Tu viện cổ, bị đồn ‘ma ám’ ở Đà Lạt đang trùng tu? - Ảnh 1.

Tu viện đang bị tháo dỡ.

Nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh cho biết, nhà nguyện này là cơ sở tu hành đầu tiên tại Việt Nam của các đan sĩ (thầy tu Kyto hữu khắc khổ) Benedict đến từ phương Tây, được hai kiến trúc sư Alexandre Leonard và Paul Veysseyre thiết kế, bắt đầu xây dựng từ cuối thập niên 1930.

Từ năm 1954, nhà nguyện được nhượng lại cho những nữ tu dòng Franciscaines. Sau 1975, các nữ tu dòng Franciscaines rời đi nơi khác, tu viện gần như bị bỏ hoang. Các khối công trình của tu viện xuống cấp, mái nhà bị thấm dột. 

Khu nội viện (nơi các đan sĩ, tu sĩ năm xưa từng sống) biến thành nhà tập thể của một số hộ trông rất nhếch nhác, có những góc là nơi tá túc của người vô gia cư. Nhiều căn phòng bị biến dạng hoặc đục đẽo cơi nới thêm…

Tu viện cổ, bị đồn ‘ma ám’ ở Đà Lạt đang trùng tu? - Ảnh 2.

Khu nội viện.

Những thập niên cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này, một số công trình của tu viện được cải tạo, cơi nới thành khách sạn Lâm Viên, sau đó được sử dụng làm Trường chuyên Lâm Đồng rồi Trường THPT Trần Phú.

Một số công trình còn lại tiếp tục bị bỏ hoang, nằm sâu bên trong rừng thông với cỏ mọc um tùm; tường rêu mốc, cửa kính vỡ phủ bụi, hành lang tối tăm đầy cỏ dại tạo cảm giác “lạnh gáy”. Thậm chí, nhiều năm qua, nơi đây lan truyền chuyện hoang đường về một cô gái trẻ mặc trang phục cô dâu tự kết liễu đời mình.

Tu viện cổ, bị đồn ‘ma ám’ ở Đà Lạt đang trùng tu? - Ảnh 3.

Tu viện nằm trong rừng.

Tu viện cổ, bị đồn ‘ma ám’ ở Đà Lạt đang trùng tu? - Ảnh 4.

Cỏ phủ mái nhà.

Tuy nhiên, chính sự hoang tàn, “ma mị” ấy lại thu hút nhiều bạn trẻ có “máu liều” đến chụp ảnh lưu niệm, thử thách sự can đảm của mình. Riêng các kiến trúc sư và sinh viên ngành này tìm đến để khám phá công trình kiến trúc cổ độc đáo.

Tu viện cổ, bị đồn ‘ma ám’ ở Đà Lạt đang trùng tu? - Ảnh 5.

Phảng phất nét "ma mị".

Từ năm 2014, toàn bộ tu viện với khuôn viên rộng 7 ha trên đường Trần Quang Diệu – Hùng Vương (TP.Đà Lạt) này được chuyển giao cho ĐH Kiến Trúc TP.HCM lập Trung tâm đào tạo tại Đà Lạt.

Những ngày gần đây, khi ĐH Kiến trúc tháo dỡ một số công trình tại tu viện thì trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự lo lắng, tiếc nuối.

“Tu viện có tháp chuông, hệ thống mái vòng cung với đầu nhọn cùng hệ thống cửa sổ kính rộng theo lối kiến trúc Gothic đặc trưng của các nhà thờ hay thánh đường phương Tây thế kỷ 18, trông rất khoáng đạt nhưng cũng khá huyền bí. Do đó hãy bảo tồn chứ không nên phá bỏ”, Nguyễn Văn Hùng, sinh viên ngành kiến trúc thổ lộ.

Tu viện cổ, bị đồn ‘ma ám’ ở Đà Lạt đang trùng tu? - Ảnh 6.

Tháo dỡ công trình để trùng tu.

Về phía ĐH Kiến trúc, lãnh đạo nhà trường khẳng định chỉ tháo dỡ để trùng tu chứ không xóa bỏ công trình cổ. Quá trình trùng tu sẽ bảo tồn tối đa kiến trúc cổ độc đáo, giữ lại “cái hồn” của tu viện xưa. Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại quốc tế Huy Hoàng đã trúng thầu trùng tu 5 khối công trình với thời gian 360 ngày.

Tu viện cổ, bị đồn ‘ma ám’ ở Đà Lạt đang trùng tu? - Ảnh 7.

Cung thánh nhà nguyện xưa sẽ được trùng tu.