Nếu xem The Glory thì các bạn sẽ hiểu ký ức tuổi thơ ảnh hưởng đến tâm lý con người thế nào.

01

The Glory (Vinh Quang Trong Thù Hận) không nghi ngờ là tựa phim đang được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Những thước phim xoay quanh hành trình báo thù của nữ chính Moon Dong Eun (Song Hye Kyo) với nhóm bạn cũ trong trường trung học. Cũng chính bởi hồi ức bi thương này, Moon Dong Eun trưởng thành coi báo thù là lẽ sống, không tiếc dành 10 năm thanh xuân để lên kế hoạch trả thù từng kẻ đã bắt nạt cô.

Trong The Glory, phân cảnh đắt giá (và gây tranh cãi) bậc nhất nằm ngay ở tập 1, khi nhóm người do Park Yeon Jin cầm đầu lấy việc đánh đập, hành hạ Moon Dong Eun để mua vui. Không dừng lại ở việc hành hung bạn bằng tay, chúng còn dùng máy ép tóc để là vào khắp cơ thể của Dong Eun. Suy nghĩ của những đứa trẻ nhà giàu này lệch lạc đến mức, chúng lấy lý do hành hạ bạn mình chỉ để… thử máy cho phù hợp với nhiệt độ làm tóc.

Sau khi lên sóng, phân cảnh này đã khiến người xem bị sốc trước thực trạng tàn khốc của bạo lực học đường. Trên trang mạng Naver (Hàn Quốc), một người mẹ tâm sự đã bật khóc khi chứng kiến khoảnh khắc Moon Dong Eun bị bạn hành hạ: “Nếu con gái tôi cũng trải qua hoàn cảnh đó, làm thế nào để nó có thể trưởng thành một cách bình thường đây?”.

Đây quả thật là một câu hỏi khó tìm lời giải đáp. Thậm chí ngay cả các chuyên gia hàng đầu cũng chưa chắc đưa ra lời đảm bảo có thể giúp đứa trẻ từng chịu ám ảnh tâm lý trở về cuộc sống bình thường, trước khi sự kiện đau buồn diễn ra.

02

Một người xem của The Glory đã bình luận: "Thật sự kinh khủng nếu cảnh bạo lực học đường đó xảy ra trong đời thực".

Thế nhưng đáng buồn là, những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh giống như Moon Dong Eun không phải là số ít. Những nạn nhân thừa nhận có 7749 lý do có thể đẩy họ đến bờ vực bị bạn bè bắt nạt:

- Tôi học hành không tốt, điểm rất kém.

- Tôi mập.

- Tôi không để ý chuyện ăn mặc bên ngoài nên trông rất luộm thuộm.

- Tôi nhạy cảm, dễ xúc động. Có lẽ vì điều này khiến tôi trở nên ‘khác biệt’ trong mắt họ?...

The Glory: Bức tranh chân thực về bạo lực học đường và góc khuất tâm lý của những đứa trẻ bị tuổi thơ bỏ rơi - Ảnh 1.

Sau khi The Glory được lên sóng, nhiều nhà phê bình không khỏi giật mình: Tại sao một bộ phim tâm lý mang sắc màu u ám, thậm chí có thể khiến người xem ám ảnh với những phân cảnh bạo lực học đường tàn nhẫn lại có thể lôi cuốn khán giả đến vậy?

Tuy nhiên càng theo dõi The Glory ta mới nhận ra, bộ phim đã đánh trúng tâm lý của một bộ phận người xem, đó là nạn nhân của vấn nạn bạo lực học đường. Bởi lẽ chẳng phải ai trong họ cũng từng mong ước được "ăn miếng trả miếng" với những kẻ từng xé sách, cắt tóc, coi mình như “trò đùa” trong những ngày đi học đó sao? 

Sự trả thù những kẻ từng bắt nạt, suy cho cùng cũng chỉ là hình thức Moon Dong Eun (và nhiều người trẻ khác) bù đắp cho những tổn thương tâm lý của bản thân trong quá khứ. Thế nhưng, sau khi đáp trả thành công những kẻ bạo lực học đường, liệu mọi vấn đề của nạn nhân đã được giải quyết hết? Họ có thể nhận được cái kết "happy - ending" và vô tư sống thoải mái mà chẳng cần lo nghĩ gì?

The Glory: Bức tranh chân thực về bạo lực học đường và góc khuất tâm lý của những đứa trẻ bị tuổi thơ bỏ rơi - Ảnh 2.

Câu trả lời chắc chắn là không. Bởi lẽ hơn cả nỗi đau về thể xác, nhiều nạn nhân còn mang theo bên mình hàng loạt ám ảnh tâm lý không tên, ảnh hưởng đến cái nhìn đúng đắn của họ về cuộc sống và tình yêu thương của thế giới xung quanh. 

- Tôi từng bị chê học dốt nên luôn phải nỗ lực để khẳng định bản thân.

- Tôi từng bị trêu vì mập nên suốt ngày tự bodyshaming ngoại hình. Cứ béo một chút là không chịu được.

- Tôi từng bị chê luộm thuộm nên luôn để ý quần áo khi ra ngoài.

- Tôi không dám bộc lộ cảm xúc quá nhiều vì từng bị nói quá nhạy cảm…

Trên nền tảng Zhihu (trang web của Trung Quốc), một cô gái 25 tuổi cũng từng tâm sự về câu chuyện của bản thân: "Tuổi thơ của tôi không hạnh phúc. Tôi bị bạn bè cô lập sau khi chuyển đến trường mới. Họ muốn thấy tôi khóc, thấy tôi tự ti vì không giống họ. Và họ đã làm được rồi đấy.

Thời gian qua đi, tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ tốt lên khi tôi trưởng thành. Nhưng nó không như vậy. Những lời nói trêu đùa của họ vẫn 'ôm' lấy tôi. Giờ tôi đã kiếm được tiền, rời xa vùng quê đó và thành công hơn nhiều người trong số họ. Song đôi khi nhìn lại cuộc đời mình, tôi thấy bản thân cũng chẳng mấy vui vẻ".

Quay lại với The Glory, cuộc đời bi thương Moon Dong Eun dường như cũng đại diện cho quá trình trưởng thành của những đứa trẻ đáng thương. Dẫu sau này Moon Dong Eun có báo thù thành công, đạt thành công xuất sắc thế nào thì không thể phủ nhận cô nàng từng phải “vật lộn" rất nhiều mới thoát khỏi bóng ma của tuổi thơ.

Mất 18 năm dài để quay trở lại đối mặt với những kẻ đã tàn nhẫn giẫm đạp lên số phận mình, Moon Dong Eun không chỉ luôn mang trong mình thù hận, tệ hơn là cô gái ấy còn luôn muốn lảng tránh với tình yêu, với bất kỳ sự mềm yếu nào. Moon Dong Eun thừa nhận đầy xót xa: "Tôi chỉ cần một người đàn ông là đao phủ cùng nhảy múa với tôi".

03

Trên mạng xã hội Trung Quốc từng lan truyền một câu nói: "Đứa trẻ hạnh phúc sẽ dùng tuổi thơ để chữa lành mọi vết thương trong đời. Đứa trẻ bất hạnh sẽ dùng cả đời để hàn gắn những tổn thương của thời ấu thơ".

Nhận định này được rất nhiều người đồng tình. Phần lớn trong số họ là những người trưởng thành. Họ thừa nhận bản thân có tuổi thơ bất hạnh. Khi nhìn lại quá khứ, họ chỉ nhìn thấy những mảng màu u tối - nơi họ bị xúc phạm, không được tôn trọng hay không được đón nhận tình yêu thương đúng cách.

The Glory: Bức tranh chân thực về bạo lực học đường và góc khuất tâm lý của những đứa trẻ bị tuổi thơ bỏ rơi - Ảnh 3.

Người có thể khiến một đứa trẻ sau khi trưởng thành vẫn đau khổ, mắc kẹt sâu trong bóng tối của tuổi thơ không chỉ là những kẻ bạo lực học đường. Đó có thể là người thân yêu nhất với chúng, chẳng hạn như bố mẹ, anh chị em hay người bạn học dễ thương bàn bên.

Trong nhiều trường hợp, họ có thể vô tình hay cố ý động tay động chân, nói lời lẽ xúc phạm với đứa trẻ. Thế nhưng, cần hiểu rằng tổn thương tích lũy qua thời gian có thể hình thành chấn thương tâm lý, đi theo trẻ suốt thời gian dài.

Tôi có một người bạn, hồi còn nhỏ thường xuyên bị cha mẹ nhốt một mình trong nhà. Bố mẹ vì bận rộn công việc nên bỏ bê cậu. Từ đó, cậu nảy sinh tâm lý chán chường, tự ti với những đứa trẻ cùng tuổi được bố mẹ yêu thương. Ngày qua ngày, tuổi thơ của cậu trôi qua với tâm trạng bi quan, sợ hãi bị bỏ rơi.

Sau này khi đã trưởng thành, cậu đủ nhận thức để hiểu rằng dù bản thân có tệ đến đâu, cũng sẽ không ai dễ dàng "vứt bỏ" cậu. Thế nhưng, bóng ma tâm lý đã đi theo cậu quá lâu, ăn sâu vào trong nhận thức của cậu về thế giới. Một mặt cậu ta luôn cố gắng thể hiện bản thân để được những người xung quanh đón nhận. Mặt khác cậu ấy vẫn luôn sống trong nỗi tự ti, ngại giao tiếp xã hội và ngày càng hướng nội.

Và khi càng đi xa, gặp được nhiều người hơn, tôi nhận ra trường hợp của bạn mình không phải thiểu số. Rất nhiều người trong chúng ta vẫn đang "đau đầu" chiến đấu với những hồi ức của quá khứ mà không thể gạt bỏ chúng ra trong một sớm một chiều. 

The Glory: Bức tranh chân thực về bạo lực học đường và góc khuất tâm lý của những đứa trẻ bị tuổi thơ bỏ rơi - Ảnh 4.

Dĩ nhiên, cuộc sống luôn là một đường thẳng. Bạn chỉ có thể kỳ vọng thay đổi tương lai, chứ chẳng thể bù đắp lại những tổn thương của quá khứ. 

Không có một công thức chung hoàn hảo nào để những đứa trẻ bị quá khứ bỏ rơi có thể chữa lành tổn thương tâm lý. Nhưng thời gian của tuổi trẻ là hữu hạn, nếu có thể hãy cho phép mình quên đi những trải nghiệm tiêu cực mà tập trung vào cuộc sống hiện tại, vào những con người vẫn đang chờ đợi được bạn yêu thương và dành quan tâm đến bạn.

Hãy dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Học cách mạnh mẽ mà đối diện những đoạn ký ức từng khiến bạn gục ngã. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành phiên bản tốt hơn. Tất nhiên, lời khuyên dẫu sao cũng chỉ là lời khuyên, mỗi người đều là cá thể riêng biệt và có câu chuyện khác nhau. Tôi chỉ hy vọng các thiếu niên có thể bước ra được bóng tối, tìm lại thấy niềm vui và những con người xứng đáng được bạn trao yêu thương.