Hơn 15 năm nay, ông Hòa chỉ ở nhà và đi mua các máy móc cũ bị bán đồng nát đem về nghiên cứu. Niềm đam mê đồng nát cùng sự cảm thông với nỗi cực nhọc của người làm bánh hỏi đã thôi thúc ông sáng chế hệ thống làm bánh hỏi độc nhất vô nhị.
Ông Bùi Tiến Hòa
Tại “nhà máy” sản xuất bánh hỏi của bà Võ Thị Hiền ở xã Diên Toàn (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), hệ thống do ông Bùi Tiến Hòa sản xuất, lắp đặt gồm một dãy băng chuyền dài chừng 10m, một đầu đặt hệ thống nén bột làm bánh, đoạn giữa là dãy hấp bánh bằng hơi nước sôi và đoạn cuối là nơi thu hoạch bánh, đóng gói.
Tại “trái tim” của hệ thống, chỉ có một nhân công ngồi làm nhiệm vụ đưa các vỉ trống vào vị trí để hứng bánh hỏi được nén từ sáu pittông thủy lực bên trên, được “ngón tay máy” (thanh gạt tự động) cắt thành những đoạn đều nhau và bẻ ngoặt thành những cái bánh mang hình dấu hỏi đều tắp.
Khi vỉ đầy bánh, máy tự động dừng nén trong thời gian đủ để nhân công lấy vỉ bánh đưa vào băng chuyền và lấy vỉ trống khác đưa vào vị trí hứng.
“Hồi trước làm theo kiểu truyền thống, bốn người trong nhà tôi cố lắm mỗi ngày làm từ 3h sáng đến tối mịt chỉ được 30kg bánh, còn cái máy này mỗi giờ làm được hơn 100kg bánh hỏi mà mình chẳng tốn công sức bao nhiêu” - bà Hiền cho hay.
Ở “nhà máy” sản xuất bánh hỏi này có sáu người làm, gồm hai thanh niên phụ trách hai máy đánh bột, hai phụ nữ ngồi trực ở hai máy sản xuất bánh và hai phụ nữ đón bánh, đóng gói. Mỗi ngày làm tám giờ, hệ thống sản xuất khoảng 1 tấn bánh hỏi, cung cấp không chỉ cho thị trường Khánh Hòa mà còn vào tận Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận).
Bà Hiền thổ lộ: “Tôi đặc biệt thích máy này vì gấp bánh quá đẹp, đều và nhanh. Thợ lành nghề gần 30 năm như tôi, nói thiệt, nếu ngồi tăm tia cũng khó mà gấp được những cái bánh hỏi đẹp và đều như vậy”.
“Bớt nhọc nhằn cho bà con”
Ông Hòa kể hơn mười năm trước trong một chuyến về huyện Diên Khánh chơi, ông thấy người dân làm bánh hỏi truyền thống quá vất vả. “Một người có sức khỏe phải dùng sức nhấn đòn bẩy đè bột chảy xuống khuôn. Còn thợ làm bánh phải ngồi nhiều giờ liền vừa đón bánh trong khuôn chảy ra, vừa dùng ngón tay cắt bánh, rồi phải gấp bánh thành dấu hỏi, sau đó mang bỏ vào nồi nước nóng để hấp hơi. Thấy vậy, tôi về tự nghiên cứu máy làm bánh hỏi để giảm bớt nhọc nhằn cho bà con” - ông Hòa cười tươi.
Bước đầu ông chỉ nghiên cứu hệ thống thủy lực nén bột trong khuôn để làm ra bánh hỏi. Tiếp đó năm 2006, người dân đặt hàng ông nghiên cứu cái máy đón bắt, cắt và gấp bánh từ khuôn chảy xuống để thay luôn thợ. Theo ông Hòa, “thợ đa năng” làm được việc này là “ngón tay máy”, có nhiệm vụ vừa cắt các dây bánh trong khuôn chảy ra, vừa cuốn bánh thành dấu hỏi đưa vào vỉ chờ bên dưới.
“Nếu việc tính toán để “ngón tay máy” quay vòng tròn mà cắt rồi gấp bánh và hoạt động đồng bộ với điểm dừng chờ thay vỉ khó một, thì việc nghĩ ra cách để cắt và gấp bánh cho đều, đẹp khó đến mười. Ban đầu tôi làm “ngón tay” này là một thanh inox, nhưng vì nó trơn nên cắt bánh không đều và gấp bánh lồi sồi, không đẹp. Trong lúc đang bế tắc thì một ngày chuẩn bị đi ăn đám cưới, tui cúi xuống mang đôi xăngđan, khi đeo cái quai giày bằng loại miếng dán có một mặt nhám còn một mặt lông nhựa, tui mừng nhảy cẫng lên vì đã tìm ra bí quyết. Đây là thành công quan trọng nhất, chính miếng dán nhám này đã làm “ngón tay máy” hoạt động ngon lành như bây giờ” - ông Hòa bộc bạch.
Đam mê đơn độc
Đến năm 2013, ông Hòa mới hoàn thiện hệ thống sản xuất bánh hỏi gồm các phần: máy nén bột trên khuôn bằng thủy lực, “ngón tay máy” hay thanh gạt tự động và hệ thống băng chuyền. Thật đáng nể khi nghe ông nói: “Người ta làm gì cũng có cộng sự, còn tui chỉ một mình. Hệ thống sản xuất bánh hỏi này từ khi nghiên cứu đến lúc hoàn thiện mất hết bảy năm. Riêng nghiên cứu để cho ra bản vẽ hệ thống mất một năm ròng rã. Khi bắt tay vô làm có những thiết bị mua được, nhưng có những cái phải tự sản xuất (chiếm khoảng 10% trong toàn hệ thống). Hệ thống này vừa dùng thủy lực, cơ và điện, tui tự học và làm một mình!”.
Đến nay, ông mới đủ sức chế tạo và lắp đặt hai hệ thống sản xuất bánh hỏi cho hai hộ dân ở các xã Diên Thủy, Diên Toàn (huyện Diên Khánh) với giá thành mỗi hệ thống 200 triệu đồng. “Một số người ở Phú Yên, Bình Định và TP.HCM biểu tui làm cho họ hệ thống này nhưng tui không có sức. Tui muốn chuyển giao công nghệ này cho một công ty nhà nước nào đó chuyên về sản xuất máy móc để họ làm đại trà giúp bà con, chứ mỗi một cái máy tui bỏ ra đến 6-7 tháng làm thì vừa mệt, vừa chậm, giá lại cao” - ông Hòa bày tỏ.
Khó ai nghĩ người làm được hệ thống sản xuất bánh hỏi này mới học xong bậc trung cấp nghề mộc máy (tức làm thợ mộc bằng máy) ở Trường trung cấp nghề Nha Trang (khóa 1978-1981). Ra trường, ông làm công nhân cho một xưởng gỗ mỹ nghệ lớn tại Diên Khánh, sau đó làm công nhân phụ trách máy móc cho một xí nghiệp sản xuất song mây xuất khẩu. Hơn 15 năm qua, ông không làm việc cho một cơ quan, doanh nghiệp nào, mà trở về nhà chuyên đi mua các máy móc cũ bị bán đồng nát đem về... nghiên cứu. Hai năm nay, ông Hòa mở xưởng cơ khí tại gia với đủ các loại máy móc, nhưng rất vắng khách vì ông không... nhận làm gì cho khách hàng, cũng không có học trò mà chỉ để một mình nghiên cứu, chế tạo. Vợ ông hiểu chồng nên không ca thán gì, hằng ngày bà vẫn tần tảo với gánh bún ra chợ Vĩnh Thạnh buôn bán, nuôi chồng và hai con.
Hiếm hoi Theo bà Huỳnh Thị Kiều Châu - chuyên viên phụ trách mảng sở hữu trí tuệ Phòng quản lý công nghệ (Sở Khoa học và công nghệ Khánh Hòa), ông Hòa làm hồ sơ đăng ký sáng chế độc quyền công nghệ từ tháng 8-2007. Theo quy định, sản phẩm đăng ký phải qua “thử thách” ít nhất là 48 tháng kể từ khi gửi hồ sơ đăng ký sáng chế độc quyền, để cơ quan chức năng kiểm tra giá trị cũng như sự sáng tạo độc quyền. Đến cuối tháng 8-2013, sáng chế của ông Hòa mới được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng, có giá trị 20 năm. Theo bà Châu, ông Hòa là một trong những người hiếm hoi ở Khánh Hòa nhận được bằng sáng chế độc quyền. |