Các kế hoạch Giáng sinh bị hoãn lại. Nhiều chuyến bay cũng bị hủy bỏ. Các nhà lập pháp thì kêu gọi tăng cường trồng trọt để đảm bảo cung ứng lương thực cho đất nước.
Đây là những gì mà Anh Quốc đang phải trải qua vào lúc này. Trước kia, một nghị sĩ từng gọi nước Anh là "Hòn đảo kho báu" bởi sự trù phú và thịnh vượng. Còn giờ, khi biến chủng mới của Covid-19 xuất hiện, cũng là lúc đất nước được mang một cái tên mới: "Đảo dịch bệnh"!
Hàng chục quốc gia đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh với cư dân từ Anh Quốc, chặn nhiều tuyến đường quan trọng từ Anh trên cả đường bộ, đường thủy và hàng không. Hầu hết các vùng phía đông nam - bao gồm cả London - đã bị siết chặt ở cấp độ phong tỏa kể từ cuối tuần qua. Sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới được dự đoán sẽ gây ra một cuộc hỗn loạn lớn, trong bối cảnh đất nước chuẩn bị hoàn tất cuộc chia tay Brexit với Liên minh châu Âu (EU).
Những chiếc xe chở lương thực dồn ứ tại các tuyến đường huyết mạch
Các chuỗi siêu thị khổng lồ tại Anh đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt trái cây và rau củ quả, khi xe tải cung ứng đang mắc kẹt tại các cảng quan trọng. Nhiều người tìm cách rời Anh để trở về nhà tại các quốc gia khác ở châu Âu trước khi lệnh cấm di chuyển ban hành. Họ xếp hàng dài dặc tại các sân bay.
Ngày 21/12, Pháp và Anh đã đạt được một số thỏa thuận để giảm thiểu nguy cơ thiếu nguồn cung thực phẩm. Nhưng thực tế, 1/4 số lương thực tiêu thụ tại Anh được sản xuất bởi các nước trong EU. Và điều này khiến cho người Anh có cảm giác bị cô lập, khi lệnh cấm di chuyển và đóng cửa các cảng trở thành nỗi sợ thực sự.
Nỗi sợ đến sớm hơn dự kiến
"Xét trên góc độ tâm lý, với tôi đã có các rào cản xuất hiện trong đầu vì Brexit," - Russell Hazel, một bệnh nhân từng nhiễm Covid-19 cách đây 7 tuần cho hay. "Và giờ thì nó hiện hữu rồi."
Những con phố vắng lặng khi Anh Quốc ban hành lệnh hạn chế cấp độ 4
Hazel chia sẻ, một người bạn thân mình đã đến Tây Ban Nha chơi. Và giờ, anh lo không biết người bạn ấy sẽ trở về kiểu gì. Nó giống như thể Anh Quốc sẽ rời khỏi EU mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận gì liên quan đến thương mại qua eo biển Anh (eo biển Manche) vậy.
Những rắc rối này tạo ra nhiều chỉ trích nhắm vào Thủ tướng Boris Johnson. Vào mùa xuân, Anh đã tiến hành phong tỏa chậm trễ hơn các quốc gia khác của châu Âu - một trong những yếu tố khiến đất nước có tỉ lệ tử vong trên dân số vì virus cao nhất châu lục. Đến mùa hè khi số ca nhiễm có chiều hướng giảm, ông Johnson thúc giục mọi người ra ngoài, trở lại làm việc. Chính phủ thậm chí còn hỗ trợ nhà hàng cung cấp đồ ăn giá rẻ cho người dân để khuyến khích việc đó.
Tất cả đã tạo tiền đề cho đợt dịch mới tấn công họ.
Dẫu vậy thì đến tận ngày 16/12, ông Johnson vẫn kiên trì với chính sách hỗ trợ thúc đẩy du lịch dịp Giáng sinh. Đường phố tại London tràn ngập người mua sắm. Chính phủ thậm chí còn ngăn trường học gửi học sinh về đón lễ sớm, trong bối cảnh số ca nhiễm đang gia tăng.
Quyết định này tạo ra nhiều tranh cãi vào hôm 21/12, sau khi các cố vấn khoa học cho rằng có dấu hiệu cho thấy trẻ em có thể dễ bị nhiễm hơn với biến chủng virus mới.
Cách xử lý quá liều lĩnh
Kelly Merris - một người đến từ Úc cho biết khi trò chuyện với người thân và bạn bè ở quê hương, cô mới nhận ra Anh Quốc đã liều lĩnh đến mức độ nào trong cách xử lý đại dịch.
"Tôi nghĩ cả thế giới nhìn vào chúng tôi (Anh) lúc này và lắc đầu," - Merris cho biết. Cô vốn đã hủy chuyến bay trở về Úc dịp Giáng sinh từ lâu. "Thực sự không vui chút nào khi nghĩ mình đang ở một hòn đảo dịch bệnh, và chẳng quốc gia nào muốn bạn tới đó cả."
Chồng cô - Aaron McDonald, người Anh có cái gọi là "chủ nghĩa biệt lệ" (exceptionalism), nhưng nó mang nghĩa khác trong thời buổi dịch bệnh.
"Người Anh thường nghĩ họ khác biệt so với thế giới, thậm chí là phần còn lại ở châu Âu," - McDonald cho biết. "Giờ thì chúng tôi đang đặc biệt thật, nhưng theo cái cách chẳng tốt lắm. Thật đáng thất vọng."
Là một tiếp viên hàng không, cô Klein-Smith phải chứng kiến nhiều bạn bè cô mất việc suốt 1 năm qua. Smith cho biết cô đồng cảm với những người London tìm cách rời thành phố hôm 19/12 - chỉ vài giờ sau khi ông Johnson yêu cầu người dân phải ở trong nhà. Nhiều người ý thức được về một đợt cách ly xã hội mới, và họ muốn gặp lại người thân đến tuyệt vọng.
"Họ thúc đẩy người dân tiêu tiền, chuẩn bị du lịch, về nhà," - cô chia sẻ. "Hủy mọi thứ vào phút chót thật quá tùy tiện."
Piers Storey - một giáo viên thì cười một cách ráo hoảnh khi nhắc đến việc các nước châu Âu quyết định chặn hành khách từ Anh. "Nói gì bây giờ. Chẳng có gì đơn độc bằng như vậy cả."