại một trường dạy nghề hồi tháng 3 đã đăng tải lên mạng xã hội kể về chuyện nhà trường bảo cậu phải cố chịu bắt nạt hoặc chuyển trường sau khi nhận được báo cáo sự việc.

Theo nam sinh này, hình phạt nặng nhất dành cho những kẻ bắt nạt ở trường cậu là... viết bản kiểm điểm và chép phạt.

Cũng theo Wang, ngoài sự thờ ơ của nhà trường, nạn bắt nạt còn xảy ra do cha mẹ không dạy được cho con cách kiểm soát cảm xúc. Và theo nghiên cứu của CCNU, học sinh từ các gia đình giàu có hoặc quyền thế thường ít bị bắt nạt hơn.

Wang cho biết, tiếp xúc với bạo lực càng nhiều sẽ khiến mọi chuyện càng tệ hơn, vì "khi so sánh với các thế hệ trước, thông tin về bạo lực ở học sinh hiện nay đa dạng và dễ tiếp cận hơn."

Nhưng dù có nỗ lực để sửa sai cỡ nào, với Ke và gia đình của cậu vẫn là quá muộn. Dì của Ke đã viết lên mạng xã hội: "Tôi không thể tưởng tượng được cháu tôi - Ke Liangwei - đã phải chịu đựng sự tra tấn trong thời gian dài như vậy. Tôi thấy cần phải để công chúng biết được chuyện này, để nó không xảy ra với bất kỳ ai nữa."

Nguồn: SCMP