Mức viện phí tăng từ 2 đến 7 lần tùy dịch vụ.
Ngày 20/1, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế cho biết liên Bộ Y tế - Tài chính vừa ban hành Thông tư liên lịch Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Theo đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm: giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ ngày giường điều trị, giá dịch vụ kỹ thuật. Trong đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh hiện bao gồm 4 yếu tố: Chi phí trực tiếp (thuốc dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; Chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ; Chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; Chi phí tiền lương. Tuy nhiên hiện nay mới tính 3 yếu tố (chưa tính phụ cấp và tiền lương).
Theo như dự kiến từ năm 2015, lần này sẽ có hơn 1.800 dịch vụ y tế được tăng giá, với mức tăng từ 2 đến 7 lần. Cụ thể như tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng 1 là 20.000 đồng/lượt, giá mới sẽ là 40.000 đồng/lượt.
Tại các bệnh viện hạng 3, hạng 4, tiền khám 7.000 đồng/lượt, giá mới sẽ là 30.000 đồng/lượt. Tiền giường nội khoa loại 1, bệnh viện hạng 1 hiện là 80.000 đồng/giường/ngày, giá mới sẽ là 215.000 đồng/giường/ngày, bệnh viện hạng 4 tăng từ 55.000 đồng/giường/ngày lên 165.000 đồng/giường/ngày. Giường hồi sức ở bệnh viện đặc biệt tăng từ 335.000 đồng/giường/ngày lên 677.000 đồng/giường/ngày Đối với giá dịch vụ rửa dạ dày tăng từ 30.000 đồng/lần lên 106.000 đồng/lần. Dịch vụ lọc màng bụng cho người suy thận tăng từ 300.000 đồng/lần lên 379.000 đồng/lần
Ngoài các chi phí thuốc, dịch truyền hóa chất, vật tư tiêu hao, điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua/thay thế dụng cụ… thì giá dịch vụ khám chữa bệnh còn bao gồm thêm chi phí phụ cấp đặc thù, chi phí tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định.
Mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù được thực hiện từ ngày 1/3/2016, còn mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù, và tiền lương được thực hiện từ ngày 1/7/2016. Các cơ sở y tế tư nhân cũng được thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương kể từ ngày 1/3/2016.
Đối với người dân chưa tham gia BHYT thì trong thời gian tới (từ ngày 1/3), chi phí dịch vụ khám chữa bệnh sẽ thấp hơn so với người bệnh có thẻ BHYT, do họ vẫn được thanh toán theo mức giá cũ (chưa bao gồm chi phí tiền lương và phụ cấp). Bộ Y tế cho rằng, nếu thực hiện tăng ngay phí khám chữa bệnh với người chưa có thẻ BHYT sẽ gây gánh nặng lớn cho họ khi ốm đau, đồng thời, cũng dành thời gian để vận động họ mua thẻ BHYT.
Dự kiến trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ban hành bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người bệnh không tham gia BHYT, ngoài các chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương còn có chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Khi đó, người dân chưa tham gia BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì phải chi trả cho các khoản cấu thành giá trước đây được nhà nước bao cấp.