Con ốm - 2 từ khiến bất kì người mẹ nào cũng phải sợ hãi. Mỗi lúc con ốm đau hay bị bệnh, mẹ luôn lo lắng và mong con khỏi bệnh nhanh nhất có thể. Cũng chính vì vậy mà nhiều mẹ hiện nay đang có tình trạng lạm dụng kháng sinh.

Kháng sinh không có tác dụng với vi rút hay còn gọi là siêu vi, kháng sinh chỉ tác dụng với vi khuẩn. Mà hầu hết các trẻ bị hô hấp trên 80-90% do vi rút gây ra.

Quan sát, kiên nhẫn và chờ là kinh nghiệm xử lý mỗi khi con ốm

Nhận ra điều này, chị Nguyễn Cẩm Vân (sống tại Hà Nội) đã thay đổi cách điều trị và chăm sóc khi con trai mắc bệnh. Từ một người cứ thấy bệnh là dùng kháng sinh, bà mẹ trẻ đã bắt đầu học được cách theo dõi, quan sát, tìm hiểu kĩ xem con mình đã thật sự phải dùng tới kháng sinh hay chưa.

Cậu bé Trứng bị nhiễm siêu vi với các biểu hiện chảy nước mũi và ho nhẹ. Thay vì chạy ra hiệu thuốc, bà mẹ chỉ cho bé xúc miệng nước muối, uống mật ong ấm. Sau khoảng 3 ngày, bé Trứng đã chuyển từ nước mũi xanh đặc về nước mũi trong.

"Những tưởng thấy mũi trắng trong con sắp khỏi rồi, thì sang đến hôm sau con lại tiếp tục chảy mũi và lần này kèm sốt. Giả thuyết lần này mình nghĩ có thể con lại nhiễm thêm đợt siêu vi mới khi hệ miễn dịch đang yếu.

Trứng sốt cao kèm mũi và ho đờm về đêm nhiều. Ngày ăn được thì ho đẩy đờm là nôn sạch. Nhưng trộm vía con vẫn chịu uống nhiều nước", chị Vân chia sẻ.

Việc mẹ cần làm:

- Rửa mũi 2-3 lần/ngày, bôi kem mũi và xịt mũi mỗi khi con ngạt.

- Về họng, mình cho Trứng uống 1 cốc mật ong ấm mỗi sáng ngủ dậy, và xịt họng giảm viêm.

- Uống nhiều nước giúp con bù nước khi sốt và cũng làm loãng đờm giúp đẩy đờm ra ngoài dễ hơn.

- Mật ong ở đây mình dùng thay thuốc ho bởi nó có tác dụng kháng khuẩn, giảm ho như 1 loại thuốc ho thông thường mà rất an toàn. Dù nhà có sẵn thuốc ho nhưng mình vẫn chưa cho Trứng dùng, vì bản chất ho là phản xạ giúp cơ thể bảo vệ phế quản, bảo vệ phổi tránh để siêu vi, vi khuẩn xâm nhập đến.

- Ngoài việc vệ sinh và xịt mũi cho con đỡ ngạt thì khi con ngủ mình kê gối cho con cao hơn để tránh mũi chảy xuống họng gây ho. Bôi dầu ấm ngực vào phần cổ, gan bàn chân, quấn khăn mỏng vào cổ. Việc này giúp con ấm cổ giảm ho phần nào.

Từ một người lạm dụng kháng sinh, mẹ học cách kiên nhẫn để cơ thể con tự chiến đấu với vi rút - Ảnh 1.

Em bé Trứng và mẹ.

Vì sao con ốm dài ngày vậy mà không cho con uống thuốc gì?

Chị Vân tâm sự: "Bởi sau những lần khám siêu vi thì mình cũng có chút kinh nghiệm quan sát con hơn nên vẫn quyết định "CHỜ" thay vì dùng thuốc. Bởi những lý do sau:

- Triệu chứng không nói lên tình trạng bệnh nặng hay nhẹ mà quan trọng là hành vi khi con ốm. Con vẫn tự chơi ngoan, không nằm li bì 1 chỗ kể cả khi con đang sốt cao.

- Trộm vía lần này Trứng cũng không phải dùng đến thuốc hạ sốt, bởi con vẫn chơi ngoan dù người nóng bừng.

- Theo dõi nhịp thở của con để phát hiện viêm phổi, Cần cho con đi khám ngay khi nhịp thở nhanh bất thường

+ Trẻ < 2 tháng tuổi: Nhịp thở > 60 lần/phút;

+ Trẻ từ 2 tháng – 11 tháng tuổi: Nhịp thở > 50 lần/phút;

+ Trẻ từ 12 tháng tuổi – 60 tháng tuổi: Nhịp thở > 40 lần/phút.

+ Trẻ có dấu hiệu thở rút lõm lồng ngực.

- Trứng cũng KHÔNG dùng thuốc trị sổ mũi. Mình thấy khi con sổ mũi và ho có những nơi họ hay kê thuốc mũi, và bản thân mình cũng đã từng được kê (tuy nhiên mình không có ý định dùng cho Trứng vì đợt đấy Trứng mũi nhẹ). Bởi khi con sổ mũi là cơ thể con tiết dịch mũi tiêu diệt siêu vi và tống nó ra ngoài, thuốc mũi làm đặc dịch mũi lại khiến dịch không thoát được gây tắc nghẽn. Dẫn đến các biến chứng như viêm tai giữa, hay nguy hiểm hơn là dịch tắc nghẽn lâu trong phổi làm sinh sôi vi khuẩn gây viêm phổi...".

Khi con được chẩn đoán viêm tiểu phế quản, viêm phổi?

Theo chị Vân, khi bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm tiểu phế quản/viêm phế quản/ viêm phổi... là bác sĩ đang nói đến vị trí của siêu vi/vi khuẩn đi qua. Quyết định dùng kháng sinh hay không không phụ thuộc vào vị trí viêm mà phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh là vi rút hay vi khuẩn. Hầu hết ai cũng hiểu kháng sinh không có tác dụng với vi rút, nên dùng kháng sinh sớm cũng không ngăn ngừa được bội nhiễm, mà tệ hơn có thể sẽ bị nhờn/đề kháng kháng sinh.

"Trứng lần này bị khả năng 2-3 con siêu vi liên tục nên mẹ khó theo dõi hơn chút, Trứng sốt 5 ngày tuy nhiên cách quãng và không sốt cao, tổng thời gian thì chỉ khoảng 3 ngày sốt. Tuy nhiên đến ngày thứ 5, mình đã cho con làm công thức máu và chỉ số viêm CPR cho con để loại trừ khả năng con bị viêm do vi khuẩn.

Kết quả cho thấy: Chỉ số bạch cầu đẹp, CPR tăng nhẹ do siêu vi (nếu nhiễm khuẩn Cpr :50-70mg/l. Nếu nhiễm siêu vi: 30-40mg/l).

Nhìn vào kết quả cho thấy tác nhân gây bệnh của con do "SIÊU VI" mình càng yên tâm ở nhà theo dõi con. Bởi do siêu vi thì chỉ có cơ thể con tự điều trị khỏi. (Dù siêu vi có đi xuống bên dưới gây viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, hay viêm phổi thì uống kháng sinh cũng không có tác dụng.) Và sau ngày thứ 5 con cắt hẳn sốt, chỉ còn mũi và thi thoảng ho đờm. Con cũng biết xì mũi và khạc đờm nhổ ra nên khả năng đào thải dịch ra ngoài cũng tốt hơn. Hiện tại con gần như khỏi hoàn toàn đợt ốm này rồi", chị Vân nói.

Từ một người lạm dụng kháng sinh, mẹ học cách kiên nhẫn để cơ thể con tự chiến đấu với vi rút - Ảnh 2.

Từ một người lạm dụng kháng sinh, bà mẹ trẻ đã sử dụng kháng sinh đúng cách hơn, không dùng trong trường hợp không thật sự cần thiết.

Hãy dùng kháng sinh để trị đúng bệnh

"Trộm vía sau những lần ốm con chưa phải dùng bất kỳ viên thuốc nào và cũng nhờ có con mà mẹ - từ một người lạm dụng kháng sinh cũng đã học cách kiên nhẫn để cơ thể tự chiến đấu với vi rút. Mình không anti kháng sinh, kháng sinh không xấu nhưng mình muốn dành kháng sinh để trị đúng bệnh, để con không phải uống thuốc 1 cách vô nghĩa.

Những quyết định "CHỜ" theo dõi con đều có sự tư vấn của bác sĩ", chị Vân nhấn mạnh.

Hạn chế lạm dụng kháng sinh ở trẻ em bằng cách nào?

- Không sử dụng kháng sinh cho trẻ khi không thật sự cần thiết: Nếu trẻ bị các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, sốt siêu vi, viêm nhiễm đường hô hấp trên hoặc một số trường hợp bị viêm phế quản, viêm mũi họng ở mức độ nhẹ mà trẻ vẫn chơi đùa, ăn uống bình thường, không có biểu hiện nặng lên... thì chưa nhất thiết phải vội vàng dùng kháng sinh cho trẻ. Thay vào đó, phụ huynh nên hạ sốt cho trẻ nếu trẻ có sốt, tăng cường uống nước và cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng để tăng sức đề kháng... Sau 1 tuần trẻ không có biểu hiện khả quan hơn và bệnh dần nặng lên thì cần đưa trẻ tới bệnh viện để bác sĩ khám và chỉ định thuốc phù hợp, không tự ý dùng kháng sinh ở nhà cho trẻ.

- Sử dụng kháng sinh cho trẻ em đúng bệnh, đúng cách: Khi trẻ bắt buộc phải sử dụng kháng sinh thì phụ huynh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về thời gian, liều dùng cũng như kết hợp thuốc kháng sinh với các thức ăn đồ uống thông thường... để thuốc phát huy hết các tác dụng, để vi khuẩn không có cơ hội kháng kháng sinh.

- Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ: Hệ miễn dịch được coi là yếu tố mà cơ thể dùng để chống lại các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn và vi rút. Hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh sẽ là hàng rào bảo vệ giúp trẻ phòng tránh cũng như hạn chế các bệnh nhiễm trùng. Phụ huynh nên tăng cường hệ miễn dịch thường xuyên cho trẻ bằng cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, rèn luyện thể chất bằng hoạt động vui chơi thường ngày, tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch...