Ly hôn văn minh - 1 vấn đề khá được đề cao trong xã hội hiện đại. Không còn những đay nghiến, trách móc, trả thù hay làm khó nhau đủ kiểu. Ly hôn chỉ đơn giản là kết thúc mối quan hệ vợ chồng 1 cách tử tế nhất.
Ca sĩ Bằng Kiều vốn là cái tên được nhắc khá nhiều trong chủ đề ly hôn văn minh. Không phải vì anh và vợ cũ ở bên Mỹ - tư tưởng có phần thông thoáng hơn mà cơ bản là những gì họ đối xử, dành cho nhau sau khi ly hôn. Nó cho chúng ta 1 góc nhìn mới. Hóa ra sự tử tế không chỉ là chấm dứt hôn nhân nhẹ nhàng nhất mà là học cách làm bạn với nhau 1 cách văn minh nhất.
Mới đây, khi xuất hiện trong một video trên kênh Youtube của ca sĩ Cam Thơ, Trizzie Phương Trinh - vợ cũ Bằng Kiều đã có những chia sẻ đầu tiên liên quan tới nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân giữa hai người tan vỡ.
Những nhỏ nhặt tích tụ có thể trở thành khủng hoảng hôn nhân
Đôi khi, mọi thứ không đơn giản là "cứ hỏng thì sửa". Người ta bảo điều đáng tiếc nhất trong 1 cuộc ly hôn là không có người thứ 3 chen ngang nhưng cái kết vẫn tan vỡ.
Song bản chất của hôn nhân là trạng thái động chứ không tĩnh. Cái động ấy nó diễn ra và theo chúng ta trong từng sinh hoạt hàng ngày mà có khi dùng hơn nửa đời người cũng chẳng đủ hiểu nhau.
Trizzie Phương Trinh chia sẻ rằng: "Tôi và Bằng Kiều đều thấy quyết định ly dị là đúng. Bằng Kiều cũng từng trả lời phỏng vấn rằng, tôi là một người mẹ tốt nhưng không phải người vợ vui. Bằng Kiều dùng chữ 'vui' có nghĩa là không thú vị".
Vợ cũ Bằng Kiều nói thêm: "Nói chung là cả hai không thấy vui khi ở với nhau. Bởi lẽ, không có hợp cũng như thú vui chung cũng chẳng có. Bằng Kiều suốt ngày ngồi ngắm cá, còn tôi thấy cá nó chán ơi là chán. Cá có gì đâu mà ngắm. Bằng Kiều có thể ngồi ngắm cá cả ngày luôn không chán. Bằng Kiều thích những gì già trước tuổi như chăm cây bonsai, hút thuốc lào, ngồi suốt ngày xem vườn, xem cá bơi qua lại. Đó là lý do vì sao người ta gọi ông ấy là Kiều 'già'".
"Chia tay vì không hợp - Không hợp sao còn yêu và cưới?" - Đó là cặp câu được người ta sử dụng nhiều nhất trong các vụ "bóc phốt" trên MXH. Bởi có quá nhiều tầng ý nghĩa sau từ "không hợp". Và lý do không hợp ấy chỉ được chấp nhận khi nó đúng là nghĩa đen.
Kể cả đàn ông hay phụ nữ, dù yêu nhau 9, 10 năm mới đi đến quyết định kết hôn nhưng bước vào cuộc sống hôn nhân lại là 1 "thế giới" khác. Chúng ta chỉ thực sự khám phá hết con người nhau khi chung sống, khi có những vấn đề ngoài môi trường tác động, khi trải qua sự thay đổi tâm sinh lý theo độ tuổi, giai đoạn, điều kiện, hoàn cảnh. Đương nhiên nó cần khoảng thời gian nhất định để người ta "vỡ vạc" ra sự thật ấy.
Trở lại câu chuyện của Trizzie Phương Trinh, dù chị hơn tuổi chồng nhưng tâm hồn lại trẻ trung, phơi phới. Trong khi đó "chàng phi công" của mình lại có sở thích như ông già. Chắc hẳn đây chỉ là 1 trong những lý do họ chia sẻ, rất có thể còn nhiều thứ nhỏ nhặt khác tích tụ lại.
"Cô ấy là một người mẹ tốt nhưng không phải người vợ vui", có lẽ sẽ nhiều bà vợ thấy chút chạnh lòng với câu nói này của ca sĩ Bằng Kiều. Rằng tôi đã hi sinh, chăm sóc gia đình như thế mà giờ anh ám chỉ tôi nhạt nhẽo... Nhưng không, phụ nữ muốn nâng cao giá trị bản thân thì hãy ngừng suy nghĩ ấu trĩ ấy lại.
Vui, thú vị, hạnh phúc, nhạt nhẽo hay cả 1 kho tính từ cảm xúc trong từ điển tiếng Việt thực chất chỉ là loại cảm giác cá nhân. Giống như việc bạn xem 1 bộ phim, bạn thấy thú vị vì đúng đề tài bạn thích nhưng người khác lại chê bởi nội dung không phải gu của người ta.
Thế nên, khi có những sở thích không thể hòa hợp cũng đừng miễn cưỡng gồng lên để làm hài lòng đối phương rồi kể công. Khi bạn cho đi những thứ người khác không cần, đó không phải hi sinh mà là sự ngu ngốc.
Ly hôn là 1 sự văn minh khi hôn nhân không còn hạnh phúc, quyết định ly hôn cũng là dấu hiệu thức tỉnh của phụ nữ
Nếu 1 cặp vợ chồng sống với nhau quá nửa đời người mới quyết định ly hôn, đừng áp đặt cho họ cái tư tưởng "sao không cố nốt đi, hãy nhớ về lý do bắt đầu". Xin thưa, nếu họ không cố thì hôn nhân không thể duy trì đến giờ phút này. Không ai hiểu bản chất vấn đề bằng chính những người trong cuộc.
Không cổ súy cho việc ly hôn nhưng khi sống chung là sự bức bối, khó chịu, mệt mỏi trong thời gian dài, hãy giải thoát cho nhau. Đừng cố ở với nhau vì con cái, không 1 đứa trẻ nào có thể lớn lên vui vẻ trong 1 gia đình mà tình cảm của bố mẹ chúng đã chết lâm sàng. Thay vào đó, hãy học cách làm bạn với nhau để sau ly hôn, con vẫn nhận được sự chăm sóc, quan tâm của cả bố mẹ.
Ly hôn thực chất là 1 sự điều chỉnh của hôn nhân, đại diện cho việc nói không với cuộc sống tồi tệ. Ly hôn là sự mưu cầu hạnh phúc, đại diện cho một loại sức mạnh, sức mạnh để đi một con đường mới, tốt đẹp hơn.
Nói vậy không có nghĩa chúng ta ly hôn bừa bãi, tùy tiện để đáp ứng cái tôi cao ngạo và sự ích kỉ cá nhân. Hãy xem xét 5 tiêu chuẩn này trước khi đưa ra quyết định:
1. Hai người có cơ sở tình cảm nào để còn có thể sửa chữa và hàn gắn (những gì đã có và cùng nhau gây dựng).
2. Nhìn lại những mối quan hệ, cuộc sống hôn nhân, sự nghiệp, phát triển bản thân của bạn sau khi kết hôn có bị gò bó, tụt hậu hay tươi sáng hơn?
3. Mức độ hài lòng của chính bạn trong cuộc sống hôn nhân. Sau khi kết hôn cảm thấy không thoải mái chỗ nào, cảm xúc này bây giờ mới xuất hiện hay đã có ở giai đoạn nào của hôn nhân? Không thoải mái thì tại sao lại muốn kết hôn?
4. Có cách nào để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột, khủng hoảng, thậm chí cả những chuyện ngoài hôn nhân và những cám dỗ gặp phải trong hôn nhân? Có phải vì những hạn chế của chính bạn không thể giải quyết được hoặc nếu bạn thông qua 1 bên hỗ trợ thứ 3 (bác sĩ tâm lý, lời khuyên gia đình, tổ chức xã hội...) bạn cũng không thể giải quyết được?
5. Cuối cùng, trong hoàn cảnh hiện tại, hai người muốn tiếp tục sống cuộc sống này hay là đều đồng lòng muốn giải thoát cho nhau?
Ở 1 phương diện tích cực hơn, hãy nghĩ: Ly hôn là biểu hiện của văn minh và tiến bộ xã hội đối với phụ nữ. Ly hôn cho phép phụ nữ tìm ra lối thoát mới. Nó cũng cho phép con cái có môi trường mới và khả năng mới. Nó còn là mưu cầu hạnh phúc cho cả đôi bên.
Hãy ly hôn 1 cách văn minh, trách nhiệm khi đó là lựa chọn cuối cùng!