''Người ta cứ lo cho cái giá phải trả của sự thay đổi, nhưng mà không nghĩ cái giá của sự không chịu thay đổi nó còn dã man hơn nhiều'' - có lẽ đây sẽ là chân lý được tâm đắc nhất trong tập 44 bộ phim Về nhà đi con phát ngôn bởi cô em út Ánh Dương.
Sau những màn cãi nhau dai dẳng, những lần đấu tranh tư tưởng, xin lỗi lại tái phạm, tha thứ rồi tổn thương, cuộc ly hôn giữa nhân vật Khải và Huệ đã chính thức kết thúc, nhanh chóng và tốt đẹp không tưởng. Chắc chẳng có mấy cuộc ly hôn nào mà sau đó là những hoan hỉ, mừng vui, hạnh phúc không riêng người trong cuộc mà cả người thân.
Nhìn cái cảnh 3 chị em Huệ ăn mừng khi cô đã thành công thoát khỏi gã chồng cầm thú người ta lại thở dài: "Đấy, cứ lằng nhà lằng nhằng, bỏ sớm đi có phải mọi người đều đỡ khổ không". Họ tức vì cô Huệ nhu nhược, nhẫn nhịn, cứ hết lần này đến lần khác tha thứ cho chồng, cố xây đắp 1 cuộc hôn nhân trong vô vọng. Họ lên án ông Sơn hồ đồ, bỏ ra 700 triệu để mua tự do cho con, tiếp tay cho kẻ khốn nạn. Nhưng chẳng ai biết rằng, phải là Huệ của phiên bản đời thực, phụ nữ mới thấm được sự giằng xé nó khó khăn đến thế nào.
Khi phụ nữ đã chọn 1 người đàn ông làm chồng, bất kể vì lý do gì, anh ấy yêu mình nhiều hay mình yêu anh ấy thì chắc chắn họ sẽ hết lòng vì sự lựa chọn này. Ai cũng bảo phụ nữ cố chấp, dại dột, yếu đuối nhưng thực sự họ mới là những "chiến binh" kiên cường. Họ "chiến đấu" để khẳng định sự lựa chọn của mình, họ 1 lòng vì gia đình mà hi sinh tất cả. Đó là bao dung.
Phụ nữ yêu chồng như 1 bản năng, vị tha vì bản chất và nội tâm lúc nào cũng chằng chịt như 1 bản đồ. Người khác nói họ dại, có khi chính bản thân họ cũng ý thức được điều đó, nhưng giống như Huệ - vẫn sẽ không ngừng cố gắng cứu vãn khi còn cơ hội.
Nhân vật Khải và Huệ trong Về nhà đi con.
Giả sử, bạn đặt ra 1 nơi mình muốn đến, nó đẹp đẽ đến mức bạn sẽ dành thời gian và tâm huyết để chinh phục. Nhưng rồi đi đến gần hết chặng đường, bao khó khăn bủa vây, bạn sẽ chọn bước tiếp bởi nghĩ đã gần đến đích hay dừng lại và quay về vạch xuất phát?
Phụ nữ luôn thế đấy, họ luôn cho mình là người đi đường thông thái, thậm chí dốc hết tình yêu và tất cả những gì mình có để làm người đàn ông ấy thay đổi. Bởi họ nghĩ, cho chồng cơ hội cũng như cho chính mình 1 cơ hội. Và vì 1 lý do muôn đời của phụ nữ: "Không ai thèm đâu" (câu của Huệ trong Về nhà đi con).
Đã ai nghĩ mình bi đát như nhân vật Huệ: không tài sản chung, không công việc ổn định, không con cái, đã 1 đời chồng. Từng ấy thôi cũng đủ để các chị tự huyễn hoặc mình là kẻ chẳng đàn ông tốt nào thèm. Và rồi các chị cứ thế đơn phương gồng mình cố gắng, thà sửa 1 cái cũ đã gắn bó từ lâu còn hơn tìm kiếm hay chờ đợi cái mới, và chẳng biết nó có tử tế hơn không?
Rồi chỉ đến lúc rơi vào trạng thái sự chịu đựng đã quá giới hạn, tổn thương chất chồng, nước mắt đổ thành sông, phụ nữ mới kiệt quệ lên tiếng bằng hơi tàn lực kiệt: "Tôi mệt quá rồi, tôi phải buông thôi". Có khác gì bạn cầm cốc chờ người ta rót nước nóng. Mức nóng bỏng tràn đến tay, chiếc cốc sẽ phải rơi xuống.
Thế nên phụ nữ ạ, đừng cố tỏ ra mạnh mẽ hay sợ người đời chửi rủa mà không dám sống thật với mình. Thử hỏi, nếu Huệ bỏ Khải ngay từ khi anh ta phạm lỗi lần đầu tiên thì có ai dám chắc sau này cô sẽ không phải sống trong ân hận, day dứt là sao ngày ấy mình vội vàng quá?
Cứ cố nếu các chị muốn, cứ hết lòng nếu các chị nghĩ đó là sự cần thiết để vun đắp 1 cuộc hôn nhân mình từng hi vọng. Rồi đến lúc tuyệt vọng nhất, sự buông tay sẽ nhẹ nhàng, lần khóc ấy sẽ là lần cuối, đau đớn nhất và giá trị nhất. Bởi đàn ông chỉ thật sự hiểu được giá trị của người phụ nữ bên cạnh mình cho đến khi đánh mất.
Và nếu có trắng tay như Huệ, đừng nghĩ mình vô sản, ít ra thì cuộc ly hôn của bạn cũng không phải tranh cãi, hỏi nhau "Tiền nhiều để làm gì?", không sợ tòa tính nhầm án phí, khiến giữ lại chút tình nghĩa trong nhau mà nhẹ lòng... buông.