Đó cũng là tên của buổi Hội thảo do Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN tổ chức ngày 22/2 tại Hà Nội. Theo ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN, vì muốn tăng thời gian bảo quản, tạo vẻ ngoài hấp dẫn cho thực phẩm chế biến sẵn (gà rán, mì ăn liền, khoai tây chiên, snack...) mà nhiều nhà sản xuất đã "rộng tay" sử dụng dầu ăn bị Hydro hóa ở nhiệt độ cao khiến sản sinh ra chất béo có hại Trans fat.

Chất béo này được coi là loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại, làm tăng mức cholestreol xấu trong máu dẫn đến nguy cơ bị các bệnh tim mạch. Theo nghiên cứu của Ngành Y tế Công cộng, Trường ĐH Harvard (Mỹ), Trans fat đã gây ra từ 72.000 đến 228.000 ca bệnh nhồi máu cơ tim và khoảng từ 30.000 đến 100.000 người chết vì nhồi máu cơ tim mỗi năm.
 
 
Theo nhận định của TS Nguyễn Thị Bạch Yến, Phó Viện trưởng viện Tim Mạch (BV Bạch Mai), nếu Trans fat xâm nhập vào cơ thể sẽ gây đông đặc máu và tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, dần dần khiến máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn, dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Chỉ cần tăng 2% năng lượng từ Trans fat sẽ dẫn tới tăng 23% nguy cơ mắc bệnh mạch vành; tăng 1,47% nguy cơ đột tử và 1,39 lần nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Trans fat còn gây khởi phát quá trình viêm và suy giảm chức năng tế bào nội mạc.

Về khía cạnh dinh dưỡng, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng không nên lạm dụng các đồ ăn sẵn, đặc biệt những loại bị chiên đi chiên lại nhiều lần ở nhiệt độ cao.

Dù mức độ độc hại của Trans fat là như vậy nhưng theo ông Đỗ Gia Phan, hiện vẫn chưa có quy định về kiểm soát hàm lượng Trans fat trong quá trình chế biến thực phẩm và cũng chưa có bất cứ doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm nào bị buộc phải công bố hàm lượng, thành phần Trans fat trên nhãn hàng hóa.