Chỉ còn 20 ngày nữa là đám cưới của tôi được tổ chức. Chờ đợi 8 năm ròng mới trọn vẹn ước mơ, cuối cùng thì tôi với bạn trai cũng đủ điều kiện để về chung một nhà.

Bạn trai tôi hộ khẩu thành phố nhưng gia cảnh thuộc tầng lớp trung lưu, bố mẹ cũng chỉ làm buôn bán nhỏ. Nhà tôi thì chẳng giàu sang hơn là mấy, song mẹ cứ chê bạn trai tôi là một thằng “không có tương lai”.

Nguyên do bởi chồng sắp cưới của tôi làm nghề thiết kế tự do. Trong mắt người lớn thế hệ cũ thì định nghĩa của “lông bông” chính là không có công ăn việc làm ổn định, thế nên từ lúc tôi giới thiệu anh ấy với gia đình mình thì mẹ tôi phản đối ra mặt. Mẹ muốn tôi lấy một người làm công chức, hoặc ít ra cũng có sự nghiệp ổn định, chứ không phải suốt ngày ở nhà cắm đầu vào máy tính xong chẳng biết ngày mai sẽ làm gì.

Bạn trai tôi nỗ lực suốt mấy năm, vì muốn được công nhận nên cày cuốc cật lực để cùng bạn bè mở một studio nhỏ. Anh ấy nhận rất nhiều đơn hàng, thù lao ít hay nhiều đều không chê bai. Chăm chỉ mãi cũng thành công, bây giờ chồng sắp cưới của tôi đã có thu nhập mỗi tháng xấp xỉ trăm triệu với gần chục nhân viên. Studio của anh cũng ngày càng được nhiều khách hàng tin tưởng, nổi đình đám trong giới thiết kế đồ họa.

Chẳng có cớ gì để chê nữa nên mẹ đành gật đầu cho phép chúng tôi tổ chức đám cưới. Chúng tôi vui mừng đến nỗi không dám tin là sắp sửa về chung một nhà, vội vàng chọn ngày luôn kẻo mẹ lại đổi ý.

Dù chấp thuận cho các con cưới nhau nhưng mẹ tôi vẫn tỏ thái độ bằng mặt không bằng lòng. Chỉ có 1 tháng rưỡi để chuẩn bị lễ cưới, trong lúc tôi và gia đình chồng tương lai chạy đi chạy lại lo đủ thứ thì mẹ tôi cứ ung dung như không có gì.

Ngày nhà trai mang lễ sang dạm ngõ, mẹ tôi mặc nguyên bộ đồ ngủ hoa hòe ngồi tiếp chuyện. Bố tôi cũng nhắc mẹ đi thay đồ vì ngại, song mẹ tôi bảo chỉ gặp mặt đặt vấn đề thôi chứ đã cưới xin gì đâu mà phải chưng diện cầu kỳ.

Rồi lúc ngồi nói chuyện nghiêm túc, thông gia tương lai nói gì mẹ cũng ậm ừ cho qua. Họ hỏi nhà gái muốn đề nghị bao nhiêu tráp, mẹ tôi bảo phải đủ 11 tráp mới cho rước dâu về.

Nhà bạn trai tôi không phải đại gia nên lúc đầu tôi nghĩ chỉ cần 7 hoặc 9 tráp là ổn rồi. Tại bày vẽ ra thì cũng chẳng biết đặt gì lên mâm, cả nhà tôi cũng không ăn hết chỗ lễ ấy. Chưa kể ở thành phố giá đắt đỏ, tôi với bạn trai đi tham khảo mấy chỗ dịch vụ đám cưới họ đều hét giá không dưới 10 triệu đồng cho cả bộ tráp. Chúng tôi đều muốn tiết kiệm chi phí để dành cho những việc khác quan trọng hơn. Cơ mà mẹ yêu cầu 11 tráp nên nhà trai cũng cắn răng chấp nhận. Lúc ra về tôi còn nghe bố chồng tương lai lẩm bẩm: "Đòi lắm tráp thế là muốn gả con hay bán con không biết".

Tự mua đồ sắm sửa đám cưới, tôi nghẹn ngào tủi thân khi nhận tin nhắn từ mẹ ruột - Ảnh 1.

Hôm tôi gọi người đến khảo sát nhà để dựng rạp, mẹ chỉ hỏi người ta bao nhiêu tiền rồi bỏ đi đánh bóng với mấy cô hàng xóm trong khu. Tôi đã thức mấy đêm để xem mẫu rạp, cẩn thận chọn lựa từng chi tiết để có chiếc rạp ăn hỏi lung linh, định cùng mẹ thảo luận để chọn mẫu ưng ý nhất. Nhưng kết quả mẹ lại chẳng quan tâm chút nào…

Tôi rất buồn vì sự thờ ơ của mẹ. Cả đời con gái có khi chỉ 1 lần cưới xin, vậy mà mẹ không hề lo lắng cho tôi, cũng chẳng chú tâm vào bất kỳ công đoạn chuẩn bị nào. Nhà người ta con gái lấy chồng thì bố mẹ sốt sắng, đi ra đi vào làm đủ thứ để con được hạnh phúc trọn vẹn. Đằng này tôi cảm giác như mẹ chỉ muốn bỏ chút tiền ra tổ chức cho xong chứ không hề coi đó là ngày trọng đại của con gái.

Tôi tâm sự với chồng sắp cưới thì anh cũng chỉ biết an ủi bảo cố gắng chuẩn bị lễ cưới thật chu toàn. Anh hứa sau này sẽ bù đắp cho tôi tất cả, sẽ kiếm thật nhiều tiền để tôi không phải khổ tâm nữa. Chúng tôi đều không biết trong lòng mẹ nghĩ gì, lỡ suy diễn sai thì thật bất hiếu. Làm gì có mẹ nào không thương con gái, có lẽ mẹ tôi chưa thực sự ưng ý con rể nên mới tỏ vẻ lãnh đạm như vậy chăng?...

Tất bật mãi thì mọi công đoạn cũng có vẻ hòm hòm. Tôi tạm gạt hết mọi băn khoăn trong đầu đi để chuẩn bị đám cưới chu đáo. Váy cưới đã thuê, ảnh cưới đã chụp, rạp đã đặt, nhà hàng cũng cọc rồi. Giờ chỉ còn mời khách nữa thôi là xong việc.

Tưởng không thiếu sót gì nữa nhưng mấy hôm trước tôi chợt nhận ra đồ đạc trong phòng ngủ của mình đã quá cũ. Hôm ăn hỏi với rước dâu thì kiểu gì cũng chụp ảnh ở đây, để phòng cũ nát như này thì người ta chê cười mất. Giường tủ dùng từ hồi tôi học cấp 2, chăn màn cũng lâu không thay đổi. Vậy là tôi quyết định sẽ đặt mua toàn bộ nội thất mới, sửa sang lại phòng một chút cho xinh.

Tôi đặt cùng lúc 2 bộ rèm cửa, 1 bộ bàn ghế trang điểm lắp ghép, 2 bộ ga gối và chăn. Bố giúp tôi sơn lại tường và thay cửa sổ mới, trông sáng sủa đẹp đẽ hơn trước rất nhiều.

Hôm nay tôi rất vui khi bên giao hàng đưa tất cả đồ đến cùng một lúc. Trong lúc đang háo hức bóc đồ ra thì mẹ đi chợ về. Nhìn nhà cửa ngổn ngang mẹ tôi cứ cau mày khó chịu, còn đẩy mấy thùng đồ ra sân giữa trời nắng chang chang vì “vướng víu”.

Dù chạnh lòng nhưng tôi cũng không phản ứng gì cả, chỉ lặng lẽ nhờ bố lắp đồ cùng. Đến tối nay khi tôi đang đi cùng chồng sắp cưới qua tiệm vàng để kiểm tra vụ sửa kích cỡ nhẫn cưới thì mẹ bỗng dưng nhắn tin. Lúc ăn cơm mẹ chẳng hỏi han tôi câu nào, tôi không biết mình lại làm sai chuyện gì khiến mẹ phật ý.

Hóa ra mẹ bảo tôi từ nay đừng vác thêm món đồ nào về nhà nữa. Nguyên văn mẹ nhắn cho tôi như thế này: “Nhà chật chội đừng có mua đồ mới nữa, lấy chồng xong mày cũng chẳng ở đây, cứ sắm lắm xong lại khổ mẹ dọn dẹp”.

Đọc xong mà tôi ứa nước mắt. Trong cổ cứ nghèn nghẹn như mắc nắm cơm, cơn tủi thân trào lên không thể nuốt trôi được. Tôi đã từng tham dự đám cưới của rất nhiều người rồi, ai chuẩn bị kết hôn cũng sắm sửa đồ đạc mới. Có người còn xây hẳn nhà mới để đón vợ đón dâu, đây mẹ tôi không hề đả động đến chuyện mua cho con gái món đồ nào, tôi tự bỏ tiền túi ra còn bị mắng.

Tôi biết gia cảnh mình bình thường nên mọi công đoạn chuẩn bị đều chọn phương án tiết kiệm nhất. Rạp đơn giản, nhà hàng tiệc cưới giá trung bình, váy cưới áo dài thuê cũng không dám đặt chỗ đắt đỏ. Vậy mà giờ có mỗi mấy món đồ trong phòng tân hôn mẹ cũng không thích, không cho tôi sắm sửa gì...

Dường như mẹ thực sự không coi trọng hôn lễ của tôi. Bà chỉ bỏ đúng một khoản nhỏ ra đặt cọc rạp với nhà hàng, còn lại tôi với chồng tương lai tự lo hết. Tôi chưa từng trách mẹ hay đòi hỏi gì cả vì nghĩ chuyện cưới xin là trách nhiệm của bản thân. Nhưng mẹ thờ ơ đến mức muốn dùng cái phòng cũ nát để tiễn con gái về nhà chồng, thậm chí không đả động gì tới của hồi môn thì tôi tự thấy mình quá thiệt thòi rồi…