Với nhiều mẹ bầu Việt, mang thai là thời kỳ cần hạn chế vận động mạnh. Nhưng với chị Nguyễn Tú Thanh (sinh năm 1988, hiện là giáo viên môn thể hình) thì tập luyện mỗi ngày, kể cả trong thời gian mang bầu là hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của chị. Hiện tại, chị Tú Thanh đang mang thai hơn 8 tháng nhưng cuộc sống trước và khi mang bầu vẫn diễn ra đều đặn với những bài tập múa cột khiến nhiều người phải kinh ngạc.
Cùng trò chuyện với chị để tìm hiểu thêm về những bí quyết giúp chị duy trì sức khỏe dẻo dai suốt thời gì bầu bí nhé.
Từ khi mang bầu, chị Tú Thanh vẫn tập luyện đều đặn hàng ngày.
- Mình đang mang thai lần đầu được hơn 8 tháng rồi. Có thể nhiều người không tin nhưng từ khi biết có bầu, mình chưa nghỉ tập ngày nào. Mình cho rằng mang thai với phụ nữ là một hiện tượng sinh lý hoàn toàn tự nhiên chứ không phải bệnh lý. Vì vậy, mọi thứ với mình đều diễn ra bình thường như với người khỏe mạnh.
Khi mới mang thai chị có gặp vấn đề gì về sức khỏe không và việc tập luyện đã ảnh hưởng thế nào?
- Thật ra mình không bị nghén, mình chỉ thấy thèm ngủ, không biết đấy có phải là nghén không nữa. Trong lúc có bầu, nhờ tập luyện nên mình vui vẻ, không thấy mệt mỏi, cười suốt ngày, cũng không tăng cân quá nhiều. Hiện tại mình đang ở tuần thứ 38 của thai kì và cân nặng chỉ tăng 8kg. Cũng có thể nhờ tập luyện nên mình không bị phù chân tay, sưng mặt mũi giống như một số bà bầu mắc phải.
Việc tập luyện đều đặn giúp cả mẹ và bé khỏe mạnh, vui tươi.
Kế hoạch tập luyện trong thời gian mang thai của chị diễn ra như thế nào?
- Mình đi dạy đến hết tuần 38 của thai kỳ, còn tập thì mình xác định tập cho đến lúc đi đẻ thì thôi và tập theo đúng khả năng sức khỏe của bản thân. (cười lớn)
Mỗi ngày mình tập ít nhất là 1 tiếng liên tục, nhiều nhất là 5 tiếng liên tục, tập 6 ngày/ tuần và cho cơ thể 1 ngày nghỉ. Mình tập xen kẽ các môn: cardio (nhảy, đạp xe, chạy. Mình vẫn chạy cho đến hết giữa tháng thứ 5 của thai kì...), cơ (với tạ và không tạ), múa cột (môn này cần dẻo dai và cơ khoẻ). Riêng yoga, stretching, balance mình tập hàng ngày.
Ngoài việc tập luyện, chị có thể bật mí thêm về chế độ dinh dưỡng giúp bé khỏe mạnh còn mẹ thì tăng ít cân?
- Về dinh dưỡng mình ăn theo đúng 3 quá trình phát triển của thai nhi:
3 tháng đầu, mình chỉ bổ sung vitamin, chứ không tăng thêm năng lượng.
3 tháng sau, mỗi ngày mình ăn thêm 1 cốc sữa chua (100cal), 1 lát phô mai (100cal), vitamin, vì thời gian này em bé phát triển cần canxi, bổ sung tầm 200cal/ngày.
3 tháng cuối, mình duy trì như 3 tháng giữa nhưng thêm 1 cốc nước cam không đường, 1 lát bánh mì (100cal), 1 cốc sữa tươi không đường (bổ sung từ tuần thứ 37). 3 tháng này em bé phát triển da và mỡ dưới da, tăng cân nhiều nhất, nên cần bổ sung 300cal-350cal/ngày.
Việc mang bầu gây khó khăn gì cho việc tập luyện của chị?
- Mình thấy khó khăn nhất là múa cột, vì môn này nguy hiểm, mà bụng to không được tỳ vào cột, cũng không gập bụng được như bình thường, không nằm sấp được. Còn các môn khác mình thấy hầu như không có khó khăn gì hết.
Mình rất mong chờ sự ra đời của em bé đầu lòng. Nhờ tập luyện mà con luôn khỏe mạnh và mẹ thì luôn vui tươi, gia đình cũng vì thế mà luôn hạnh phúc. Mình mong muốn có nhiều phụ nữ hơn hiểu đúng về việc tập luyện trong thời gian mang thai để duy trì sức khỏe thật tốt cho cả mẹ và bé.
Chị không bỏ qua những bộ môn khó và vận động mạnh như chạy, múa cột.
Chị có thể đưa ra một vài lời khuyên về chế độ tập luyện an toàn cho các mẹ bầu trong thai kì?
- Trước hết để tập luyện an toàn, các bà bầu cần phải đi khám xem thai kỳ của mình có khỏe mạnh không. Nếu khỏe mạnh, các bà bầu có thể tập luyện. Tập luyện chia làm 2 loại: dành cho người mới bắt đầu, và dành cho người có thể lực tốt với kinh nghiệm lâu.
Với mẹ bầu mới tập luyện: Tuyệt đối không tập như mình. 3 tháng đầu đảm bảo không bị ngã, và tập các lớp cơ để tăng độ vững chắc cho cơ thể giúp lúc thai to ra không bị nặng nề, xồ xề. Nên tập các bài stretching, mở hông, để giúp quá trình sinh nở dễ dàng hơn. Đạp xe nhẹ nhàng, chú ý không để cơ thể tăng nhiệt quá cao, mất nước. 3 tháng giữa an toàn nhất, tiếp tục các bài tập trước và có thể tập nhảy. Cần tránh các động tác nằm sấp. 3 tháng sau khi bụng đã khá to, nên bà bầu không nên chạy nữa và tránh các động tác ngửa lưng quá sâu, vặn xoắn cơ thể.
Với những người đã có kinh nghiệm và thể lực tốt: họ chỉ cần lắng nghe cơ thể của mình và dừng lại đúng lúc. Ví dụ như mình, múa cột là môn không dành cho người có bầu, nhưng đến bây giờ mình vẫn tập, vì mình biết mình có thể khống chế được cơ thể mình, mình đã quen với nó. Kể cả môn võ mình vẫn tập nhưng đúng sức của mình và dừng lại khi cần.
Có 1 luật dành cho mẹ bầu: "Nếu thấy trong lúc tập mình không thể nói chuyện và thở được bình thường, đó chính là dấu hiệu cần dừng lại. Nếu thấy hoa mắt, chóng mặt, đó cũng là dấu hiệu đã đến lúc dừng lại".
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện bổ ích. Chúc chị và em bé luôn có sức khỏe thật tốt!