Mới đây, thông tin tiệm cà phê mới nổi ở Hải Phòng từ chối gia giảm theo khẩu vị của thực khách khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Có rất nhiều ý kiến phản đối gay gắt vấn đề này, cho rằng quan điểm của chủ quán là quá cứng nhắc với khách hàng. Bởi hiện nay đa số các quán cà phê đều có thể gia giảm theo khẩu vị, cho khách hàng vừa muốn nhâm nhi cà phê vừa không muốn "mất ngủ" có thêm nhiều lựa chọn. Nhiều người đánh giá rằng quán phục vụ thiếu chuyên nghiệp, không ít ý kiến đã tuyên bố sẽ không bao giờ đến quán cà phê này.
Theo những kết quả trong nghiên cứu điều trị tâm thần "Tác dụng tâm thần kinh của caffeine" đăng trên trang Sciencedaily, tiêu thụ hơn 1,000mg caffeine mỗi ngày có thể gây ra tác động tiêu cực đến cơ thể bao gồm tăng lo lắng, mất ngủ và các vấn đề tiêu hóa.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố bởi tạp chí Longevity & Healthspan cho biết caffeine thực sự có thể giúp kéo dài tuổi thọ, cải thiện sức khỏe của bạn và trì hoãn các bệnh liên quan đến tuổi tác như Alzheimer. Đó là bởi vì caffeine có thể giúp hạn chế chế độ ăn uống và giảm tín hiệu insulin. Vấn đề ở đây là bạn chỉ cần cẩn thận với lượng caffeine tiêu thụ chứ không phải loại bỏ hoàn toàn.
Theo BS Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân y), cà phê là thức uống quen thuộc mỗi sáng của rất nhiều người. Uống cà phê giúp bạn tỉnh táo, tập trung tốt hơn trong công việc. Tuy nhiên, việc uống lượng caffeine vượt mức cơ thể cần có thể gây ra những hậu quả như bồn chồn, mất ngủ... gọi chung là say cà phê. Thật vậy! Nhiều người có thể gặp hiện tượng say cà phê nếu không uống cà phê với liều lượng, nồng độ phù hợp với cơ thể mình.
Vậy, say cà phê gây ra những hậu quả cụ thể gì cho sức khỏe?
1. Lo lắng
Theo Healthline, cà phê hoạt động bằng cách ngăn chặn tác dụng của adenosine, một chất hóa học trong não khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Đồng thời, nó kích hoạt giải phóng adrenaline - hormone liên quan đến việc tăng năng lượng.
Tuy nhiên, ở liều cao hơn, những tác dụng này có thể trở nên rõ rệt hơn, dẫn đến lo lắng và hồi hộp.
Trên thực tế, rối loạn lo âu do caffeine là một trong 4 hội chứng liên quan đến caffeine được liệt kê trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM), được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ.
Lượng tiêu thụ hàng ngày cực cao từ 1.000 mg trở lên mỗi ngày được báo cáo là gây căng thẳng, bồn chồn và các triệu chứng tương tự ở hầu hết mọi người. Trong khi ngay cả một lượng vừa phải cũng có thể dẫn đến tác dụng tương tự ở những người nhạy cảm với caffeine.
2. Mất ngủ
Uống quá nhiều caffeine sẽ khiến bạn mất ngủ. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lượng caffeine cao hơn dường như làm tăng thời gian đi vào giấc ngủ. Nó cũng có thể làm giảm tổng thời gian ngủ, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Ngược lại, lượng caffeine thấp hoặc vừa phải dường như không ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ ở những người được coi là "ngủ ngon" hoặc thậm chí những người tự nhận mình bị mất ngủ.
3. Tiêu chảy
Tiêu thụ lượng lớn caffeine có thể dẫn đến phân lỏng hoặc thậm chí tiêu chảy ở một số người.
Mặt khác, một số nghiên cứu cho rằng đồ uống chứa caffeine có thể làm trầm trọng thêm bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ở một số người. Điều này dường như đặc biệt đúng với cà phê có lượng caffeine cao.
4. Suy nhược cơ bắp
Tiêu cơ vân là một tình trạng rất nghiêm trọng trong đó các sợi cơ bị tổn thương xâm nhập vào máu, dẫn đến suy thận và các vấn đề khác. Một trong số những nguyên nhân đó là do uống lượng caffeine lớn thường xuyên.
Điều quan trọng, đây là một lượng lớn caffeine để tiêu thụ trong một khoảng thời gian ngắn, đặc biệt đối với những người chưa quen với nó hoặc rất nhạy cảm với tác dụng của nó.
5. Gây ra vấn đề huyết áp
Tiêu thụ caffeine vừa phải hàng ngày không làm tăng huyết áp ở những người khỏe mạnh, nhưng liều lượng caffeine cao hơn có liên quan đến huyết áp cao. Do đó, nếu bạn đã bị huyết áp cao từ trước, thì nên tránh dùng caffeine.
6. Tăng mức homocystein
Uống nhiều cà phê làm tăng mức homocysteine trong huyết tương. Vì lượng homocysteine tổng số tăng cao được coi là yếu tố phát sinh bệnh tim mạch, nên bạn không nên lạm dụng nó một cách thường xuyên.
Phải làm gì khi bị say cà phê?
Theo BS Quang, nếu chẳng may bị say cà phê, cách tốt nhất là uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Khi say cà phê, bạn có thể bị đổ mồ hôi nhiều, đồng thời tăng tiết nước bọt. Điều này khiến bạn bị mệt thêm. Uống nhiều nước sẽ bù lại lượng nước đã mất của cơ thể. Trong khi đó, nghỉ ngơi giúp nhịp tim trở lại bình thường, bớt cảm giác bồn chồn, buồn nôn, run tay chân...
Nếu nhịp tim đập quá nhanh và mạnh, gây khó chịu, bạn có thể pha nước chanh gừng đường, uống ấm và chậm để ổn định nhịp tim tốt nhất.
Ngoài ra, đừng quên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Ăn nhiều trái cây, rau quả tươi. Tạm thời tránh uống cà phê hoặc đồ uống chứa nhiều caffeine khác để không làm tăng triệu chứng.
Uống cà phê với lượng cụ thể ra sao thì tốt cho sức khỏe, giúp tỉnh táo, làm đẹp da...?
Các chuyên gia khuyến cáo, với người khỏe mạnh bình thường có thể tiêu thụ 400mg caffeine (khoảng 3 ly) mỗi ngày. Như vậy mỗi người không nên uống quá 3 ly một ngày để đảm bảo an toàn sức khỏe, làm đẹp da và tất nhiên phòng chống say cà phê. Lưu ý, caffeine không chỉ có trong cà phê mà còn trong nhiều loại nước như nước có gas, nước ngọt, nước tăng lực... Do đó, bạn cần cân nhắc để giảm tải.
Ngoài ra, theo NHS, phụ nữ mang thai không nên dùng quá 200mg, tương đương 2 ly cà phê một ngày. Nếu uống quá mức cho phép có thể khiến trẻ sinh ra nhẹ cân, thậm chí sảy thai.
Làm sao để tránh say cà phê?
BS Lê Tiến Huy (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Y dược) chia sẻ, say cà phê là do cơ địa mỗi người. Có người rất nhạy cảm, có người uống cả lít cà phê cũng không xi nhê gì. Do đó, nếu đã nhạy cảm thì không nên uống. "Mọi người khi mua cà phê nên định mức lượng caffeine mình chịu được, tránh hiện tượng say cà phê", BS Huy nói.
Chuyên gia nhận định, cà phê cũng giống như rượu bia, đều có chứa chất kích thích. Mỗi người cần chủ động liều lượng uống để phù hợp nhất cho sức khỏe và thể trạng chính mình.