Mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết khoa Nhi đã tiếp nhận một bé gái 7 tuổi bị sứa đốt khi tắm biển. Bé đã được gia đình đưa vào nhập viện trong tình trạng cơ thể mẩn ngứa, tím tái, mất ý thức. May mắn sau khi tiến hành cấp cứu, bệnh nhi đã tỉnh, mạch rõ nhưng vẫn còn sốt nhẹ và vết thương ở cánh tay sưng nề.

Bác sĩ chuyên khoa Tim mạch - Thần kinh Phạm Thị Hằng cho biết, mùa hè là mùa của các chuyến du lịch biển, do vậy, tình trạng bị sứa biển hoặc rạn san hô biển đốt trong lúc tắm cũng tăng cao.

Sứa biển, san hô, hải quỳ đều thuộc nhóm Cridaria, chúng có các xúc tua chứa nhiều nọc độc( nematocysts) và có thể xâm nhập qua da người. Một xúc tua có thể kích hoạt hàng nghìn Nematocysts vào da khi tiếp xúc.

Biểu hiện khi bị đốt

Thông thường, tổn thương bân đầu xuất hiện vết phồng, rộp nhỏ, tuyến tính, hình thành trong Một hoặc nhiều đường không liên tục, đôi khi bao quanh 1 khu vực đỏ da, kèm theo cảm giác đau, ngứa. Các niêm mạc có thể chảy dịch, tiến triển thành mụn mủ, xuất huyết, bong vảy.

Trường hợp nặng có biểu hiện toàn thân: Buồn nôn, nhức đầu, đau cơ, chảy nước mắt, nước mũi, tăng tiết mồ hôi, thay đổi nhịp tim( hồi hộp trống ngực, khó thở, đau ngực…)

Xử trí khi bị sứa biển, rạn san hô đốt:

Cần bình tĩnh loại bỏ xúc tua trên da.

Dùng kẹp, que, gậy hoặc găng tay, túi nylon để loại bỏ xúc tua.

Tuyệt đối không dùng tay cầm trực tiếp vào xúc tua.

Dùng loại nước rửa khác nhau để điều trị đau và loại bỏ Nematocysts:

+ Đối với con sứa sống ở vùng nước không nhiệt đới và đối với san hô, nước biển được sử dụng.

+ Đối với sứa sống trong nước nhiệt đới, có thể sử dụng giấm và nước biển để rửa vết thương, không dùng nước ngọt vì nó có thể kích hoạt các nang tuyến , không thải ra ngoài được.

+ Đối với sứa hộp, lúc đầu dùng giấm rửa, sau đó là rửa bằng nước biển, không dùng nước ngọt để rửa.

Đối với cảm giác đau vết thương, có thể dùng thuốc giảm đau NSAID, dùng baking soda trong dung dịch 50:50 bôi lên da, hoặc ngâm vùng bị ảnh hường trong nước ấm. Khi ngứa nên dùng các thuốc chống ngứa kháng Histamin.

Đối với tổn thương da nhẹ, có thể thoa kem có corticoid, nếu nặng có mụn mủ, bong tróc da, cần đến gặp bác sĩ da liễu. Trường hợp có biểu hiện mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực… cần nhập viện nhanh chóng để bác sĩ xử trí kịp thời.

Theo bác sĩ Hằng, để tránh bị sứa biển hay rạn san hô đốt, khi tắm biển, nên mặc bộ đồ bơi dài thân, nhất là khi lặn biển. Tìm hiểu người dân vùng đó xem chỗ tắm biển, nếu có nhiều sứa độc, không nên bơi ở đó.