*Bài viết có tiết lộ một số chi tiết chính của bộ phim. Cân nhắc khi đọc!
Trong bộ phim Mai đang lập kỉ lục ngoài rạp có rất nhiều vấn đề được đưa ra, bên cạnh câu chuyện tình yêu của 2 nhân vật chính Mai và Dương. Một trong những nhân vật đời nhất, đáng bàn nhất và tạo nhiều tranh cãi nhất là vai bà mẹ của Dương.
Từ người chị vui tính, đáng yêu và cực kì thú vị của Mai, người xem đều phải bất ngờ khi biết đây không phải nhân vật “góp vui” cho phim khi bà xuất hiện trong vai trò khác - mẹ của Dương. Hai hình ảnh đối lập hoàn toàn giữa nửa đầu và cuối phim cũng đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công cho nhân vật này.
Ngăn cản tình yêu của con: Mẹ biết mình vô lý nhưng không cần có lý nữa!
Phu nhân nhà giàu phản đối cô gái Lọ Lem là mô típ đã quen thuộc trong phim Việt, phim Hàn, phim Đài Loan, phim mọi nơi. Nhưng trong Mai thì khác, phu nhân nhà giàu ở đây lại hoàn toàn không chỉ là nhân vật phản diện “chia lan rẽ thúy” thông thường.
Trước đó, bà là một người bạn thân rất tốt của Mai, thậm chí còn nhiệt tình giúp đỡ gia đình cô. Tình chị em của Mai và mẹ Dương dường như là một trong những may mắn duy nhất mà cô gái bất hạnh có được giữa thành phố xô bồ.
Nhưng đời không như là mơ, và phim thì phải bất ngờ. Sau cuộc ra mắt lần đầu tại nhà Dương, phu nhân trở thành một con người khác. Bà chính là người đã khích lệ Mai hãy theo đuổi tình yêu, nhưng yêu con trai bà thì lại không được.
Nếu khoác lên bà mẹ này hình ảnh kinh điển của mấy phu nhân độc ác hay hất nước vô mặt gái nghèo hoặc ném cho sấp tiền bắt chia tay, thì, chúng ta hoàn toàn có thể lý giải hoặc thậm chí thông cảm được vì sao bà có hành động cực đoan đấy. Hiểu được cả chuyện vì sao bà biết Mai là người tốt nhưng vẫn không thể chấp nhận.
Khi đứng ở vị trí người chị thân thiết ngoài xã hội, những lời khuyên “hãy yêu đi, đời ngắn lắm” của mẹ Dương vô cùng hợp lý.
Khi đứng ở vị trí một người mẹ có tiền, bà không đồng ý mối tình của Mai và Dương.
Đừng đem luân thường đạo lý gì to tát ra để nói. Phân tích từ tâm lý của một người mẹ đi: Có mẹ nào muốn con yêu và cưới một cô gái có quá khứ đen tối, ba cô ta thậm chí còn là 1 con bạc? Cô ta còn có con riêng. Có khi nào mẹ lại vui khi vợ con trai lớn hơn con bà đến 7 tuổi?
Lúc này, sự lo lắng, tình yêu thương và mong muốn con có một tương lai tốt đẹp vượt trên tất cả. Bà sẵn sàng "chà đạp" mối quan hệ xã hội để "cứu lấy" tương lai đứa con mà bà vẫn cho là có lớn mà không có khôn.
Người ta thường nói kẻ hay nói đạo lý thường sống không ra sao, và mẹ Dương là một ví dụ. Nhưng đâu có ai là thánh thần để sống đúng với đạo lý mình nói ra hay tôn sùng 100%. Con người sống theo cảm xúc là chính!
Những điều người mẹ làm và nói ra trong bất cứ cuộc xung đột nào, nếu không vì con mình, thì không thể vì một ai khác cả. Có khi, đến bản thân cũng chẳng màng tới.
Ví như chuyện bà tự lừa dối mình, lừa dối Mai rằng bà nghĩ hai đứa không hợp vì con trai bà sẽ không thể là chỗ dựa vững chắc cho cô. Nhưng thực tế sâu trong lòng, tất cả những gì bà nghĩ và hướng đến là vì con mình. Bà sợ Mai không thể đem tới hạnh phúc cho Dương. Tất cả đều là vì tương lai của con chị.
Và hãy thử nghĩ xa một chút, trần trụi hơn một chút!
Khi năm năm dài tháng rộng qua đi, tình yêu không còn bừng cháy rực rỡ như thuở ban đầu. Những mối lo cơm áo gạo tiền, đèo bòng, con anh con tôi xuất hiện, chúng đều là những thử thách quá lớn mà Dương - một chàng công tử bột vẫn còn chưa quá trưởng thành có thể đối diện.
Mẹ Dương lo rằng con mình sẽ không thể có một mái ấm trọn vẹn nếu trong tay chỉ có tình yêu. Có ai sống được mà không cần tiền?
Thế là vì thương con, vì lo cho con, bà mẹ biến thành kẻ ác. Bà biến thành kẻ ác một cách có ý thức, biết mình vô lý nhưng không cần hợp lý nữa, vì tất cả đều không quan trọng bằng đứa con duy nhất bà đã hy sinh toàn bộ thanh xuân và cuộc đời để nuôi dạy.
Càng ra sức bảo vệ càng gây tổn thương là thứ nỗi đau gì?
Nhiều người trong chúng ta có thể thấy đâu đó hình ảnh mẹ của chính mình trong mẹ Dương: yêu và lo cho con một cách vô lý, bảo bọc cưng chiều con thái quá, không muốn con bay đi khỏi vòng tay mình, sẵn sàng hy sinh hết tuổi thanh xuân vì con, nhất là trong hoàn cảnh éo le mẹ đơn thân.
Mẹ Dương cũng như Mai, cũng muốn yêu, cũng muốn có hạnh phúc của cá nhân mình. Nhưng bà đã tự từ chối mọi cơ hội vì một lí do duy nhất: nghĩ rằng như vậy là tốt cho con, mình nên hy sinh vì con. Thế nên khi chính đứa con đấy hét lại vào mặt rằng: “Con đâu cần mẹ hy sinh cho con. Con luôn muốn mẹ hạnh phúc”, mọi bức tường thành đau đớn và ảo tưởng mình đã đúng của bà sụp đổ. Sự hy sinh của bà mà bà nghĩ là tuyệt vời, là cao thượng, là tốt đẹp hóa ra lại không phải điều con cần.
Tình yêu của mẹ quá nhiều, nhưng đã chọn sai cách để bày tỏ, nên con không cảm nhận được và thậm chí bị tổn thương bởi chính tình yêu đó. Thế là chúng ta rất yêu nhau, nhưng lại làm tổn thương nhau.
Mẹ Dương đã không thể làm như Mai, để con tự sống cuộc đời mình vì nhiều nguyên nhân. Đó phần nhiều là do khoảng cách thế hệ, tư tưởng khác biệt trong mỗi thời đại. Tình yêu nói chung và tình yêu của mẹ bao giờ, thời nào thì cũng vậy, cũng giống nhau. Nhưng ngôn ngữ tình yêu thì có hàng triệu cách để thể hiện, đáng tiếc là không phải cách nào cũng đúng.
Có lẽ rất nhiều đứa con cũng muốn được hét lên giống Dương, rằng mẹ ơi, xin đừng hy sinh tuổi xuân vì con. Đừng coi hạnh phúc của con là hạnh phúc của mình. Vì con cũng giống hệt như mẹ, mong mẹ hạnh phúc, hạnh phúc riêng mình.