Chạy trốn số phận

Trên chuyến xe khách từ Hà Giang về Hà Nội, tình cờ tôi ngồi cạnh một cô giáo người Kinh đang dạy học tại trường cấp III của huyện Mèo Vạc, một huyện nghèo nhất nhì tỉnh Hà Giang. Nhìn vẻ ngoài già dặn và ưu tư của cô, tôi không nghĩ được rằng người phụ nữ này mới chỉ 27 tuổi. Chỉ sau vài câu làm quen, chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết, những câu chuyện ẩn sâu trong lòng cô gái ấy tuôn trào ra.

Nguyễn Hồng V., sinh ra và lớn lên ở vùng đất ven biển Nam Định nên từ nhỏ, nước da V. ngăm ngăm đen, bàn tay thì thô ráp vì làm muối. Giọng nói nặng của dân miền biển cùng với mái tóc luôn cắt ngắn khiến V. không có chút nữ tính của một cô gái ngoài cái tên bố mẹ đặt cho.

Sau 4 năm học tại đại học Sư phạm II Vĩnh Phúc, gia đình xin cho cô về dạy ở một trường cấp III ở tỉnh. Bố mẹ V. ai cũng kỳ vọng cô con gái đầu lòng sớm ổn định công việc và xây dựng cho mình một gia đình hạnh phúc, làm tấm gương cho các em noi theo. Suốt những năm học đại học, không biết bao nhiêu lần mọi người giục giã V. dẫn người yêu về để ra mắt gia đình, cô luôn khất lần với lý do còn bận học không có thời gian để tìm hiểu. Nhưng khi công việc ổn định rồi, cô không thể tìm được lý do để bao biện nữa.

Tự sự về những cuộc tình đồng giới của cô giáo bản 1
Ảnh chỉ có tính minh họa.

Áp lực thực sự đến với V. khi cô em gái thứ hai lấy chồng. Mọi người đến dự đám cưới ai cũng nhìn cô, thậm chí bố mẹ bắt đầu thấy xấu hổ về cô. Mọi người cố gắng tìm mọi cách để mai mối cho V. Hầu hết người được giới thiệu đều là những đàn ông có công ăn việc làm tốt, gia đình cơ bản. Để che mắt mọi người, V. vẫn gặp gỡ họ.

Cô kể: "Họ hẹn mình đi ăn, đi uống nước. Nhưng thực sự, gặp họ, mình không có chút cảm giác gì. Thậm chí, có lần mình lại có tình cảm với chính… cô gái làm mai mối".

Không chịu nổi áp lực từ phía gia đình nên khi ngành giáo dục có chương trình đưa giáo viên miền xuôi lên phát triển giáo dục miền núi, năm 2010, V. đã đăng ký đi trước sự ngỡ ngàng và ngăn cản của gia đình và bạn bè.

Mối tình đầu với bạn cùng phòng

V. kể: "Từ những năm cấp III, mình đã có cảm tình với đứa bạn gần nhà hay đi học cùng, nhưng mình chỉ nghĩ là hay chơi với nhau nên mình mới quý nó nhiều hơn những đứa con gái khác. Mình giấu những cảm xúc đấy trong lòng cho đến khi học đại học. Gia đình ở xa nên mình được xếp ở trong kí túc xá cùng với 7 bạn nữ khác. Con gái ở chung với nhau nên vô tư và thoải mái, có những khi thay quần áo trước mặt nhau, thậm chí còn tắm chung với nhau. Không hiểu sao mình luôn tò mò lén nhìn họ những lúc đấy, trong người cảm thấy rạo rực, thèm muốn".

Dần dần V. có cảm tình với U., học kém cô một khoá. U. quê ở Tuyên Quang, xinh đẹp, da trắng, tóc dài. Mỗi lần U. thay quần áo, V. không thể rời mắt khỏi cô bạn. Những lần U. được các bạn trai mời đi chơi, V. đều tìm lý do đi theo để ngăn cản.

"Trước khi ra trường mình đã nói thật tình cảm với U.. Và cho đến bây giờ mình vẫn ước rằng, giá như mình đừng nói thì có lẽ bây giờ thỉnh thoảng vẫn được gặp lại nhau. Lúc mình tỏ tình, U. sốc thực sự. Rồi U. tỏ vẻ căm hận mình vì có những lần mình cố tình tắm chung, đòi ngủ cùng với U.. Phải mất rất nhiều thời gian mình mới có thể quên được cô ấy".

Chia tay vì không ai chịu làm vợ

Tôi tò mò hỏi: "V. là một nữ đồng tính, khi về một miền quê mà người dân chưa, thậm chí không hiểu thế nào về khái niệm đồng tính, chị có sợ bị lộ ra không?". "Ban đầu mình rất ngại, không dám tiếp xúc với mọi người vì sợ ảnh hưởng đến việc đứng lớp. Nhưng rồi mình cũng vượt qua nỗi sợ hãi, tự tin là chính mình, cố gắng giảng dạy thật tốt, mặc dù gần đây, cũng có người nói ra nói vào".

"Ở trên này, mình cảm thấy rất cô đơn, nhiều lúc muốn tìm một người để quan tâm, chăm sóc. Nhưng ở đây, đồng tính là một chuyện quá lạ, mình thậm chí không dám hy vọng tìm cho mình một người yêu thương theo đúng nghĩa. Vì thế, mình phải tìm bạn ở dưới xuôi".

Cách đây 2 năm, qua mạng xã hội, V. kết bạn với L. sinh năm 1990 đang học đại học ở Hà Nội, hai người chia sẻ với nhau giới tính thật của mình và đồng ý trở thành người yêu của nhau. Hàng tuần, V. thường bắt xe về Hà Nội để gặp "người yêu", cũng có khi L. lên chơi với V., nhưng mọi người ở đấy không ai để ý gì, vì tưởng họ là hai chị em.

"Đấy là lần đầu tiên mình nhận được tình cảm cả từ hai phía. Bọn mình yêu nhau được 6 tháng thì chia tay, lý do chia tay hết sức đơn giản, chỉ vì người ta vẫn còn lưu luyến với mối tình đầu là một bạn nữ khác. Bọn mình không cảm thấy sự đồng cảm trong cuộc sống, hơn nữa, bạn ấy suốt ngày hút thuốc, uống rượu để ra vẻ đàn ông".

V. kể, sau lần đó, cô lao vào cuộc tình tiếp theo nhưng rồi cũng chia tay bởi lý do, cô cắt tóc ngắn, mặc đồ con trai, còn người kia của V. lại thích cô nuôi tóc dài và mặc đồ con gái. "Người ấy bảo không thích người yêu có phong cách con trai, không muốn khi đi cùng mọi người bảo mình đàn ông hơn vì người ấy muốn làm chồng còn mình phải làm vợ".

Ba cuộc tình qua đi khiến cô không thể tìm thấy nụ cười trên gương mặt mình nữa. V. tuyệt vọng với bản thân, nhiều lúc cô đổ tại cho số cô sinh ra vào năm Dần nên thường lận đận chuyện tình duyên, cũng có lúc cô trách sao bố mẹ lại sinh cô ra không hoàn hảo, mang hình hài con gái nhưng tính cách lại là con trai. "Thế nhưng mỗi lần lên lớp, nhìn học sinh của mình còn có những hoàn cảnh đáng thương hơn mình, không được ăn mặc đầy đủ, để đến lớp phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Vì thế mình lại có động lực để sống tốt hơn khi mình đã được bố mẹ nuôi dạy và cho ăn học đầy đủ".

Tôi hỏi V.: "Sau tất cả những chuyện đã xảy ra, liệu bạn muốn từ bỏ công việc và sự cô đơn nơi miền sơn cước để xuống thành phố tìm một bạn tình tâm đầu ý hợp không?". "Mình không chọn cô đơn đâu, nhưng bây giờ chưa phải lúc mình rời khỏi đây. Các học sinh vẫn còn đang cần mình lắm", V. đáp.

Ước mơ nhỏ bé của cô giáo bản

Ngập ngừng một lát, V. bảo: "Ước mơ bây giờ của mình là có một cuộc sống ổn định, làm việc chăm chỉ để có tiền phẫu thuật chuyển giới và tìm được một người vợ để yêu thương che chở cho cô ấy". Nghe V. nói, mặc dù rất thắc mắc làm sao cô có thể kiếm được nhiều tiền ở mảnh đất nghèo khó này nhưng tôi vẫn giữ lại trong lòng vì không muốn làm mất đi niềm hy vọng trên gương mặt ưu tư, buồn rầu ấy.