Cụ thể là lô mỹ phẩm Kem dưỡng trắng da chống nắng SPF 50 ban ngày (White skin care - sunscreen SPF 50 - day cream), trên nhãn sản phẩm ghi các nội dung: "Ngày sản xuất: 20/7/2019; Hạn sử dụng: 20/7/2022; SCB: 001558/13/CBMP-HCM; Nhà sản xuất: Công ty TNHH SX - TM quốc tế Newtoday; Phân phối: Công ty TNHH XNK & PP hàng tiêu dùng Thiên Phú".
Theo đó, Cục quản lý Dược đưa ra lý do thu hồi: Mẫu kiểm nghiệm sản phẩm không đạt yêu cầu chất lượng về giới hạn kim loại nặng trong mỹ phẩm (chỉ tiêu Thủy ngân), có chứa Clobetasol propionate là thành phần không được phép sử dụng trong mỹ phẩm; Sản phẩm được sản xuất và đưa ra lưu thông khi số tiếp nhận Phiếu công bố đã hết hiệu lực. Nhãn sản phẩm không có thông tin về doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường theo quy định.
Trước những thông tin này, Cục quản lý Dược muốn người tiêu dùng cần cảnh giác cao độ, tránh mua phải sản phẩm không đạt chất lượng trên.
Vậy, sử dụng mỹ phẩm chứa thủy ngân nguy hiểm thế nào?
Thủy ngân có trong kem dưỡng da nhờ vai trò ngăn chặn các hắc sắc tố (melanin) phát triển và khiến bạn cảm thấy da trắng sáng lên. Do vậy mà nhiều cơ sở sản xuất mỹ phẩm không ngần ngại trộn thêm hàm lượng thủy ngân vào các sản phẩm kem dưỡng trắng và bày bán trên thị trường.
Bên cạnh những loại kem dưỡng da, điển hình như các loại kem trộn, thủy ngân cũng có thể được đưa vào chất bảo quản có trong nhiều loại phấn mắt cũng như mỹ phẩm trang điểm vùng mắt khác.
Theo nhận định của PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), thủy ngân từ kem dưỡng da cũng như các sản phẩm mỹ phẩm nói chung khi bôi lên da có khả năng bài tiết thông qua nước tiểu, mồ hôi... Đối với những sản phẩm vượt quá nồng độ cho phép, thủy ngân khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây tác động tiêu cực lên hệ thần kinh, gây tổn thương não bộ.
Nếu sử dụng bất cứ một sản phẩm mỹ phẩm nào mà nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu như chóng mặt, nhức đầu, cảm giác mệt mỏi, uể oải, rơi vào trầm cảm, có lẽ bạn đang dùng phải sản phẩm có chứa thủy ngân. Về lâu dài, thủy ngân có khả năng tích tụ trong cơ thể, gây nên bệnh mãn tính.
Cách nhận biết mỹ phẩm chứa thủy ngân
Giới chuyên gia gợi ý, lấy một lượng nhỏ kem nền, kem dưỡng mà bạn đang sử dụng cho vào cốc nước và khuấy thật đều tay trong vòng 30 giây. Sau đó quan sát cốc nước, bạn sẽ thấy:
- Nếu mỹ phẩm có thủy ngân: Mỹ phẩm sẽ lắng xuống bên dưới đáy cốc do thủy ngân là một kim loại nặng, khi bạn khuấy cốc nước, lực ly tâm sẽ khiến cho mỹ phẩm bị chìm xuống đáy cốc một cách nhanh chóng. Ngoài thủy ngân, mỹ phẩm này còn có thể chứa chì. Những thành phần này đều rất độc hại đối với làn da cũng như sức khỏe người dùng, gây kích ứng da, ung thư, tổn hại đến các cơ quan nội tạng. Do đó nên vứt bỏ ngay để đảm bảo an toàn cho làn da.
- Nếu mỹ phẩm không có thủy ngân: Mỹ phẩm nổi trên mặt nước hoặc bám trên thành cốc.
Sử dụng mỹ phẩm chứa chất cấm Clobetasol propionate nguy hiểm ra sao?
Theo Webmd, Clobetasol propionate là một loại corticosteroid được sử dụng để điều trị các tình trạng da như chàm, viêm da tiếp xúc, viêm da tiết bã và bệnh vẩy nến. Nó được áp dụng cho da dưới dạng kem, thuốc mỡ hoặc dầu gội. Sử dụng nên ngắn hạn và chỉ khi các corticosteroid yếu hơn không hiệu quả. Sử dụng không được khuyến cáo trong bệnh hồng ban hoặc viêm da quanh miệng.
Kem làm trắng với Clobetasol propionate, như Hyprogel, có thể làm cho da mỏng và dễ bị bầm tím, với mao mạch có thể nhìn thấy, và mụn trứng cá. Nó cũng có thể dẫn đến tăng huyết áp, tăng lượng đường trong máu, ức chế steroid tự nhiên của cơ thể và các vết rạn da, có thể là vĩnh viễn.
Khi dùng lâu dài, da rơi vào tình trạng nhiễm corticoid. Đây là hậu quả nặng nề mà nhiều người gặp phải khi sử dụng các loại mỹ phẩm chứa chất cấm, mỹ phẩm kém chất lượng nói chung, không loại trừ mỹ phẩm chứa Clobetasol propionate. Theo BSCKI Đỗ Thị Phương Nhung (từng công tác tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội), da nhiễm corticoid có thể đối mặt với 5 cấp độ:
- Da nhiễm corticoid cấp độ 1: Da bị khô, bong tróc da, bề mặt da xuất hiện nốt sần nhẹ, ngứa râm ran ở da.
- Da nhiễm corticoid cấp độ 2: Xuất hiện triệu chứng viêm da cấp tính, nổi mụn nước như bỏng lan rộng. Các bọng nước bị vỡ sẽ khiến da bị tổn thương mưng mủ, sau khi khô sẽ khiến da bị thâm hoặc sần đỏ.
- Da nhiễm corticoid cấp độ 3: Tổn thương lan sâu vào mao mạch dưới da gây giãn mạch máu, da căng tức, phù nề do trữ nước lâu ngày, châm chích trên da.
- Da nhiễm corticoid cấp độ 4: Da tăng bài tiết nhờn, mụn nhỏ li ti, mụn sưng viêm, da đỏ rát với mật độ dày đặc trên mặt.
- Da nhiễm corticoid cấp độ 5: Đây là giai đoạn da nhiễm corticoid mức độ nặng nhất, da luôn bị sưng đỏ, bỏng rát, da bong tróc và đóng vảy theo mảng, xuất hiện mụn nước có dịch mủ màu vàng. Thậm chí da bị nhiễm trùng, hoại tử nghiêm trọng.
Làm thế nào để nhận biết mỹ phẩm chứa chất cấm?
Không phải sản phẩm mỹ phẩm nào cũng công khai thành phần để người tiêu dùng có thể nắm rõ trước khi mua. Do đó, FDA khuyến cáo, khi mua bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào nếu có những dấu hiệu sau thì không được mua:
- Chất lượng sản phẩm: Màu sắc, mùi, dạng sản phẩm… lạ hơn hoặc không giống mùi sản phẩm chính hãng.
- Bao bì: Thiết kế bao bì không rõ nét, nhạt nhòe, hạn sử dụng không rõ. Thông thường, mác nhãn sản phẩm, màu sắc, chữ viết sẽ không rõ, không đậm nét.
- Check mã vạch, nguồn gốc, xuất xứ không có, địa chỉ công ty sản xuất không rõ ràng, cơ quan nhập khẩu không có. Không có tem chống hàng giả của bộ công an.