Nhiều người cho rằng, thành công của một cá nhân, cơ bản được dựng xây nhiều phần dựa trên xuất phát điểm của người đó. Người sở hữu một nền tảng vững chắc, một bệ phóng mạnh mẽ thường dễ dàng thành công hơn phần còn lại.

Điều này có thể đúng, có thể sai, chưa ai dám khẳng định. Tuy nhiên, thực tế nhiều lần cho chúng ta thấy rằng, rất nhiều trường hợp cùng một xuất phát điểm nhưng có người đạt đến thành công, còn một số khác thì không.

Vậy đâu là yếu tố quyết định giúp một cá nhân có thể đạt được thành công trong công việc cũng như cuộc sống. Câu chuyện bán ớt sắp được chia sẻ bên dưới đây chắc chắn sẽ để lại cho chị em công sở những bài học đáng giá:

Chuyện "ớt có cay hay không?"

Câu chuyện “ớt có cay hay không?” và bài học cho dân công sở: Không phải xuất phát điểm, sáng tạo mới quyết định thành công - Ảnh 1.

Những người bán ớt thường đắn đo khi gặp câu hỏi: “Ớt này có cay không?”. 

Phải trả lời thế nào đây khi nói cay thì lỡ phải người không thích ăn cay sẽ lập tức bỏ đi và không mua nữa; còn nói không cay thì hóa ra là ớt trang trí, không thể làm gia vị?

Một ngày rảnh rỗi, tôi đứng bên cạnh một gánh bán ớt của một người phụ nữ, xem chị ta giải quyết vấn đề đầy nghịch lý này như thế nào? Nhân lúc chưa có người mua, tôi tự tỏ ra thông minh mách chị: “Chị chia ớt thành hai phần, gặp phải khách thích ăn cay thì chị chỉ phần bên này, còn gặp khách không thích ăn cay thì chị chỉ phần bên kia”.

Chị bán ớt nhìn tôi cười và nói: “Không cần phải thế”.

Đúng lúc này, có một khách hàng đến hỏi mua, câu hỏi quả nhiên vẫn như cũ: “Ớt này có cay không?” - Chị bán hàng rất chắc chắn nói với họ: “Quả đậm màu cay, quả nhạt màu không cay”.

Người mua nghe vậy tin là thật, chọn ớt, trả tiền rồi vui vẻ rời đi. Một lúc sau, những quả ớt nhạt màu không còn lại bao nhiêu.

Câu chuyện “ớt có cay hay không?” và bài học cho dân công sở: Không phải xuất phát điểm, sáng tạo mới quyết định thành công - Ảnh 2.

Một lúc nữa, lại có một người đến mua và vẫn câu hỏi như vậy: “Ớt này có cay không?”. Chị bán ớt nhìn gánh ớt của mình, trả lời một cách chắc chắn: “Quả dài cay, ngắn không cay”.

Quả nhiên, người mua nghe theo lời phân loại của chị để chọn ớt. Và kết quả là chả mấy chốc, quả ớt dài cũng bán gần hết. Nhìn vào gánh ớt còn lại của chị, toàn là ớt ngắn và đậm màu, tôi thầm nghĩ: “Lần này xem chị giải quyết thế nào?”.

Và khi một người mua nữa đến hỏi: “Ớt này có cay không?”, chị bán hàng vẫn rất tự tin trả lời: “Quả cứng cay, mềm không cay”.

Tôi thầm bái phục chị, không phải sao khi ớt bị phơi nắng cả ngày thì rất nhiều quả bị mất nước mà mềm oặt lại. Rồi chả mấy chốc, người phụ nữ bán ớt bán hết gánh ớt của mình, trước khi về nhà chị nói với tôi: “Cách em bảo với chị, ai bán ớt cũng biết, thế nhưng cách bán của chị thì chỉ có mình chị biết”.

Câu chuyện “ớt có cay hay không?” và bài học cho dân công sở: Không phải xuất phát điểm, sáng tạo mới quyết định thành công - Ảnh 3.

Không phải xuất phát điểm, sáng tạo mới là yếu tố chính quyết định thành công

Con đường đi đến thành công vốn chông gai và nhiều gian nan. Chúng ta có thể tìm hiểu và học hỏi từ người khác cách thức, kỹ năng cũng như kinh nghiệm để khiến công việc của bản thân trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thành công của mỗi người vốn chẳng ai giống ai và chẳng có một mẫu số chung nào. Mỗi người có một cách khác nhau để đạt được điều mà mình mong muốn.

Do đó, sáng tạo chính là thứ khiến cuộc sống và công việc của chúng ta muôn màu, muôn vẻ hơn. 

Thay vì cứ khăng khăng áp dụng một công thức thành công chung mà chưa biết chắc có phù hợp với mình hay không, sao không tự sáng tạo, mở ra một con đường phù hợp với bản thân. Đi trên con đường riêng để thành công là một chiến thắng rất vẻ vang đấy!

Câu chuyện “ớt có cay hay không?” và bài học cho dân công sở: Không phải xuất phát điểm, sáng tạo mới quyết định thành công - Ảnh 4.