Hofumil Gold Plus là sản phẩm của Công ty Rance Pharma và Hacofood. Sự việc bị phát giác sau khi Bộ Công an triệt phá một đường dây làm sữa giả quy mô lớn tại công ty này và một số doanh nghiệp liên quan.

Rance Pharma và Hacofood không hoạt động đơn lẻ. Trong suốt 4 năm, các doanh nghiệp này đã sản xuất gần 600 nhãn hiệu sữa giả, với doanh thu ước tính 500 tỷ đồng. Đối tượng nhắm đến là những người dễ tổn thương như: trẻ em sinh non, bệnh nhân sau phẫu thuật, người già và phụ nữ mang thai.

Các sản phẩm được quảng cáo rầm rộ với “thành phần quý hiếm” như: tổ yến, đông trùng hạ thảo,... nhưng kiểm nghiệm cho thấy hoàn toàn không có.

Hàm lượng dinh dưỡng thực tế dưới 70% - đủ cơ sở xác định là hàng giả theo pháp luật Việt Nam.

Từ việc BV 108 phải thu hồi sản phẩm của công ty sữa giả: Đừng để bệnh viện và bệnh nhân đều thành bị hại - Ảnh 1.

Hofumil Gold Plus được Bệnh viện 108 thu hồi.

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, những phản ánh đầu tiên xuất phát từ người nhà bệnh nhân khi họ nhận thấy hộp sữa mua tại viện “không tìm thấy trên Google”. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân vẫn mua vì tin vào bệnh viện. Sản phẩm này được bán cho bệnh nhân với giá gần một triệu đồng/hộp, không có trong danh mục bảo hiểm chi trả.

Theo đại diện Bệnh viện 108, sữa Hofumil Gold Plus được sử dụng trong Bệnh viện đã trải qua quá trình đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, cũng theo Bệnh viện 108, nếu sữa Hofumil Gold Plus được cơ quan chức năng của Nhà nước kết luận là sản phẩm giả thì Bệnh viện và người bệnh là bên bị hại của vụ việc này. 

Hàng kém chất lượng có thể lọt vào bệnh viện bằng cách nào?

Từ vụ việc này, nhìn lại công tác đấu thầu tại các bệnh viện hiện nay, có thể thấy, một sản phẩm kém chất lượng vẫn có thể trúng thầu, nếu:

- Hồ sơ kỹ thuật chỉ là hình thức;

- Nhà thầu được xét duyệt chủ yếu trên giấy tờ, không có kiểm tra thực tế năng lực;

- Không có kiểm định chất lượng lô hàng sau khi trúng thầu.

Thực tế, quy trình nhập hàng chủ yếu dựa vào số lượng, hạn sử dụng, tem nhãn, chứ chưa có hệ thống kiểm nghiệm độc lập, nhất là với các sản phẩm “ngoài danh mục BHYT” mà người bệnh tự chi trả.

Một sản phẩm chất lượng kém, hoặc sản phẩm giả lọt vào bệnh viện, sẽ gây tổn hại lớn cho cả bệnh nhân và bệnh viện.

Đối với người bệnh

- Sức khỏe bị đe dọa: Sữa dinh dưỡng vốn là yếu tố phục hồi sau mổ, sau hóa trị. Nếu thành phần dinh dưỡng không đạt, bệnh nhân có thể chậm hồi phục, thậm chí suy kiệt.

- Tổn thương tâm lý: Dùng sản phẩm giả trong bệnh viện là trải nghiệm gây hoang mang, lo lắng kéo dài.

- Thiệt hại tài chính: Người bệnh bỏ tiền triệu mua sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, dù bệnh viện là nơi cung cấp.

Đối với hệ thống y tế

- Uy tín của bệnh viện bị tổn hại.

- Niềm tin của người dân đối với quy trình mua sắm, giám sát sản phẩm y tế bị lung lay.

Trong lúc chờ kết luận của cơ quan chức năng, ngành y tế cần nhanh chóng tìm ra và khắc phục “lỗ hổng” có thể xảy ra trong hệ thống giám sát chất lượng vật tư y tế, như:

- Quy trình đấu thầu quá thiên về giấy tờ;

- Hậu kiểm gần như bị bỏ ngỏ;

- Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn lỏng lẻo;

- Thiếu phòng xét nghiệm độc lập, thiếu chế tài răn đe với hành vi gian lận.

Vụ sữa giả không chỉ là lỗi cá biệt của một doanh nghiệp hay vấn đề ở một bệnh viện. Khi người dân mất niềm tin vào sự an toàn trong chính bệnh viện thì thiệt hại không chỉ là kinh tế hay sức khỏe, mà còn là một sự mất mát về lòng tin. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại một cách nghiêm túc và quyết liệt.