Trong nhiều năm trở lại đây, tiệc cuối năm (còn gọi là tiệc tất niên, year end party) là hoạt động không thể thiếu ở nhiều công ty. Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động tổng kết trong năm, khen thưởng cá nhân hay bộ phận làm việc hiệu quả đồng thời tạo không gian giao lưu, tăng sự gắn kết nội bộ.
Tuy nhiên không phải ai cũng hứng thú với hoạt động này, thậm chí có nhiều nhân sự còn ghét bỏ tiệc cuối năm. Vì sao vậy?
Hướng nội, không thích đi ra ngoài
Sau 4 năm làm việc, Minh Trang (28 tuổi, nhân viên văn phòng) mới chỉ đi tiệc tất niên đúng năm đầu tiên. Lý do mà cô đưa ra là hoạt động này không phù hợp với người hướng nội như mình.
“Mình không thân với nhiều người ở công ty, những lần tiệc tùng đều cảm thấy lạc lõng. Hơn nữa công ty mình cũng nhiều bộ phận, đông nhân viên, nói là đồng nghiệp nhưng nhiều người mình chưa gặp bao giờ. Đứng giữa không gian nhiều người lạ như vậy áp lực lắm” - cô nàng tâm sự.
Cùng lý do này là Thu Hà (29 tuổi, nhân viên văn phòng): “Mình không thích chỗ đông người và ồn ào. Từ teambuilding đến tiệc cuối năm cũ - đầu năm mới hay liên hoan mình đều sợ. Đi ăn tất niên với một vài người đồng nghiệp thân thiết thì oke còn cả công ty thì mình hay tìm cách để trốn”.
Không có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp
Trong môi trường công sở, mối quan hệ với các đồng nghiệp không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ai cũng có những người chơi thân và những mối quan hệ không được tốt đẹp. Vì không muốn chạm mặt đồng nghiệp trong “danh sách đen” mà nhiều người không đến tiệc cuối năm.
Đây cũng là một nguyên nhân khác khiến Minh Trang né tránh tiệc cuối năm. Cô cho biết: “Ở công ty có người mình không ưa lắm. Hàng ngày đi làm có vui vẻ với nhau đâu mà cuối năm lại phải cười nói với chụp hình như thân lắm. Vì vậy mỗi dịp cuối năm mình cũng giả vờ sắm đồ này nọ xong đến ngày thì báo có việc đột xuất không đi được”.
Cũng vì đồng nghiệp nên Hoài Duyên (23 tuổi, nhân viên thiết kế) không đi tiệc cuối năm. “Nhóm mình có một người đồng nghiệp rất hay nịnh sếp ra mặt. Mà tiệc cuối năm thường xếp những người cùng nhóm ngồi một bàn và không thể thiếu những lời chúc tụng. Mình không muốn gặp người đó hay nghe mấy câu nịnh giả trân nên không đi”.
Tốn kém vì phải đầu tư váy vóc, trang điểm
Dù không có quy định chính thức nào nhưng tiệc cuối năm cũng có thể xem là một hình ảnh mang tính “bộ mặt” của công ty nên các doanh nghiệp thường yêu cầu nhân viên phải ăn mặc lịch sự hoặc theo dress code. Và khoản chi này không hề nhỏ một chút nào, có thể lên đến 2 - 3 triệu đồng.
“Năm đầu tiên đi tiệc cuối năm ở công ty, mình đầu tư lắm. Nào đi mua đồ đúng dress code, nào làm nail, trang điểm... cũng ngót nghét 2 triệu. Mấy năm sau thì không còn háo hức như trước nữa. Có năm mình trốn, có năm vì dịch mà công ty không tổ chức được, có năm mình cũng miễn cưỡng đi nhưng mặc đồ cũ” - Thùy Linh (30 tuổi, Hà Nội) cho biết. Năm nay Linh cũng sẽ không tham gia tiệc cuối năm vì không muốn tốn một khoản kha khá giữa lúc kinh tế khó khăn.
Trước đó nhiều nữ nhân viên văn phòng cũng chia sẻ về khoản chi cho vẻ ngoài khi đi tiệc cuối năm. Theo đó mỗi người có một cách đầu tư khác nhau, có người dự tính sẽ chi hẳn 3 - 4 triệu để thuê hoặc mua đồ mới cho tiệc cuối năm nhưng cũng không ít người chọn cách mặc lại đồ cũ để tiết kiệm.
Có vấn đề với khâu tổ chức
Ở Việt Nam, các bữa tiệc cuối năm của công ty thường sẽ được tổ chức tại nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, tổ chức sự kiện. Ngoài báo cáo hay trao thưởng còn có nhiều tiết mục văn nghệ “của nhà trồng được” là của nhân viên trong công ty.
Nói thêm về tiệc cuối năm, Thùy Linh cho rằng hoạt động này không thú vị và không đem lại nhiều giá trị: “Không biết công ty mọi người thế nào chứ tiệc ở công ty mình hơi chán. Có năm mọi người mải chụp ảnh, phải gọi mãi mới vào ăn. Đồ ăn không ngon, văn nghệ cũng không quá đặc sắc, thú thực là sau mỗi lần đi tiệc cuối năm mình chỉ thấy mệt thôi chứ không vui vẻ hay gắn kết gì”.
“Bằng một sự trùng hợp nào đó, công ty mình luôn chọn những địa điểm tổ chức tiệc cách xa nhà mình đến hàng chục cây số. Chưa kể mùa này thì lạnh và tiệc toàn buổi tối nên mình đang cân nhắc xem có đi hay không, khả năng cao là không đi” - Anh Dũng (25 tuổi, nhân viên văn phòng) bày tỏ.
Tạm kết
Không khó để nhận thấy một bộ phận nhân viên không mặn mà gì với tiệc cuối năm. Họ tìm đủ cách thức và lý do để tránh né, thậm chí chấp nhận bị khiển trách, miễn là không phải tham gia bữa tiệc này.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tiệc cuối năm có mục đích chính là tổng kết, tạo không khí vui vẻ, gắn kết các nhân viên và để tổ chức một bữa tiệc cuối năm cũng tốn không ít công sức, tiền bạc... Vì vậy tốt nhất là cả công ty và nhân viên nên cân nhắc để có phương án hợp lý nhất, vừa lòng 2 bên.