Cùng với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội thời 4.0, những đoạn clip, hình ảnh với nội dung kích thích người xem đều nhận được lượng tương tác rất cao, thậm chí chúng còn lan đi với tốc độ chóng mặt vào khắp các diễn đàn hội nhóm khác. Tuy nhiên, lẫn trong đó có biết bao nhiêu là hình ảnh, clip quay lén mà những nhân vật chính không hề biết mình bị quay. Ngoại trừ những clip được đăng tải để tố cáo tiêu cực, còn lại chỉ bằng hành động like, share, hay bình luận chúng ta đã vô tình trở thành tòng phạm tư tưởng của kẻ đăng tải trong việc xâm phạm quyền riêng tư của người khác.

Người dùng mạng xã hội thời 4.0: Hãy có trách nhiệm trước khi trở thành tòng phạm tư tưởng của những kẻ quay lén! - Ảnh 1.

Bi kịch có thật của những clip quay lén bị phát tán trên MXH

Xem một đoạn clip, thích thú chia sẻ một hình ảnh mà không được nhân vật chính trong đó cho phép suy cho cùng chẳng khác gì những đứa trẻ lén lút ăn vụng. Nhưng nếu hậu quả của việc ăn vụng, những đứa trẻ bị mẹ mắng thì hậu quả của chúng ta chính là tiếp tay cho kẻ xấu tiếp tục thực hiện hành vi bỉ ổi, có khi còn góp phần đẩy những "nạn nhân" của những hành động ấy rơi vào bi kịch.

Ngày 11/3/2018 một nữ sinh lớp 11 tại Nghệ An đã nhảy xuống ao tự tử sau khi đoạn clip quay lén cảnh cô bé và bạn nam cùng lớp hôn nhau được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Em đã chịu áp lực rất lớn khi người ta cười cợt, chỉ trích vào chính những khoảnh khắc mà em chưa bao giờ muốn nó xuất hiện trên internet. Trước đó, tháng 6/2015, một nữ sinh khác ở Đồng Nai cũng uống thuốc sâu qua đời vì đoạn clip nhạy cảm của em nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người sau khi bị tung lên mạng

Người dùng mạng xã hội thời 4.0: Hãy có trách nhiệm trước khi trở thành tòng phạm tư tưởng của những kẻ quay lén! - Ảnh 2.

Hay nổi tiếng hơn, vào năm 2007, đoạn clip nhạy cảm riêng tư của một nữ ca sĩ Việt bỗng được phát tán rộng rãi trên internet. Dư luận khi đó vừa tò mò tìm cách để xem, vừa thẳng tay ném đá và xem cô ấy là một tội đồ của ngành giải trí. Hậu quả, cô ấy đã phải mất đến 10 năm trời để trốn tránh dư luận, 10 năm trời gục ngã, đến khi quay trở lại cô vẫn phải nói xin lỗi. Thật mâu thuẫn làm sao khi người bị hại lại năm lần bảy lượt van xin những người xem lén - tòng phạm tư tưởng với kẻ phát tán clip tha thứ cho mình.

Khi xem thôi cũng trở thành tòng phạm tư tưởng của kẻ quay/chụp lén

Trên là ba trong nhiều sự vụ có thật nói về tác hại xuất phát một phần từ những cái like, share ảo của cư dân cộng đồng mạng khi xem những đoạn clip quay lén. Nếu vẫn chưa đủ thuyết phục thì hãy hướng mắt về Hàn Quốc. Vụ án Seungri cùng nhóm chat Kakaotalk 7 người đã một phen khiến thị trường giải trí lớn nhất châu Á chấn động. Ngoài Jung Joon Young là kẻ quay clip phát tán vào group thì những người khác dù chỉ đóng vai "người xem" cũng không thoát khỏi búa rìu dư luận của người Hàn. Tại sao, chỉ xem thôi mà?

Người dùng mạng xã hội thời 4.0: Hãy có trách nhiệm trước khi trở thành tòng phạm tư tưởng của những kẻ quay lén! - Ảnh 3.

Hành động xem là một hành động có tội vì góp phần duy trì nhóm chat đồi trụy (không có người xem liệu nhóm chat ấy có tồn tại hay không?). Người xem là người có tội vì không phản đối hành vi trái pháp luật, suy đồi đạo đức. Người xem lúc này đây chính là tòng phạm tư tưởng không hơn không kém.

Gần gũi hơn, mỗi ngày trên mạng xã hội xuất hiện biết bao nhiêu là đoạn clip quay lén, hình ảnh chụp lén với tính chất cười cợt đầy thô bỉ. Chẳng hạn như hình ảnh một cô nàng to béo xồ xề đang đứng bên đường bị kẻ xấu chụp lại rồi đăng tải vào trong các hội nhóm có rất đông thành viên trên mạng xã hội cùng dòng chú thích "vợ của ai mang về đi". Ngay lập tức hình ảnh này được hàng ngàn người nhảy vào like, share, thậm chí còn bình luận cười đùa, tag cả bạn mình vào chung vui..

Người dùng mạng xã hội thời 4.0: Hãy có trách nhiệm trước khi trở thành tòng phạm tư tưởng của những kẻ quay lén! - Ảnh 4.

Hay đoạn clip của một cô gái mặc váy vô ý chẳng may hớ hênh ngoài đường bị quay trộm, xong đăng tải lên mạng liền được trăm nghìn anh chàng bay vào bình phẩm. Nhiều đoạn clip được cắt ghép nửa vời, dưới phần bình luận không hiếm có những kẻ trơ trẽn "xin link"... Cứ thế, những người tò mò, người xem vô ý đang cùng nhau đưa những văn hóa phẩm chẳng mấy hay ho ấy trở nên cực hot trên mạng xã hội, thỏa mãn mục đích câu like của kẻ xấu, góp phần duy trì "đại dịch" quay lén, thậm chí là cả việc "nuôi dưỡng" vấn nạn bodyshaming.

Thử đặt trường hợp mình là cô nàng béo bên trên, bao nhiêu người cười cợt chắc chắn sẽ đau buồn lắm. Thử đặt vào người thân bố mẹ của cô ấy, thấy con gái mình bị dè bỉu xem là trò vui chắc cũng đau lòng. Những nỗi đau này là ai gây ra, chẳng phải chính là kẻ quay lén và những "người xem" tòng phạm like share bình luận bỡn cợt hay sao?

Người dùng mạng xã hội thời 4.0: Hãy có trách nhiệm trước khi trở thành tòng phạm tư tưởng của những kẻ quay lén! - Ảnh 5.

Hãy là người dùng mạng xã hội thông minh, like share và xem có trách nhiệm

Nhiều người hay bảo bản chất việc xem những clip, hình ảnh chụp lén ấy chỉ vì tò mò, nếu không xem thì chúng vẫn lan truyền và cũng có người xem thôi. Nhưng cái câu "tích tiểu thành đại" của các cụ chưa bao giờ sai, một trăm người, một ngàn người cùng suy nghĩ như thế thì hóa ra đoạn clip đã có được một trăm, một ngàn lượt xem. Bản chất việc xem không chỉ giúp những kẻ xấu có sở thích bệnh hoạn đạt được mục đích câu like mà còn là hành vi xâm phạm quyền riêng tư, cũng như góp phần gây đau khổ cho những "nạn nhân".

Bạn có biết, ngay sau vụ xả súng tại thành phố Christchurch vào hôm 15/3 khiến 50 người thiệt mạng, một số diễn đàn mạng của New Zealand kêu gọi: Không nhắc tên kẻ khủng bố, không phát tán video khủng bố, không xem video khủng bố, không đọc lời kêu gọi của kẻ khủng bố. Thậm chí chính phủ còn lên tiếng hy vọng mọi người gỡ bỏ ứng dụng mạng xã hội. Và lời kêu gọi này ngay lập tức đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của người dân. Báo đài của New Zealand sau vụ việc cũng không tập trung đưa tin về hung thủ, thay vào đó là bày tỏ niềm tiếc thương tới nạn nhân, đưa tin về cách khắc phục hậu quả...

Người dùng mạng xã hội thời 4.0: Hãy có trách nhiệm trước khi trở thành tòng phạm tư tưởng của những kẻ quay lén! - Ảnh 6.

Lý do rất đơn giản, kẻ khủng bố muốn được nổi tiếng nên mới livestream hành vi man rợ của mình lên mạng xã hội, nếu mọi người cùng nhau xem vì tò mò hoặc chia sẻ để chỉ trích thì đã là giúp hắn thỏa mãn mong muốn, đồng thời hành động xem còn gián tiếp lan truyền những lời kêu gọi giết chóc vô nhân đạo và gây thêm nỗi đau cho nạn nhân, cũng như là những gia đình có nạn nhân trong vụ xả súng. Không đau sao được khi biết hàng trăm nghìn người đã thấy cảnh mình/con em mình tuyệt vọng la hét trong khoảnh khắc sinh tử của cuộc đời.

Vậy đó, hành vi xem hay like share các hình ảnh, đoạn clip quay lén trên mạng xã hội tưởng như bình thường chẳng hại gì đến ai nhưng lại gây ra rất nhiều hệ quả khôn lường. Hãy trở thành một người dùng mạng có trách nhiệm và văn minh, luôn cân nhắc trước khi quyết định xem hay nhấn nút like, share những clip, hình ảnh có nội dung xâm phạm đời tư của người khác.