Phim Mai của đạo diễn Trấn Thành hiện đang là "hiện tượng" của phòng vé Việt khi liên tục xác lập kỷ lục mới. Phim không chỉ "gây sốt" khi khắc họa chuyện tình "em yêu chị" đầy trắc trở, những biến cố trong hành trình định nghĩa về tình yêu của cặp đôi chính do Phương Anh Đào và Tuấn Trần thủ vai. Mà song song với đó, Mai còn hé lộ những câu chuyện về gia đình với đầy lớp lang ý nghĩa khiến người xem phải suy ngẫm.
Trong đó, câu chuyện về tuổi thơ của Mai - nhân vật chính của bộ phim do Phương Anh Đào thủ vai, được nhiều người quan tâm. Mai sinh ra trong một gia đình bất hạnh khi có cha là người nghiện ngập cờ bạc, còn mẹ thì đau ốm triền miên. Ở độ tuổi đẹp nhất của thời thanh xuân, Mai đã phải trải qua hàng loạt bi kịch khủng khiếp. Vì sự việc đó, cô đã phải làm mọi việc để kiếm sống giữa thành phố đầy hoa lệ, và số phận đã đẩy Mai vào nghề massage. Cũng chính từ đây, cô bị mọi người dè bỉu và gán cho cái mác "không trong sạch". Những áp lực cuộc sống, cùng với đó là những sang chấn tuổi ấu thơ khiến Mai tự ti vào bản thân. Cô luôn nuôi những suy nghĩ tiêu cực khi cho rằng mình là kẻ nằm ngoài rìa của sự yêu thương.
Khi "đứa trẻ" bên trong bị tổn thương
Ai đó đã từng nói rằng: "Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ".
"Gia đình" là tổ ấm, là nơi chan chứa yêu thương, vỗ về những phiền muộn của thế giới ngoài kia. Mệt mọi mỏi thì hãy về nhà, có cha mẹ che chở, hậu thuẫn để tự tin con ngang dọc tung hoành khắp nơi. Sự đùm bọc của cha mẹ tưởng như là điều hiển nhiên nhưng đối với nhiều đứa trẻ, đó lại là điều xa xỉ, một điều gì đó mà có bắc thang lên hỏi ông trời cũng không có câu trả lời. Sẽ có những đứa trẻ "đáng thương" thậm chí đến kẹo còn không dám vòi, sữa cũng không dám uống, vậy chúng có gì trong tuổi thơ ấy?
Những cuộc cãi vả nảy sinh một cách vô cớ, những lời nói lạnh nhạt, chì chiết lẫn nhau của cha mẹ... chẳng khác gì là "vũ khí" hại tuổi thơ của con. Việc luôn phải đối mặt với những căng thẳng đến từ cha mẹ có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách, tâm lý và sự phát triển sau này của trẻ.
Một nghiên cứu của Viện Phát triển Con người và Sức khỏe Trẻ em Mỹ khẳng định việc bố mẹ rạn nứt tình cảm ảnh hưởng xấu đến con. Bởi nếu trẻ thường xuyên phải nhìn thấy hình ảnh bố mẹ mình không hạnh phúc sẽ ảnh hưởng cực kỳ lớn tới tâm sinh lý của chúng.
Ngay cả khi cha mẹ không tranh cãi trực tiếp trước mặt con, chúng vẫn có thể nhận ra điều gì đó "khác lạ" từ cha mẹ và dần dần trở nên sợ hãi về tương lai. Trẻ em rất nhạy cảm, ngay cả khi không biết tận gốc vấn đề, chúng vẫn có thể cảm nhận được điều gì đó không ổn. Ở tình huống này, mỗi đứa trẻ sẽ có một cách phản ứng khác nhau như gây hấn, cô lập bản thân,... Chúng sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi như đang gặp nguy hiểm trong khi mọi việc thực tế không tồi tệ đến vậy. Vì vậy, con sẽ luôn tìm cách gắn kết cha mẹ lại bằng nhiều cách như la hét, khóc lóc.
Lớp vỏ bọc của những đứa trẻ có tuổi thơ không hạnh phúc
Nếu có tuổi thơ hạnh phúc, trẻ có thể thoải mái bộc lộ con người thật và sống với đúng bản chất của chính mình. Ngược lại, trong trường hợp có tuổi thơ không trọn vẹn, tâm lý chung của trẻ là tạo vỏ bọc vô hình che dấu đi nội tại, tính cách, con người thật của chúng. Một số dấu hiệu có thể nhận biết trẻ có tuổi thơ bất hạnh và trải qua nhiều biến cố là vẻ ngoài lạnh lùng, kiệm lợi, ít biểu lộ cảm xúc và không có thói quen chia sẻ với những người xung quanh.
Tuy nhiên, đằng sau vỏ bọc đó là tâm hồn mong manh, dễ tổn thương và thường trực những nỗi sợ vô hình. Vỏ bọc bên ngoài khiến cho trẻ khó có những mối quan hệ thân thiết và những người xung quanh cũng không thể hiểu được tâm lý của trẻ.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, là cái nuôi dưỡng và giáo dục ra những con người có ích cho xã hội. Vậy nên, mỗi bậc làm cha làm mẹ nên cố gắng xây dựng cho chính mình một gia đình hạnh phúc để con trẻ có môi trường được giáo dục và phát triển toàn diện nhất. Với tư cách là bậc làm cha mẹ, hãy yêu thương, tôn trọng con cái. Ngay cả khi không hạnh phúc, hãy cố gắng trở thành những phụ huynh đúng nghĩa.
Dẫu biết rằng, cảnh "cơm không lành, canh không ngọt" trong mỗi gia đình là điều khó lòng tránh khỏi. Những mâu thuẫn này có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau nhưng bố mẹ hãy biết điểm dừng, kiềm chế cảm xúc của bản thân để luôn giữ được sự ấm áp của gia đình. Song cũng đứng cố gắng vun vén vì hạnh phúc của con, để rồi chúng nhận ra ra cha mẹ mình đang... không hạnh phúc. Một gia đình hạnh phúc không chỉ là có đủ người mà là sự tôn trọng, yêu thương từ tâm.