Là người nắm thực quyền cao nhất vào cuối triều đại nhà Thanh, Từ Hi Thái hậu sống một cuộc sống vô cùng xa hoa. Cả đời bà hưởng thụ mọi vinh hoa phú quý, cực kỳ coi trọng việc ăn, mặc, ở, đi lại.
Trung bình nửa tháng bà tiêu hết 40.000 lạng bạc, tương đương 500.000 Nhân dân tệ. Trong số 40.000 lạng bạc đó phần lớn được tiêu dùng cho đồ ăn thức uống của bà.
Người ta nói rằng, mỗi bữa ăn của bà phải có hơn 100 món và hơn 100 món này đều phải không giống nhau. Để làm được một bữa ăn hơn 100 món đó, cần hơn 150 đầu bếp để chuẩn bị một bữa ăn cho Từ Hi.
Quy tắc ngầm trên bàn ăn
Khi đồ ăn được dâng lên phục vụ, mỗi món được bà ăn nhiều nhất là hai miếng. Và việc này cũng có quy tắc "ngầm" riêng: Nếu Tư Hi Thái hậu ăn hai miếng trong một món ăn thì món ăn đó sẽ bị thu hồi và không được phục vụ trong nửa tháng tới. Nếu bà ăn ba miếng một món thì món ăn đó sẽ không bao giờ xuất hiện trên bàn.
Thực chất việc này đến từ quy định vào thời nhà Thanh, là quý tộc trong cung không được ăn quá ba miếng. Nếu người nào chỉ thích một món ăn thì món ăn đó sẽ không được phục vụ nữa. Vì vậy điều này cũng dẫn đến việc Từ Hi Thái hậu không thể ăn hết mọi món ăn (chưa bàn đến sức ăn của bà).
Nhiều người cho rằng, bữa ăn hơn 100 món của Từ Hi là cách bà thể hiện vương vị đứng trên vạn người của mình. Không những thế, đó cũng là cách bà bảo vệ mình trước các âm mưu dùng độc để ám sát của những kẻ không ưa bà. Việc không biết bà sẽ ăn món gì, yêu thích món gì sẽ khiến cho chúng khó lòng hạ độc.
Theo ghi chép trong "Chuyện cung nữ", Từ Hi Thái hậu chỉ cần bà liếc nhìn một món ăn, thái giám sẽ chuyển món ăn đó cho Từ Hi. Khi bà ăn được 2 miếng trong một món ăn, thái giám sẽ hô "Dọn đĩa". Bà sẽ không bao giờ ăn miếng thứ ba trong cùng một món ăn.
Theo Từ Hi, đó là "truyền thống từ lâu" để ngăn chặn việc bị ngộ độc. Phương pháp này cũng rất hiệu quả, vì "ngay cả những người đã theo Thái hậu hơn 40 năm vẫn không biết bà thích ăn món gì".
Khi Từ Hi dùng bữa, về cơ bản mỗi món còn dư rất nhiều, có nhiều món thậm chí còn không chạm đến đũa, tuy nhiên thái giám và cung nữ không được phép ăn những món này, vì vào thời nhà Thanh, có sự phân biệt giữa các chủ nhân và nô bộc, nếu họ ăn cùng một món ăn với Từ Hi sẽ bị khép vào tội khi quân.
Vì vậy, có hai cách để giải quyết việc này:
Thứ nhất, Từ Hi Thái hậu thường chọn một vài món mình thích rồi sai người mang cho các phi tần hoặc hoàng tử, quý tộc trong cung. Người nhận sẽ coi những món ăn do Thái hậu ban tặng là niềm vinh dự lớn lao.
Thứ hai, phần đồ ăn còn lại sẽ do hậu cung xử lý. Bằng cách này, một chuỗi kiếm chác lợi nhuận từ bữa ăn xa xỉ của Từ Hi được hình thành. Hậu cung, do các thái giám đứng đầu, sẽ tuồn những món ăn ra ngoài cung điện và bán với giá rất cao cho các chủ tiệm.
Đương nhiên, chủ tiệm không dám trực tiếp nói ra nguồn gốc của những món ăn này, ông ta chỉ nói rằng chúng được nấu bởi đầu bếp hoàng gia trong cung điện và Thái hậu Từ Hi đã từng ăn món tương tự.
Nhờ có tiếng của đầu bếp và Từ Hi Thái hậu nên giá trị của những món ăn này tăng gấp đôi, rất nhiều người giàu có và nhàn rỗi đã đến đây để thưởng thức. Dĩ nhiên, thái giám trong cung nhờ đó kiếm bộn tiền theo.
Đồ ăn tuồn ra cũng chia theo cấp bậc. Các món ngon, hiếm sẽ bán giá rất cao cho các chủ tiệm giàu có. Đồ ăn kém chất lượng hơn sẽ được bán cho các quán ăn cấp thấp hơn.
Ngoài ra còn có một số loại rau không thể chế biến được, đã hết hạn sử dụng nên được cho vào nồi lớn, luộc rồi bán cho những người nghèo.
Bằng cách này, 100 món ăn của Từ Hi đã được sàng lọc từng lớp, đầu tiên là các phi tần và quý tộc trong cung điện, sau đó là các nhà hàng cao cấp, nhà hàng trung cấp và cuối cùng là những người nghèo.
Tham khảo: Sina, 163