Bố mẹ cùng nghỉ việc để tìm cách chữa bệnh cho con
Cứ nghe cái cách anh Hiệp kể về cậu con trai của mình đủ thấy anh yêu thương và tự hào về Khôi Nguyên đến chừng nào.
Biết rằng đoạn đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách, nhưng với vợ chồng anh, những gì đang có cũng đủ để họ thấy hạnh phúc lắm rồi.
Anh Hiệp nhớ lại: "Tính mình nghệ sĩ nên thích tự do, hơn 40 tuổi mới lập gia đình. Lấy vợ rồi sinh được ngay thằng cu đầu lòng nên cả nhà ai cũng vui như bắt được vàng.
Khôi Nguyên lúc bé nhìn kháu khỉnh, xinh xắn lắm. Nhưng đến tháng thứ 6 thì con bắt đầu có nhiều biểu hiện lạ như hay giật mình, người co lại và ngủ không bao giờ ngon giấc.
Tình trạng đó kéo dài nên vợ chồng mình quyết định đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Sau khi chụp chiếu và làm hết các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận con có biểu hiện của hội chứng tự kỷ".
Nhận tin sét đánh đó, anh Hiệp như ngây dại. Vợ anh thì không giữ nổi bình tĩnh đã òa khóc trong đau đớn, tuyệt vọng. Nhưng anh bảo, mình không thể gục ngã. Dù thế nào anh cũng cần phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho vợ, cho con.
Anh chia sẻ: "Thực sự thời điểm đó dù đau đớn tột cùng nhưng không hiểu sao trong lòng tôi vẫn có niềm tin rằng con đã đến với thế giới này nghĩa là con có sứ mệnh của con, chứ hoàn toàn không thể là thứ bỏ đi được.
Rồi tôi nghĩ đến ông giáo sư người Anh Stephen Hawking. Xét về mặt sức khỏe, ông ấy yếu hơn con tôi nhiều chứ vậy mà ông ấy có chịu bỏ cuộc đâu. Tôi nhớ ông ấy có nói một câu thế này:
Dù cuộc sống có khó khăn thế nào chăng nữa, luôn có những việc mà bạn có thể làm và thành công. Mấu chốt là ở chỗ đừng bao giờ bỏ cuộc. Tôi đã bám vào câu nói này để vượt qua những ngày tháng bão táp".
Với quyết tâm không thể để con thành "thứ bỏ đi" nên vợ chồng anh Hiệp đã quyết định nghỉ việc để tập trung chữa bệnh cho con. Hễ nghe thấy ai mách thầy nào, trung tâm nào uy tín về chữa bệnh tự kỷ vợ chồng anh đều cho con đến.
Anh cười bảo: "Có bệnh thì vái tứ phương, thế nên đến cả việc theo thầy cúng để chữa bệnh cho con vợ chồng tôi cũng không từ".
Vinh dự khi được tham gia hội nghị các tổ chức kỷ lục thế giới.
Lúc bé, Khôi Nguyên có sở thích cắn móng tay, cắn đến nỗi cả 10 đầu ngón tay đều chảy máu mà vẫn không chịu thôi. Mỗi lần nhìn con như vậy anh Hiệp xót xa vô cùng.
Ngoài cắn móng tay thì sở thích không hề kém của em là chơi với chó. Muốn Nguyên được hòa nhập, vợ chồng anh Hiệp đã đưa con đến các trường mẫu giáo để học. Nhưng đến đâu cũng thế, lâu thì được 1 tuần nhanh thì chỉ đến ngày thứ 2 là họ từ chối nhận con.
Đành chấp nhận sự thật là con không thể học văn hóa như những đứa trẻ khác, vợ chồng anh Hiệp lại cho con đi học các môn năng khiếu như: bơi lội, hội họa và học đàn… nhưng đều không có tác dụng.
Cảm thấy không thể trông chờ vào người khác nên chị Phương đã quyết định đăng ký học văn bằng 2 Khoa giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Huế để về tự dạy con mình.
Chị Phương tâm sự: "Thực sự là từ sau khi con bị mắc chứng tự kỷ thì với vợ chồng mình mọi thứ khác như tiền tài, địa vì đều trở thành vô nghĩa hết.
Mọi chuyện vợ chồng mình làm chỉ hướng về con. Làm thế nào để con có thể trở thành một người có ích luôn là khát khao cháy bỏng của vợ chồng mình".
Bước ngoặt cuộc đời
Năm Nguyên 12 tuổi, anh Hiệp đã dẫn con đến lớp học kỹ năng sống của TS Phan Quốc Việt. Sau một buổi quan sát các biểu hiện của Nguyên, thầy Việt khẳng định rằng Nguyên là một đứa trẻ "thông minh vận động".
Kể từ khi đó anh Hiệp quyết định đưa con trai đi học tung bóng. Thầy giáo của Nguyên là diễn viên xiếc Nguyễn Quang Thọ.
Những ngày đầu theo học, Nguyên nhất định không hợp tác, gọi ra tung bóng thì cứ ngồi lì một chỗ. "Lúc đó tôi đã bắt đầu hồ nghi lời của thầy Việt.
Bởi lẽ nếu một đứa trẻ có năng khiếu về một bộ môn nào đó thực sự thì nó sẽ cảm thấy hào hứng ngay từ những buổi học đầu tiên.
Bố mẹ luôn đồng hành cùng Nguyên mọi lúc, mọi nơi. |
Nhưng cũng may nhờ sự kiên trì của thầy Quang Thọ, thầy liên tục ném bóng để khiêu khích Nguyên, rồi thầy biểu diễn cho Nguyên xem. Cuối cùng thì Nguyên cũng chịu ném bóng trả lại cho thầy và dần dần hứng thú với các động tác mà thầy dạy" - anh Hiệp nhớ lại.
Đến bây giờ Nguyên có thể giữ thăng bằng khi đứng trên 5 con lăn, đầu đội trai và tung cùng lúc 8 quả bóng.
Cho đến thời điểm này, ở Việt Nam cũng chỉ có vài diễn viên xiếc làm được như vậy. Năm 2016, trong một buổi tập giữ thăng bằng, Nguyên chẳng may bị ngã gãy vai.
Tai nạn nghề nghiệp này đã khiến Nguyên co lại và có nhiều biểu hiện tự kỷ như thuở ban đầu. Đó cũng chính là thử thách khắc nghiệt đối với vợ chồng anh Hiệp. Anh bảo: "Nếu nản chí có khi chúng tôi đã đầu hàng số phận rồi".
Suốt 5 năm qua, ngày nào cũng vậy, 7 giờ sáng, anh Hiệp đưa con đến Trung tâm Tân Việt, 8 giờ tối lại đến đón con về.
Vất vả là vậy nhưng chỉ cần nhìn thấy con "khôn" lên từng ngày cũng đủ khiến anh Hiệp cảm thấy khó khăn chỉ là chuyện nhỏ.
Bình thường thầy Việt đi giảng kỹ năng mềm ở các hội nghị cũng hay cho Nguyên đi theo biểu diễn, khán giả có khi là vài trăm thậm chí là vài nghìn người.
Nhìn thấy con tự tin biểu diễn ở những nơi như thế cũng đã khiến vợ chồng anh Hiệp hạnh phúc vô cùng.
"Thế nhưng khi lần đầu tiên nhìn con trên một sân khấu lớn biểu diễn câu chuyện về chính cuộc đời mình nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đoàn Xiếc Hà Nội tôi đã khóc. Cảm giác lúc đó không thể diễn tả bằng lời, nó giống như tôi vừa vượt qua cửa tử vậy".
Trải qua những tháng năm miệt mài khổ luyện, tháng 5-2017, Nguyên đã được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập: Cậu bé tự kỷ đội chai trên đầu, tung 8 quả bóng trên xe đạp 1 bánh trong thời gian lâu nhất.
Mới đây Nguyên còn được tham gia Hội nghị các tổ chức kỷ lục thế giới lần thứ 2-2018, hội nghị kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 35-2018. Đó là món quà vô giá chàng trai này dành cho bố mẹ của mình.
Anh Hiệp khoe: "Nguyên bây giờ đã biết nhiều lắm rồi. Cậu ấy còn biết nịnh mẹ nữa cơ. Định xin xỏ gì mà mẹ không đồng ý là con vuốt má mẹ bảo: "Sao da mẹ đẹp thế nhỉ. Nhìn mẹ xinh quá".
Không chỉ vậy, Nguyên còn biết nhắn tin thể hiện tình cảm với bố mẹ, điều mà trước đó dù rất khát khao nhưng vợ chồng anh Hiệp cũng không dám mơ tới.
Chị Phương nhớ lại: "Ai có con mà chả muốn ôm ấp con vào lòng để yêu thương, cưng nựng. Nhưng những đứa trẻ tự kỷ như Nguyên lại không thích điều đó, thậm chí là phản ứng mạnh nên nhiều lúc muốn ôm con vào lòng mà bất lực".
Có lần khi đang nằm ngủ, anh Hiệp thấy tấm chăn mỏng nhẹ nhàng đắp lên người mình. Mở mắt he hé anh biết được người đắp chăn cho mình chính là con trai. Anh bảo lúc đó xúc động đến nghẹn lòng.
Thế nên anh luôn tin rằng Nguyên hiểu và cảm nhận được tình yêu thương mà bố mẹ dành cho mình. Chỉ là con không thể hiện được ra mà thôi. Một lần khác khiến anh hạnh phúc cũng không kém, đó chính là khi cô giáo của Nguyên mách tội con... nói dối.
Anh Hiệp bảo: "Với những đứa trẻ bình thường thì người lớn không ai khuyến khích chúng nói dối, thậm chí còn đe nẹt để điều đó không xảy ra. Nhưng với một đứa trẻ tự kỷ mà biết nói dối thì đó là một sự phát triển vượt bậc.
Thế nên khi nghe cô giáo kể tội, bề ngoài tôi tỏ ra nghiêm nghị với con nhưng trong lòng thì sung sướng vô cùng. Việc đó khiến tôi có thêm hy vọng về sự tiến bộ của con".
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Hiệp luôn muốn gửi thông điệp tới những người làm cha mẹ chẳng may có con mắc chứng tự kỷ rằng: "Các con không phải là thứ bỏ đi. Hãy kiên trì và mạnh mẽ để cùng con vượt qua những khó khăn trước mắt".